Đằng Phong, phóng viên RFA
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine mói đây đã có buổi tiếp xúc và nói chuyện tại trường đại học UC Irvine, bang California, để trình bày nhận xét của ông và của Hoa Kỳ về những vấn đề của Việt Nam hiện nay.

Trong phần trước, chúng tôi có gởi đến quý thính giả nội dung của lời phát biểu của ông Marine. Kỳ này Đằng Phong chia sẻ với quý thính giả những câu hỏi của cử toạ đặt với ông Marine, cũng như những lời đáp từ của ông.
Ông Michael Marine đã đến trường đại học UC Irvine tại Hoa Kỳ để nói chuyện thứ năm vừa qua trong mục đích trình bày một số quan điểm của Hoa Kỳ về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, dịp này cũng là một cơ hội để các sinh viên và những ai quan tâm trao đổi với ông, chất vấn ông, và đặt vấn đề với ông.
Đàng CS tìm cách duy trì quyền lực
Một trong những câu hỏi đầu tiên ông Marine nhận là một câu hỏi về kinh tế. Có một anh sinh viên thắc mắc là ông Marine có quan tâm về sự phát triển kinh tế quá nhanh của Việt Nam hay không? Vì nếu tiếp tục phát triển theo đà hiện nay thì anh này lo ngại là Việt Nam sẽ không phát triển điều đặn, và những ai giầu sẽ giầu hơn, trong khi những ai nghèo sẽ càng nghèo thêm.
Ông Marine cho biết:
“Tại Việt Nam thì tôi không thấy có ý cho ai, hay khu vực nào tiến quá xa hơn phần còn lại của cả nước. Họ thực sự muốn thấy toàn thể đất nước 83 triệu dân có cơ hội hưởng sự tăng trưởng kinh tế. Vấn đề mở cửa kinh tế ảnh hưởng lên Việt Nam như thế nào là một chuyện rất lôi cuốn và chúng ta không nên có ảo tưởng.
Đảng CSVN muốn nắm giữ quyền hành, và đó là lý do tại sao ta không nhìn thấy thay đổi chính trị cùng nhịp độ với thay đổi kinh tế. Nhưng mà phương cách căn bản để họ còn giữ quyền bính là cung cấp cơ hội kinh tế cho càng nhiều người càng tốt. Và nói cho ngay thì cách này dân chúng hoan nghênh.
Đảng CSVN muốn nắm giữ quyền hành, và đó là lý do tại sao ta không nhìn thấy thay đổi chính trị cùng nhịp độ với thay đổi kinh tế. Nhưng phương cách căn bản để họ còn giữ quyền bính là cung cấp cơ hội kinh tế cho mọi người.
Nói chung thì dân Việt Nam chú tâm vào việc cải thiện đời sống và khai thác các cơ hội này. Dĩ nhiên chúng ta biết giá trị của tự do chính tri. Và nếu mà Việt Nam muốn thực sự là một con hổ kinh tế ở Động Nam Á thì cần phải có những thay đổi đó xẩy ra.”
Thực trạng tôn giáo
Khi có người muốn biết ông Marine sẽ làm gì trước hiện tượng nhiều người Việt Nam trong nước đã viết thư ra hải ngoại cho biết họ đang bị đàn áp tôn giáo thì ông Marine trả lời:
“Tôi có nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam trong những cuộc gặp gỡ, nói chuyện. Tôi viết thư cho họ, gặp chủ tịch Ủy ban Tôn giáo Nhà nước và đều đặn nói chuyện với các viên chức khác nữa.
Điều đáng chú ý là chỉ trong vòng 6 tháng qua đã được họ trả lời. Dù là những câu trả lời theo phía họ, nhưng cũng thường là có hơn một phiá của câu chuyện. Tôi không chấp nhận những sự việc mà không có kiểm chứng.
