NGƯỜI THA HƯƠNG MONG NỐI KẾT ĐỒNG HƯƠNG [A life apart: Exiled dissident seeks to unite overseas Vietnamese by Lin Neumann- For Far Eastern Economic Review] Việt Long lược dịch

Lời giới thiệu: Một chính quyền giam nhốt người bất đồng chính kiến lâu năm có thể coi sự tống xuất người đó ra nước ngoài như một cách ân xá. Chính quyền đó cũng tính rằng người ấy chỉ là một tiếng nói lẻ loi từ quá khứ, đã xa cách với thực tại đời sống ở nước ngoài, do sự tiến hóa của người đó như đã dừng lại, từ khi vào tù. Nên Hà Nội không sợ một người bất đồng chính kiến nào, dù có nhiều uy tín đến đâu, khi đã bị trục xuất, lại có thể đoàn kết được cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong mục đích chống lại chế độ cầm quyền trong nước. Nhưng vẫn có trường hợp ngọai lệ, vượt ra ngoài sự tính toán ấy. Đó là đại cương phần mở đầu bài viết của tác giả Hoa Kỳ Lin Neumann ở Washington, đăng trên tạp chí Kinh tế Viễn Đông. Bài viết phân tích khá tỉ mỉ về cộng đồng người Việt hải ngoại, đối chiếu với các hoạt động của giáo sư Đoàn Viết Hoạt từ ngày sang Hoa Kỳ. Việt Long tóm lược bài báo để trình bày hiến quý thính giả quan điểm của một người nước ngoài về các vấn đề liên quan mật thiết đến người Việt chúng ta.Nhiệm vụ đoàn kết khối người Việt hải ngoại không phải dễ dàng. Khó có một nhân vật nào đủ khả năng làm điều đó, nhưng một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng trường hợp ông Đoàn Viết Hoạt có thể có khác biệt. Quá trình về tôn giáo, học thức, và những năm tháng lâu dài trong lao tù Cộng Sản Việt Nam, là những điều kiện thuận lợi để ông Hoạt có cơ may xây dựng được mối đoàn kết trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Giám đốc văn phòng tại Washington của tổ chức Human Rights Watch Asia, chuyên theo dõi về nhân quyền tại Á Châu, cho biết, ông thấy điều đáng chú ý là khá nhiều người Việt Nam trong nhiều tập thể khác nhau đã bày tỏ sự tôn trọng đối với nhân vật bất đồng chính kiêùn này. Ông Hoạt luôn luôn kêu gọi người Việt hãy đoàn kết bằng cả con tim lẫn khối óc, trong mọi cuộc nói chuyện khắp từ Hoa Kỳ sang Âu Châu. Ông thường nói, tất nhiên phải có tranh luận về đường lối, phương pháp, nhưng mọi người Việt đều đồng thuận ở một điều, đó là/ không chấp nhận chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, và muốn thấy sự đổi thay chính trị cho người Việt trong nước. Ông Hoạt không nói nhiều về sự hy sinh đáng kể của cá nhân ông. Ông không tỏ ra hận thù hằn học gì về thời gian 12 năm rồi lại thêm 8 năm bị giam nhốt vì tội danh âm mưu lật đổ chính quyền Cộng Sản, gần như xa cách hẳn người vợ và ba người con trai. Người bạn đời của ông, bà Trần thị Thức, cũng bị tù 20 tháng vì một tội rất kỳ lạ, là tội làm gián điệp. Nay cả gia đình đã được tự do, đôi vợ chồng lại cùng nhau hoạt động. Hai người cùng sát cánh bên nhau đi khắp mọi nơi, tham dự các buổi nói chuyện, và lặng lẽ vận động để thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ khác gây áp lực với Việt Nam về mặt đổi mới chính trị.Việc quan trọng nhất của ông là tiếp xúc riêng với những người có ảnh hưởng trong các khối người Việt hải ngoại, để gây nên một phong trào thực sự đi sát với thực tế. Giáo sư Hoạt thường nhấn mạnh về những nguyện vọng và mục tiêu