HÀNH ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI QUANH VIỆC HÀ NỘI BẰT GIỮ NHÀ TRÍ THỨC NGUYỄN THANH GIANG


1999.03.12

Lời giới thiệu: Hôm mùng 4 tháng này, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giữ tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà trí thức bất đồng chính kiến, với tư duy có hệ thống và mạch lạc nhất tại Việt Nam, và cũng là tiếng nói phê phán chính xác và quyết liệt nhất ở trong nước hiện nay. Hành động khai chiến của Hà Nội với giới trí thức và những tiếng nói đôỉc lập trong nước đã gây xôn xao dư luận trong nước và quốc tế. Các hãng thông tấn quốc tế đều đưa tin và phân tích hành động này của Hà Nội. Hôm thứ tư vừa qua, tổ chức quốc tế mang tên Ủy Ban Bảo vệ Ký giả đặt cơ sở tại New York, Hoa Kỳ, đã gửi văn thư khiếu nại về việc ông Nguyễn Thanh Giang bị bắt giữ/ đến Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Văn kiện này cũng được đồng gửi đến tổng bí thư Lê Khả Phiêu và tất cả các tổ chức truyền thông, tổ chức nhân quyền quốc tế trên khắp thế giới. Sang ngày thứ năm, tổ chức Human Rights Watch, là một tổ chức quốc tế theo dõi việc thực hiện nhân quyền trên khắp thế giới, cũng phổ biến bản thông cáo lên án việc bắt giữ ông Nguyễn Thanh Giang. Đến thứ sáu, bộ ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo, đòi hỏi Việt Nam phải lập tức trả tự do cho nhân vật bất đồng chính kiến này một cách vô điều kiện. Đài Á Châu Tự Do đã gửi đến quí vị nhiều chi tiết về vụ bắt giữ này, cùng với những nhận định và phân tích nguyên do vụ việc. Hôm nay câu chuyện thời sự trong tuần sẽ tường trình với quí vị nội dung các văn bản của hai tổ chức nói trên, cùng dư luận quốc tế liên quan đến việc Đảng và chính quyền Cộng Sản Việt Nam bắt giữ nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang.    Văn bản của Ủy Ban Bảo vệ Ký giả đề gửi Chủ Tịch Trần Đức Lương của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua bộ ngoại giao tại Hà Nội, Việt Nam, nội dung đại cương như sau: Tin tức cho hay công an đã bắt giữ ông Giang hôm mùng 4 tháng 3 tại Hà Nội, vì đã giữ những tài liệu phê phán Đảng Cộng Sản. Ông Giang là một nhà địa vật lý đã viết những bài về vấn đề tham nhũng trong nội bộ Đảng Cộng Sản, thường được phổ biến trên hệ thống Internet và trên báo chí do những người Việt Nam lưu vong hải ngoại điều hành. Hãng thông tấn DPA tuờng thuật lại nguồn tin từ trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, nói rằng ông Giang rất có thể bị kết án tù sau khi bị bắt giữ. Từ lúc bị bắt không ai biết ông đang bị giam giữ ở đâu, và tội danh cũng không được chính thức công bố. Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn thường xuyên sách nhiễu ông Giang vì những bài viết về chính trị của ông. Việc bắt giữ ông xảy ra tiếp theo một loạt tuyên bố của các viên chức đảng Cộng Sản về điều gọi là những mối đe dọa do những người bất đồng chính kiến gây nên. Các viên chức cao cấp về an ninh của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong những ngày gần đây cũng lên tiếng cảnh giác về việc gọi là những lực lượng thù nghịch cả trong lẫn ngoài nước đang gia tăng nỗ lực đánh phá chế độ cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Văn bản gửi chủ tịch nước tại Hà Nội viết tiếp: Là một tổ chức không đảng phái tích cực hoạt động để bảo vệ các đồng nghiệp ký giả trên khắp thế giới, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả cũng đã lưu ý đến những điều kiện tồi tệ về tự do báo chí tại Việt Nam trong năm qua, do việc Đảng Cộng Sản siết chặt sự kiểm soát đối với giới truyền thông. Mặc dù hiến pháp của Việt Nam