Đằng sau các vụ án tham nhũng ở Trung Quốc

Lời giới thiệu: Trong những tháng gần đây tại Trung Quốc, báo chí thường phơi bày chi tiết các vụ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu và trốn thuế. Đặc biệt là đối với những trường hợp mà can phạm là viên chức cao cấp. Dĩ nhiên là điều đó chứng tỏ quyết tâm của nhà nước, nhưng ngoài ra, các đợt sóng lớn đó còn có ý nghĩa gì khác hơn không? Lê Dân lượt thuật vấn đề dựa trên tài liệu của nhật báo The Straits Times phát hành ở Singapore...Hồi đầu tháng Mười Hai, ông Vương Cự, phó thị trưởng thành phố Thẩm Quyến, bị mất chức vì nhận hối lộ 1 triệu rưỡi nhân dân tệ. Cùng vụ còn có các viên giám đốc đường xe điện và phó giám đốc Sở Kế hoạch thành phố. Tất cả đều bị bắt giam để chờ ra Tòa. Giới truyền thông Trung Quốc dạo gần đây đua nhau tường thuật các vụ án tham nhũng cấp cao, có các viên chức cấp bộ và tỉnh bị kết án. Thông thường trong các vụ án loại này, các can phạm đều bị kết án chung thân hoặc tử hình. Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên, chuyên gia phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng hiện tượng ngày càng có nhiều vụ tham nhũng lớn bị phanh phui đó, một phần là do tranh giành quyền lực giữa các phe phái, chuẩn bị phối trí nhân sự trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 16 tổ chức vào năm tới.Ông nói trong tiến trình cải tổ và phối trí nhân sự, thì việc tranh giành quyền lực phanh phui nhiều vụ tham ô nhất.Trong cuộc họp báo hồi tháng Chín vừa qua, Viện trưởng Giám sát Triệu Đông Thứ tiết lộ rằng trong tám tháng đầu năm đã có 4 giới chức cao cấp bị điều tra.Trong vòng một tháng sau cuộc báo, Tân Hoa Xã cho biết thêm là có 4 viên chức cấp bộ đã bị kết án tham nhũng.Cựu tỉnh trưởng Liêu Ninh và cựu thị trưởng Thẩm Quyến cùng cựu thứ trưởng Công an Lý Quý Châu đều lãnh án tử hình với hai năm tạm hoãn thi hành. Còn cựu phó thị trưởng Thẩm Quyến Mã Xương Đông cùng phó giám đốc sở Tài chánh vừa bị xử bắn hôm thứ Tư vừa qua.Trong khi đó, cựu tỉnh trưởng Vân Nam Lý Khả Thành và cựu bí thư thành ủy Phúc Kiến Thạch Triệu Bình bị cách chức và bắt giam chờ ra tòa về tội tham nhũng.Theo tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên thì việc bắt giam một vài bộ trưởng và tỉnh trưởng không cho thấy công tác chống tham nhũng của Bắc Kinh thành công, mà nó có tác dụng ngược lại bởi phơi bày tình trạng sâu rộng của tham nhũng tại Trung Quốc, thiếu vắng các cơ chế hữu hiệu để bài trừ và ngăn ngừa tệ nạn này.Ông nói các chiến dịch chống tham nhũng đã được Bắc Kinh đề xướng từ nhiều năm, nhưng về cơ bản thì chúng đều thất bại. Tình trạng tham nhũng ngày càng tệ hại hơn, dù nhà nước tốn rất nhiều công sức.Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên còn nêu thêm rằng quyền lực gần như vô giới hạn của các viên chức, cộng với sự thịnh vượng xã hội không ngừng gia tăng, là những căn do khiến tệ nạn tham nhũng lan rộng.Vụ đang điều tra về gian lận thuế trong khu vực Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông, chỉ mới phơi bày hồi đầu năm và được xem là vụ án lớn nhất Trung Quốc, đến nay đã có 19 án tử hình về gian lận thuế trị giá gia tăng, dù rằng cuộc điều tra chưa kết thúc.