THUNG LŨNG SILICON, MÔ THỨC PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT VÀ KINH DOANH CHO Á CHÂU


1998.11.11

Nằm ở phía bắc tiểu bang California, vùng phát triển huy hoàng đó trải dài từ phía Nam thành phố San Jose, qua năm sáu quận và thành phố khác, bao gồm cả trường đại học Stanford, rồi vuơn dài qua khỏi vịnh San Francisco với chiếc cầu Golden Gate lừng danh thế giới, chiếm hữu cả thành phố San Francisco thơ mộng. Thế Giới và người Mỹ gọi đó là Silicon Valley, tức Thung lũng SiLiCôn. Với dân số 2 triệu 300 ngàn người, tỉ lệ người gốc Á Châu là 23%, thung lũng silicôn còn được gọi là thung lũng vàng này tạo ra 1 triệu 200 ngàn công ăn việc làm. Từ năm 1992 đến nay, số lượng công việc gia tăng thêm tới 200 ngàn, trong số đó đến 38% tức 76 ngàn công việc nằm trong lãnh vực kỹ thuật thông tin, má chính yếu là công nghiệp điện toán. 3 ngàn 575 công ty ra đời từ năm ngóai. Vốn đầu tư cho riêng 6 tháng đầu năm nay đã là 2 tỉ đô la, chiếm 27% vốn đầu tư cả nước Mỹ, so với 2 tỉ 700 triệu trong cả năm ngoái. Còn một điều đáng chú ý và làm cả nước Mỹ thèm thuồng, là mức lương trung bình của một nhân viên trong vùng thung lũng silicôn, tính trong năm ngoái đã là 46 ngàn đô la một năm, hơn gấp ruỡi mức lương trung bình của toàn quốc Hoa Kỳ làxấp xỉ 30 ngàn đô la một người trong một năm. Cuộc bùng nổ kỹ thuật và kinh tế ở nơi đây đã thu hút sự lưu tâm của vô số nhũng chuyên gia Á Châu, ở những quốc gia đang bị cơn khủng hoảng kinh tế hoành hành. Chuyên gia nhiều chính quyền châu Á, cùng các chuyên viên kỹ thuật điện toán và kinh doanh của họ ào ạt đổ tới silicon valley, làm việc, kinh doanh, nghiên cứu. Duới mọi khía cạnh, Silicon valley là một mô hình thành công về đầu tư, nghiên cứu, quản lý, kinh doanh. Nghĩa là thành công trên mọi khía cạnh của kinh tế. Những kinh nghiệm hiển nhiên nhất để có thể áp dụng cho các nước Á Châu khốn khó hiện nay là gì? Đầu tiên là không có những ngành kinh doanh được chính quyền đỡ đầu hay bênh vực tại silicon valley. Thêm vào đó là những luật lệ công bằng trong kinh doanh và khai thác thị trường. Những luật lệ này khiến các đại công ty không thể chiếm hữu để khai thác những lãnh vực chủ yếu trong ngành kỹ thuật thông tin điện toán, như dịch vụ Internet và ngành phát triển nhu liệu. Một chứng minh là đại công ty Microsoft khét tiếng cũng đang phải đối đầu với một vụ kiện của bộ tư pháp Hoa Kỳ vì muốn dành độc quyền trong một lãnh vực khai thác trên mạng luới Internet. Đài Loan là nước có những công ty cỡ nhỏ và trung bình với 96% doanh số trong ngành kỹ thuật thông tin điện toán, nên cũng mang vẻ tương tự với mô hình silicon valley. Ngược lại, Nam Hàn vẫn còn tìm cách yểm trợ cho các chaebols, tức các đại công ty đa ngành, dù rằng Tổng Thống Kim Đại Trung tỏ ý muốn cân bằng quyền lợi kinh doanh giữa các chaebol và các công ty nhỏ hơn. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là những kinh nghiệm quý giá nhất. Kinh nghiệm quý giá thuờng vô hình, và ở silicon valley, đó là sự cởi mở đón nhận mọi con người với mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa. Thêm vào đó là tinh thần bạo dạn đầu tư, dám chấp nhận ăn thua khi đã kinh doanh, không ngừng tìm tòi đầu tư dù sau khi đã thất bại. Silicon Valley trở nên một biểu tượng của tinh thần khai phá và những đường lối kinh doanh mới lạ, không phải chỉ là một địa danh của sự thành công. Rất nhiều nhà kinh tế và doanh gia Á Châu đến nơi đây không phải chỉ để tìm cách kiếm tiền. Họ cần học hỏi những sáng kiến hơn là cần làm ra tiền tại chỗ. Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu và sản xuất Nhu liệu của Nam Hàn tại Silicon Valley nói rằng các công ty đầu tư và nghiên cứu Nam Hàn cảm thấy sự phát triển của họ ở nơi đây có nhiều cơ hội hơn. Chẳng hạn như ở nước ông khi các công ty cùng đăng ký các bản quyền sáng chế các kỹ thuật mới thì luôn luôn các chaebols được giành ưu tiên hơn, các công ty nhỏ nhiều khi bị loại bỏ rất oan ức. Một yếu tố nữa rất có ảnh hưởng cho tương lai, là làn sóng các kỹ sư và thảo chương viên điện toán người Á Châu đổ vào Hoa Kỳ ngày càng đông đảo. Theo luật di trú của Mỹ dành cho thành phần chuyên viên cao đẳng từ nước ngoài, các chuyên viên ngoại quốc có quyền làm việc tại Hoa Kỳ đến 6 năm. Phần lớn thành phần này là các chuyên viên điện toán. Con số chuyên viên Á Châu nhập cảnh sẽ còn tăng nhiều sau khi Quốc Hội Mỹ chuẩn nhận luật cho phép tăng thêm số người vào Mỹ làm việc lên đến 115 ngàn người. Nhiều chuyên viên trong thành phần này đã và sẽ trở về làm việc ở nước mình, vì trong tình trạng chưa phát triển tột độ như ở Đài Loan, họ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn là tại Mỹ, do những điều họ đã học hỏi được. Người Hoa Kỳ gọi đó là tình trạng chất xám chảy ngược, thay vì chất xám tuôn vào Hoa Kỳ thì kiêrn thức lại từ Hoa Kỳ tuôn trở ra các nước đang phát triển. Phải còn một thời gian lâu nữa các quốc gia Á Châu mới có thể ứng dụng được những bài học từ Silicon Valley, như Đài Loan đang ứng dụng và gặt hái thành công đáng kể. Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã bỏ thêm vốn vào ngành điện toán tại Đài Loan. Tuy nhiên đối với những quốc gia như Nam Hàn, cũng có nhiều dấu hiệu đáng khuyến khích, như các công ty Nam Hàn tại Hoa Kỳ đã bơm tiền về cho một số công ty địa phương ở Nam Hàn. Những dấu hiệu đó cho thấy khu vực kỹ thuật thông tin điện toán Á Châu có thể đạt đến tương lai sáng sủa, nếu biết liên kết và học hỏi những kinh nghiệm từ thung lũng Silicon ở bắc California, Hoa Kỳ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.