chính thức bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, thực tế là hầu hết mọi ngành truyền thông đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng và Nhà nước. Đặc biệt gây chấn động là ông Giang, nhà khoa học có danh tiếng quốc tế mà những bài viết chính trị đầy tính tư tưởng của ông đã bị cấm ngay trên đất nước ông nhưng lại được ca ngợi ở ngoài nước, nay gặp phải nguy cơ bị tù tội chỉ vì đã thực thi quyền tự do phát biểu ý kiến. Văn kiện của Ủy Ban bảo vệ ký giả nói tiếp, Ủy Ban mạnh mẽ kêu gọi hãy trả tự do cho ông Giang ngay lập tức, và mọi điều kết án ông phải được công bố. Là một quốc gia ký tên trong Bản Công ước quốc tế về dân quyền và quyền chính trị, Việt Nam có trách nhiệm phải tôn trọng quyền tự do phát biểu ý kiến và quyền tự do báo chí, thể theo điều 19 của bản Công Ước nói trên. Nếu ông Giang bị bắt vì những bài viết hay vì đã phổ biến những điều phê phán Đảng Cộng Sản, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả yêu cầu chủ tịch nước Việt Nam hãy giúp đỡ để mọi điều kết án ông Giang được hủy bỏ. Sang ngày thứ năm trong tuần, Tổ chức Human Rights Watch phổ biến bản thông cáo có nội dung tổng quát như sau: Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền tố giác việc công an bắt giữ nhà địa vật lý và là nhà văn Nguyễn Thanh Giang xảy ra hôm mùng 4 tháng 3 trên đường phố Hà Nội, theo tin tức, là vì ông đã giữ những tài liệu tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội. Công an dẫn ông về nhà để ông lấy một ít vật dụng cá nhân và sau đó bị Công an đưa đi. Hiện không ai biết ông đang ở đâu, và án lệnh liên quan đến ông cũng chưa được công bố. Giám đốc phụ trách khu vực Á Châu của Human Rights Watch, bà Sidney Jones, tuyên bố rằng việc bắt giữ ông Nguyễn Thanh Giang là một sự công kích tệ hại đối với quyền tự do phát biểu ý kiến, và ông phải được phóng thích lập tức và vô điều kiện. Sự lên án rằng ông giữ những tài liệu tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa có nghĩa là ông bị kết án chỉ vì thủ đắc một số những bài viết của chính ông. Bà Sidney Jones cũng nói rằng Việt Nam có trách nhiệm tôn trọng các quyền tự do bày tỏ niềm tin và quan điểm, thể theo bản Công Ước quốc tế về dân quyền và quyền chính trị cũng như theo đúng với hiến pháp của Việt Nam. Tổ chức Human Rights Watch được biết rằng ông Nguyễn Thanh Giang có thể bị kết án về tội chống lại nền an ninh quốc gia, chiếu theo bộ luật hình sự. Có thể ông sẽ bị kết án theo điều số 82, về tội tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa. Theo điều luật này, chỉ cần có hành động bày tỏ một quan điểm chính trị bị coi như có hại cho Nhà nước hay cất giữ hoặc lưu hành những tài liệu tương tự, cũng bị kết tội hình sự. Nếu bị truy tố theo điều 82 nói trên, ông Nguyễn Thanh Giang có thể bị kết án từ 3 năm đến 12 năm tù. Thông cáo của tổ chức quốc tế theo dõi nhân quyền cho biết tiếp: Năm nay 63 tuổi, là một nhà địa vật lý và một nhà trí thức thẳng thắn đáng kính, ông Giang đã từng công khai bênh vực cho nhân quyền và nền chính trị đa nguyên từ năm 1989. Trong những năm gần đây, ông đã phổ biến một số thư ngỏ kêu gọi đổi mới ôn hòa. Trong các tác phẩm, ông đã phê phán những nhà tư bản đỏ trong Đảng Cộng Sản và tố các những vụ vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi thực hiện một nền dân chủ thực sự trong đó mọi người dân từ thượng tầng đến hạ tầng trong xã hội đều được hưởng phúc lợi đồng đều. Các tác phẩm của ông bao gồm những quyển: Nhân Quyền, khát vọng ngàn đời, phổ biến năm 1996, Bầu cử và Quốc Hội, năm 1997, và Thử luận bàn về giai cấp công