Chiến tranh Việt-Pháp, bước ngoặc quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại


2005.12.19

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, cộng tác viên đài RFA

Giới thiệu: Cuộc chiến tranh Việt Pháp là một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Nhân ngày 19 tháng 12 sắp đến, ngày khởi đầu của cuộc chiến, đải A châu tự do đã nhờ tiến sỹ Lê mạnh Hùng thuật lại những nguyên ủy và diễn biến của tình hình dẫn đến cuộc chiến này. Chương trình này bao gồm ba phần, phần thứ nhất nói về nguyên ủy cuộc chiến; phần thứ hai các nguyên nhân trực tiếp và thứ ba là diễn biến của trận đánh này.

Phần 1: Bối cảnh lịch sử

Mặc dầu bị Nhật lật đổ và hất ra khỏi Đông Dương sau cuộc đảo chánh ngày 9 tháng 3, 1945, Pháp vẫn tìm cách quay trở lại thuộc địa cũ này. Sau khi Nhật đầu hàng vào ngày 15 tháng 8, 1945 hội nghị Yalta đã chia Đông Dương làm hai theo vỹ tuyến 16 với miền Bắc giao cho quân đội Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch và miền nam cho quân đội Anh làm nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật. Đi theo chân quân đội Anh, quân Pháp đã quay trở lại miền nam vào ngày 25 tháng 9, 1945.

Tuy nhiên trước đó ngày 19 tháng 8, Cộng sản Việt Nam dưới chiêu bài mặt trận Việt Minh đã nổi lên cướp chính quyền tại Hà Nội và sau đó tại tất cả các tỉnh thành khác trên toàn quốc. Vua Bảo Đại thoái vị tại Huế ngày 25 tháng 8 và chính quyền Hồ chí Minh được thành lập vào ngày 2 tháng 9 sau đó, nhưng ngay từ lúc đầu đã gặp sự chống đối của các đảng phái quốc gia. Sự chống đối này đã tăng mạnh hơn nữa khi quân đội Trung Quốc bắt đầu tiến vào Việt Nam để giải giới quân đội Nhật. Trước áp lực của quân đội Trung Quốc và các đảng phái quốc gia, Hồ chí Minh phải cải tổ chính phủ và thành lập một chính phủ Liên Hiệp.

Trong khi đó, theo chân quân đội Anh, các lực lượng Pháp đã đổ bộ vào miền nam và lan ra đánh chiếm hầu hết các thành thị từ vỹ tuyến 16 trở xuống. Nhưng muốn quay trở lại miền bắc vỹ tuyến 16 lại là một vấn đề khác. Tuy rằng đô đốc d’Argenlieu cao ủyPháp tại Đông Dương không muốn thương thuyết với chính quyền Hồ chí Minh tại Hà Nội cho rằng việc thương thuyết này và những nhượng bộ phải có sẽ làm cản trở ý định phục hồi dế quốc Pháp tại Đông Dương, Leclerc, tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương thì biết rằng Việt Minh được sự ủng hộ nồng nhiệt của nhân dân và nếu Pháp muốn trực tiếp đánh ra thì sẽ phải mất hàng năm trời mới có thể tới được Hà Nội trong khi số phận của một cộng đồng đông đảo những người Pháp tại miền Bắc sẽ găp nguy hiểm.

Ngoài ra, tuy rằng cả d’Argenlieu lẫn Leclerc đều đồng ý rằng muốn ra được miền Bắc, Pháp cần phải thương thuyết với quân đội Trung quốc để họ rút ra khỏi Đông Dương. Về phía Trung Quốc thì chính phủ Tưởng Giới Thạch cũng muốn chuyển quân lên phía bắc để tập trung cho cuộc chiến đang diễn ra gay gắt với Cộng Sản Trung Quốc tại Hoa Bắc thành ra sẵn sàng đồng ý cho Pháp trở lại miền Bắc Đông Dương với điều kiện là Pháp nhượng bộ và từ bỏ những đặc quyền của mình tại Trung Quốc.

Về phần chính quyền Hồ chí Minh, biết rõ rằng họ đang ở trong một thế cô lập cũng muốn có được một thỏa thuận nào với Pháp như là một đối trọng với sức ép mà họ phải chịu từ phiá các lực lượng Trung quốc. Thỏa hiệp được với Pháp cũng giúp họ cơ hội để thanh toán những những tổ chức quốc gia vốn được coi là chống Pháp còn cuồng tín hơn là Việt Minh nữa. Sự trùng hợp quyền lợi giữa các bên đã dẫn đến một lúc hai thỏa hiệp cho Pháp quay trỡ lại miền Bắc Việt Nam.

Ngày 28 tháng 2, Pháp và Trung Quốc ký thỏa hiệp tại Trùng Khánh theo đó, Pháp trả lại cho chính phủ Trung Quốc các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khầu và Quảng Châu, phần nằm trong lãnh thổ Trung quốc của đường xe lủa Hải Phòng Vân Nam được chuyển nhượng cho Trung Quốc và hàng hóa Trung quốc dược quá cảnh miễn thuế qua cảng Hải Phòng.