tranh đấu chung, như dân chủ, tự do báo chí, phóng thích tất cả tù chính trị, và sau cùng, là chấm dứt chế độ độc đảng tại Việt Nam. Ông cho biết ông muốn hoạt động một cách ôn hòa, và kết hợp những hoạt động của những người khác chính kiến ở trong và ngoài nước. Tác giả Lin Neumann của bài viết này cho rằng cộng đồng Việt Nam hải ngoại có những dị biệt sâu xa, do những đợt di tản và vượt biên khác nhau, rồi đến các cựu quân nhân viên chức bị giam tù được xuất ngoại chính thức, tất cả bao gồm những thành phần khác biệt trong xã hội miền Nam trước đây, với kinh nghiệm từng trải trong chế độ Cộng Sản cũng chẳng giống nhau. Người thì muốn hồi sinh chế độ Việt Nam Cộng Hòa, người lại muốn xây dựng những chế độ khác hơn so với các chế độ trước đây và hiện nay ở Việt Nam. Những người Âu Mỹ có thiện cảm với ông cho rằng giáo sư Đoàn Viết Hoạt được tin cậy và nể trọng do thời gian bị tù đày. Nhưng điều đó dường như không phải nguyên do chính, như một người Việt Nam hoạt động chính trị cho biết. Vị này nói rằng những người tù chính trị như vậy có đến hằng ngàn, rất đông người Việt trên đất Mỹ đã trải qua nhiều năm tù đày, nên uy tín của ông Hoạt là do những yếu tố khác.Theo tác giả Neumann, thì một lý do có thể là ông bà Hoạt đều có chân trong phong trào sinh viên Phật giáo hồi thập niên 1960, là thời gian các lãnh tụ Phật giáo không chịu ơn huệ gì của cả chính quyền quốc gia lẫn phe Cộng Sản. Uy tín của giáo sư Hoạt đã gia tăng từ khi ông là phó Viện trưởng đại học Vạn Hạnh từ năm 1972 đến khi Sài Gòn thất thủ. Vẫn theo ông Neumann, sau năm 1975, ông Hoạt lại trở thành hạt nhân nối kết đấu tranh khi làm tờ báo đối lập bí mật tên là Diễn Đàn Dân Chủ. Tờ báo khiến chính quyền Cộng Sản nổi giận, và tìm cách bắt giữ ông vào năm 1990. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nhân vật đứng đầu Ủy Ban Cứu người vượt biển trong cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Washington, cho rằng ngày nay giáo sư Đoàn Viết Hoạt có thể trở nên hạt nhân đoàn kết do cung cách của ông, do quá khứ chính trị, và do ông được nhiều người nể trọng. Tác giả Lin Neumann viết tiếp, tuy nhiên, điều ông Thắng nói không phải là điều tất cả mọi người Việt đều nghĩ, nhất là ở những người chống Cộng mạnh mẽ sôi nổi hơn. Chủ bút tuần báo Sài gòn Nhỏ ở quận Cam, bang California, là bà Hoàng Dược Thảo, đã nêu lên những ngờ vực về quá khứ làm báo và làm chính trị đối lập với Cộng Sản của giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Người chủ bút này nghi rằng ông Hoạt đã không bị ngược đãi khi ở trong tù vì trông ông khá khỏe mạnh lúc được trả tự do. Bà Hoàng Dược Thảo còn cho rằng giáo sư Hoạt không đủ khả năng làm một lãnh tụ chính trị, vì ông đã không tỏ ra giận dữ về thời gian bị Cộng Sản giam cầm. Dù sao chăng nữa, ông Lin Neumann nhận xét, những quan điểm như của bà Hoàng Dược Thảo khá hiếm hoi. Đối với giáo sư Hoạt, đây chỉ là những ngày đầu trong hoàn cảnh mới, và ông chỉ muốn đi nhiều, nói chuyện nhiều. Ông Đoàn Viết Hoạt nói với tác giả bài báo này, rằng ông không thể giữ im lặng được sau quá nhiều năm bị giam giữ. Ông nói, cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam có chính nghĩa, nên người Việt phải nói lên chính nghĩa đó. Việt Long