nhân Việt Nam, mới phổ biến năm ngoái. Vẫn theo thông cáo của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, trong nhiều năm qua, ông Giang thường bị Công an gọi lên thẩm vấn, bị các đồng nghiệp và hàng xóm phê bình. Thêm nữa, gia đình ông còn bị sách nhiễu, và việc di chuyển của ông cũng bị cấm đoán. Sau khi ra ứng cử vào Quốc Hội hồi năm 1992 với tư cách một ứng cử viên độc lập tại Hà Nội, ông bị chính quyền theo dõi chặt chẽ hơn. Năm 1997, ông bị công an thẩm vấn thường xuyên và bị tố cáo là phản bội trong các cuộc hôị họp tổ chức tại khu phố ông cư ngụ ở Hà Nội. Tháng 3 năm 1998 công an bắt giữ ông trong bốn ngày, kết tội ông đã phổ biến bất hợp pháp một tập thơ của một người bất đồng chính kiến khác. Công an thả ông ra sau khi ông dọa sẽ tuyệt thực. Tháng 5 năm 1998, phòng văn hóa của sở công an lại gọi ông lên để khuyên ông chấm dứt phê phán các chính sách của đảng Cộng Sản. Trong phần cuối, bản thông cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền viết, những tác giả không đồng chính kiến tại Việt Nam phải chịu sự kiểm soát ngặt nghèo và sự đàn áp của chính quyền. Mặc dù một số tù nhân chính trị nổi tiếng đã được ân xá vào tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, vẫn còn mấy chục người bất đồng chính kiến bị giám sát hoạc bị đe dọa bắt giữ, hoặỉc bị quản chế hành chính theo nghị định 31/ CP. Theo nghị định này của bộ nội vụ hồi năm ngoái, chính quyền có quyền bắt giam bất kỳ người nào đến hai năm mà không cần phải có bản án. Các bản tin của các hãng thông tấn quốc tế tường trình tương tự như phần trên về thành tích và quá trình hoạt động phê phán chính quyền của ông Nguyễn Thanh Giang, tuy nhiên mỗi ký giả còn có thêm một vài tin tức khác. Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho biết, theo một số quan chức trong Đảng Cộng Sản và các nhà ngoại giao ở Hà Nội, việc bắt giam ông Nguyễn Thanh Giang là dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng Sản siết chặt sự kiểm soát và đàn áp những lời phát biểu mà họ gán cho tội muốn lật đổ chế độ. Các nhà phân tích và giới ngoại giao nước ngoài nói rằng hành động trên chứng tỏ Đảng Cộng Sản nhất quyết loại trừ những nhân vật bất đồng chính kiến, và việc bắt ông Giang là lời hăm dọa giam tù rõ rệt nhất, đối với hàng ngũ những đảng viên cao cấp không bằng lòng với đảng cầm quyền ngày càng gia tăng. Hàng ngũ này đứng đầu là cựu tướng Trần Độ cùng nhiều đảng viên kỳ cựu là các sĩ quan cao cấp trong quân đội. Một nhà ngoại giao nhận xét rằng vụ này mang ý nghĩa rất rõ rệt, vì đây là vụ bắt giữ đầu tiên trong hai ba năm nay, mà đối tượng là một người ôn hòa. Một nhà ngoại giao khác cho rằng sự khởi đầu chiến dịch đàn áp của phe bảo thủ là nhằm ngăn chặn sự kết hợp của lực lượng những nhân vật bất đồng chính kiến. Báo S. China Morning Post thuật lại nguồn tin từ một đảng viên Cộng Sản ở Hà Nội, cho hay là lần này ông Nguyễn Thanh Giang có nhiều nguy cơ bị lãnh án. Cũng một nguồn tin từ trong đảng đã cho phóng viên hãng AFP hay là công an tịch thu những tài liệu gọi là chống đảng mà ông Giang mang trong người lúc đang đi đến một trạm bưu điện. Ông bị công an dẫn về nhà và tịch thu thêm những tài liệu chống đối khác tại nhà. Dư luận cũng đặt câu hỏi về sự liên quan giữa chuyến đi mới đây của ông Lê Khả Phiêu sang Trung Quốc với vụ bắt giam ông Nguyễn Thanh Giang hồi tuần qua. Phải chăng Việt Nam rập khuôn Trung Quốc trong việc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến, y hệt như Bắc Kinh vừa hành động trong mấy tuần qua? việt long - rfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.