Lời giới thiệu: diễn biến đang được chú ý nhất thế giới là chuyện cựu Tổng thống Slobodan Milosevic của Nam Tư đã bị giải cho tòa án quốc tế The Hague xét xử về tội diệt chủng. Nguyễn Khanh trình bầy chi tiết hơn trong bài viết sau đây....Lên tiếng trong cuộc họp báo đặc biệt tại Washington, ông Phil Reeker, người phát ngôn của Bộ Ngoaị Giao Hoa Kỳ cho biết chính phủ Mỹ rất hài lòng trước quyết định giải giao cựu Tổng Thống Slobodan Milosevic cho tòa án quốc tế The Hague xét xử về tội ác mà ông ta đã làm đối với những người thuộc sắc tộc Abani trong thời gian còn tại chức.Người phát ngôn của Bộ Ngoaị Giao Hoa Kỳ cũng nói là quyết định của chính phủ Nam Tư chứng tỏ những người lãnh đạo quốc gia này thật sự muốn đưa quốc gia của họ hội nhập vào với sinh hoạt của cộng đồng quốc tế, và bổn phận của Hoa Kỳ là phải hỗ trợ để Belgrade tiến nhanh hơn trong tiến trình đi đến dân chủ. Một trong những điều mà Washington sẽ làm là viện trợ cho Nam Tư 118 triệu đô la, và số tiền này sẽ được chính phủ Hoa Kỳ thông báo tại hội nghị các quốc gia cấp viện khai diễn sáng nay ở thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ. Nếu cộng cả những số tiền mà những quốc gia Tây Phương thuộc Liên Hiệp Âu Châu hứa hẹn, số tiền viện trợ mà Nam Tư được hứa có thể lên đến gần 1 tỷ 500 triệu đô la. Đây là khoản tiền mà chính quyền Belgrade cần có, để thực hiện những dự án khác nhau, từ phát triển kinh tế cho đến tái thiết, và tái định cư người tỵ nạn còn sót lại sau cuộc chiến Kosovo.Từ sáng hôm qua. Nhật Bản, Australia và New Zealand đã cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu lên tiếng ca ngợi quyết định giải giao cựu Tổng Thống Slobodan Milosevic cho tòa quốc tế La Haye ở Hà Lan. Những lời ngợi khen này được đưa ra sau khi tin tức cho hay chính phủ Belgrade dùng máy bay đưa ông Milosevic tới một căn cứ NATO ở Bắc Bosnia, và sau đó dùng trực thăng chở ông ta đến trại giam Schevenigen ở Hà Lan, chờ đợi ra tòa. Nếu bị tòa xác nhận có tội, ông Milosevic có thể lãnh án tù chung thân.Cũng ngày hôm qua, những người ủng hộ ông Milosevic đã tề tựu ngay tại thủ đô Belgrade để phản đối, đồng thời Thủ Tướng Zoran Ziric đã loan báo quyết định từ chức, đưa ra lời tuyên bố nói rằng hành động mà chính quyền vừa làm là điều không thể chấp nhận được. Ông còn cho biết đảng Xã Hội mà ông cầm đầu cũng quyết định rút lui ra khỏi chính phủ liên hiệp, để phản đối một hành động mà ông gọi là vừa vi hiến vừa coi thường danh dự quốc gia. Cùng lúc đó tại Hà Lan, người cầm đầu ban công tố của tỏa quốc tế là Bà Carla del Ponte đã cho mở cuộc họp báo, trong đó nhấn mạnh là vẫn còn nhiều kẻ thông đồng với Milosevic phạm tội ác và hiện đang sống ngoài vòng pháp luật. Bà Del Ponte nói rằng chỉ khi nào tất cả những kẻ giết người bị bắt giam, lúc đó vụ án mới thật sự kết thúc.Chỉ có Nga lên tiếng phản đối, chỉ trích rằng Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đã cố tình can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, và dùng quyền lực để điều khiển một quốc gia đang cần sự trợ giúp. Cũng cần nói thêm là quyết định giải giao ông Milosevic cho tòa quốc tế được chính phủ Nam Tư thi hành chỉ một ngày trước khi Hoa Kỳ và các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu nhóm họp tại Brussells, để thảo luận về số tiền viện trợ tái thiết và kinh tế cho Belgrade. Người phát ngôn của chính phủ Hoa Kỳ khi được hỏi nói rằng chuyện viện trợ và việc giải cựu Tổng Thống Nam Tư cho tòa án quốc tế là hai chuyện không liên hệ với nhau.