PHILÍPPIN PHẢN-ĐỐI HÀNH-ĐỘNG CỦA TRUNG-QUỐC Ở TRƯỜNG-SA


1998.11.05

INTRO: Cũng liên quan đến Việt Nam và một số nước khác trong vùng, Tổng Thống Philippines, ông Joseph Estrada hôm nay lên tiếng nói là ông hy vọng cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa sẽ được giải quyết theo đường lối ôn hòa. Vấn đề này sẽ được Trần Thanh Quân ghi lại chi tiết hơn trong bài do Thanh Trúc đọc gửi đến quý thính giả sau đây. VOICE: Theo lời Tổng Thống Estrada, ông mong mỏi thấy cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa giữa Philippines và Trung Quốc sẽ được giải quyết theo đường lối ôn hòa, tức bằng những cuộc thảo luận giữa đôi bên. Lời tuyên bố này đã được Tổng Thống Phi đưa ra giữa lúc tin tức cho thấy mối quan hệ giữa hai nước có thể lại gặp trở ngại, sau khi Manila lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh đưa tầu chiến vào đảo Trường Sa, là khu vưcỉ mà hiện nay ngoài Trung Quốc và Philippines, còn có nhiều quốc gia khác nữa coi là có chủ quyền, trong đó, có cả Việt Nam. Trong một cuộc họp báo ngày hôm qua, ông Orlando Mercado, bộ trưởng quốc phòng Philippines cho biết những chiếc tầu của hải quân Trung Quốc có trang bị võ khí, đã được phái đến để bảo vệ công tác sửa chữa lại các căn nhà mà Bắc Kinh đã cho xây trên Đảo Vành Khăn, nằm cách đảo Palawan của Phi khoảng 345 cây số về phía Tây, trong đó, có hai chiếc được trang bị võ khí và có cả sân đáp trực thăng. Manila cũng đã cho triệu viên đại sứ Trung Quốc đến Bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối việc này. Bản kháng thư dài 2 trang của bộ ngoại giao Phi có đoạn viết là chính phủ Phi đòi hỏi Trung Quốc phải hủy bỏ tất cả các công trình xây dựng ở trên đảo, và hành động mà Bắc Kinh đã làm có thể gây nguy hại đến an ninh của Phi, cũng như vi phạm lời cam kết không gây rối ở các vùng đảo đang tranh chấp chủ quyền trong thời gian chờ đợi vấn đề được thảo luận và giải quyết theo đường lối ôn hòa, mà chính Bắc Kinh đã cùng với Manila ký kết hồi năm 1995. Ngay chính các đại biểu quốc hội Phi cũng đã lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải vận động với những nước khác, để buộc Bắc Kinh phải tháo gỡ các căn nhà đã được xây trên đảo này. Bản thông cáo do Ủy Ban Quốc Phòng Và An Ninh thuộc Thượng Viện Phi phổ biến cũng nói là các hành động của Trung Quốc sẽ tạo nên bất ổn, cũng như gây khó khăn cho những nước trong vùng hiện đang dồn mọi nỗ lực để phục hồi nền kinh tế. Về phần mình, bản thông cáo do Tòa Đại Sứ Trung Quốc ở Manila phổ biến sau đó nói là Bắc Kinh quyết định đưa người đến sửa lại các căn nhà trên đảo vì các căn nhà này bị gió mưa làm hư hại, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những ngư phủ người Hoa khi họ cần phải lên đây trú bão. Bản thông cáo này cũng nói đảo Vành Khăn thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và tất cả các công trình mà Bắc Kinh cho xây dựng trên đảo đều được thực hiện với thiện chí hòa bình. Mới đầu năm nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đề nghị cho các ngư phủ Philippines lên trên đảo Vành Khăn trú ngụ để tránh bão hay khi gặp trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Manila bác bỏ, nói là Bắc Kinh chỉ lợi dụng chuyện nhân đạo với âm mưu muốn được xác nhận chủ quyền hòn đảo là của Trung Quốc. Những xáo trộn xảy ra trong vụ tranh chấp chủ quyền Trường Sa giữa Trung Quốc và Philippines, cũng như giữa Trung Quốc và các nước khác, đã liên tục xảy ra từ nhiều năm qua. Vào năm 1992, ASEAN đã đưa ra bản tuyên cáo kêu gọi các nước liên hệ nên giải quyết vấn đề này theo đường lối ôn hòa. Ngoài Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, còn có Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng cho là họ có chủ quyền ở vùng đảo Trường Sa, là vùng được dự đoán có những mỏ dầu hơi đốt rất lớn. Các nhà ngoại giao thì coi quần đảo này là địa điểm có thể gây bất ổn cho toàn khu vực, nếu các nước liên hệ không giải quyết được vấn đề một cách ổn thỏa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.