Chắc chắn là có những cá nhân còn đang chịu đau khổ, không được hành đạo của họ. Và đó là điều sai trái và chúng ta phải tiếp tục làm việc về vấn đề này nhưng đại đa số dân Việt Nam có thể hành đạo tự do.”
Hoa Kỳ muốn gì ở Việt Nam?
Sau đó có một nữ sinh viên hỏi ông Marine về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và muốn biết rằng Hoa Kỳ đang đòi Việt Nam phải làm thêm những gì để được xem là một đối tác tốt. Ông Marine đáp:

“Điều chính yếu là mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển đến mức độ mà không thể để nó bị trì trệ bởi bất cứ một nhân tố nào. Giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có những lãnh vực đồng ý và cộng tác với nhau. Nhưng cũng có những lãnh vực không thẳng thắn với nhau nên cần tiếp tục giải quyết.
Tôi nghĩ rằng là sẽ sai lầm nếu chỉ lấy một vấn đề và tập trung vào đó để quy chụp cho tất cả các vấn đề khác.”
Tiếp theo, một sinh viên khác hỏi rằng vấn đề nhân quyền sẽ đóng vai trò gì trong việc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ông Marine cho biết:
“Đây là một nỗ lực tự do hoá giao thương. Vì thế nhân quyền không phải là một phần trực tiếp trong các điều đình. Tuy nhiên cũng còn một số việc đang được thảo luận, chẳng hạn như việc mở cửa của Việt Nam để nhận các ấn phẩm, âm nhạc... vân vân... từ Mỹ, có thể là bằng tiếng Việt.
Đó là một trong những vấn đề đang được thảo luận. Mà nó cũng là một mặt của vấn đề nhân quyền.”
Hướng về tương lai
Trước khi cuộc trao đổi chấm dứt, có người đã hỏi ông Marine tại sao ông cảm thấy cần lập lại lời kêu gọi của Hà Nội, là “quên đi quá khứ và hướng về tương lai.” Thêm nữa, nếu người Việt tại hải ngoại đáp ứng lời kêu gọi đó, thì ông có nghĩ rằng họ sẽ vô hình trung về làm việc dựng nước thay thế cho một chính phủ mà hiện nay không có khả năng làm việc đó?
Ông Marine đã không trả lời thẳng vào vấn đề. Ông nói:
“Tôi không nhắc lại lời của ai. Tôi nói những điều tôi nghĩ. Tôi nghĩ rằng sự tiếp cận cũng có giá trị của nó. Tôi nghĩ rằng có giá trị trong những tác động qua lại. Tôi nghĩ chúng ta có thể chia xẻ nếp sống của chúng ta với nhân dân Việt Nam và từ đó giúp họ thấy những cơ hội khác.
Tất cả những điều này cần phải có thời gian. Nhưng mặt khác, nều cô lập họ ra và để cho họ tự xoay trở thì không có lợi ích gì cho toàn bộ dân chúng Việt nam và sẽ không có sự thay đổi nào ở cấp lãnh đạo cả.
Tôi nghĩ như thế sẽ làm cho nhà cầm quyền siết cứng thêm sự kiểm soát của họ lên xã hội Việt Nam.”
Bạn nghĩ gì về những nhận định của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Marine? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Nghe ông Marine đáp những câu hỏi của cử toạ thì thấy rằng ông đã trả lời đúng như một nhà ngoại giao. Sự ngoại giao này có lẽ không đem lại nhiều kết quả như mong ước.
Và có thể là vì thế mà ông đại sứ đã lại phải bỏ công thêm lần này đến nói chuyện với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, sau những chuyến đi cách đây không lâu đến San Francisco và Houston.
Theo nhận xét của một vị đứng tuổi đến nghe ông Marine nói thì: "Giọng điệu của ông là giọng điệu của ông đại sứ chính trị. Đúng ra ở đây ông phải nói thành thật hơn. Hơn là cái giọng điệu của người đại sứ."
Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Nam Cali.