Đổi lại Trung Quốc đồng ý để Pháp thay thế trong việc giải giới quân Nhật và giữ gìn trật tự tại Đông Dương. Sang ngày 6 tháng 3 mộ tthỏ ahiệp khác được ký kết giữa chính quyền Việt Minh và Pháp trong đó Pháp công nhận Việt nam là một nước tự trị trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp có chính phủ, quốc hội và quân đôị riêng trong khi chính quyền Việt Minh đồng ý để quân đội Pháp đổ bộ một cách hòa bình vào miền Bắc để thay thế quân đội Trung Quốc theo như những điều khoản của thỏa hiệp Trùng Khánh.

Những tháng sau của năm 1946, trong lúc hai bên Pháp và Việt Minh tiếp tục thương lượng vê một quy chế chính trị cho Việt Nam đầu tiên tại Đà Lạt và sau đó tại Fontainebleau thì cả hai bên đều tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến. Tháng năm và tháng 6, 1946, với sự đồng ý và ủng hộ ngầm của Pháp, quân đội Việt Minh tấn công vào các khu vực do các đảng phái quốc gia kiểm soát đặc biệt là những tỉnh nằm dọc theo hai bên bờ sông Hồng. Tiến trình này hoàn tất vào tháng 11 khi Việt Minh chiếm được thị trấn biên giới Lào Cay và những toán quân cuối cùng của Việt Nam Quốc Dân đảng và Đại Việt rút qua biên giới Trung quốc.

Song song với việc tiêu diệt các lực lượng quốc gia, Việt Minh tiếp tục củng cố thêm các lực lượng của mình. Phương pháp được sử dụng đi theo một chiều hướng chiến tranh du kích lâu dài chống lại một kẻ địch có vũ trang mạnh hơn mình. Trung tâm kháng chiến được đặt tại bốn tỉnh miền thượng du Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang, một khu vực được biết dưới tên là Việt Bắc. Mặt khác, một số tướng lãnh của quân đội Pháp, trong đó có tướng Valluy, tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương muốn có một giải pháp quân sự để đưa Đông Dương trở lại đé quốc Pháp. Sân khấu đã sẵn sàng cho một màn kịch mới.

Phần 2: Sự kiện Hải Phòng

Đến tháng 6, 1946 các lực lượng Việt Minh tại miền Bắc có khoảng trên 30 ngàn người nhưng phần lớn các vũ khí trang bị là vũ khí lỗi thời mà Nhật tịch thu được của quân đội Pháp. Một số nhỏ vũ khí như súng cối, đại tiểu liên, mua lại từ quân đôị Trung Quốc hoặc là lấy của Nhật là tương đối hiện đại. Nhu cầu trang bị thêm nữa cho quân đội vì thế trở thành một nhu cầu cấp bách.

Nhưng tuy rằng các tay buôn bán vũ khí sẵn sàng cung cấp những vũ khí này cho quân đội Việt Minh, họ đòi phải trả bằng tiền mặt, một điều mà chính phủ Hồ chí Minh không có khi mà những nguồn thuế chính vẫn còn do người Pháp nắm. Mặc dầu đã lập lại hầu hết tất cả các loại thuế mà chính quyền thuộc địa áp đặt lên dân Việt, kể cả thuế thân, nhưng những khoãn thu được không đủ để chi trả cho hoạt động bình thường của quốc gia chưa nói đến việc trang bị cho quân đội.

Trong tình trạng hỗn loạn kinh tế của Việt Nam thời đó, quan thuế đánh trên các hàng hóa nhập cảng là phương tiện tốt nhất để tăng thêm thu nhập của chính phủ. Nhưng việc thành lập một trạm quan thuế tại cảng Hải Phòng đã đụng với cả quân đội Pháp đóng tại Hải Phòng và những thương gia người Hoa tại đây vốn lợi dụng thỏa hiệp Trùng Khánh và không chịu đóng thuế cho các quan chức Việt Minh. Tình hình dần dà trở nên gay gắt. Và ngày 29 tháng 8, 1946, Pháp cho quân đôị đến trục xuất các viên chức Việt Minh ra khỏi trạm quan thuế.

Cũng vào thời gian này, các cuộc thương thuyết về một quy chế chính trị cho Việt Nam tại Fontainebleau bị tan rã. Quan hệ giữa phía Pháp và chính quyền Hà Nội ngày một trở nên xấu đi. Cố gắng của chính quyền Việt Minh nhằm thoát ra khỏi sự kiềm tỏa về tài chánh của Pháp bằng cách cho lưu hành một đồng tiền mới thay cho tiền của Ngân hàng Đông Dương lại càng làm cho Pháp nghi ngờ thêm. Chính quyền Việt Minh cũng từ chối không chấp nhận đề nghị của Pháp thành lập những đơn vị quân đội hỗn hợp dưới sự chỉ huy của Pháp.

Nhằm khẳng định uy thế của Pháp, tư lệnh quân đội Pháp tại Bắc Kỳ hôm 10 tháng 9 đưa ra một thông báo là bắt đầu từ ngày 15 tháng 10 Pháp sẽ nắm lấy quyền kiểm soát việc xuất nhập khẫu qua cảng Hải Phòng. việc kiểm soát này bắt đầu gây ra những đụng độ giữa lính Pháp với các tự vệ Việt Minh khi Pháp tìm cách bắt giữ những thuyền bè buôn hàng vào cho Việt Minh. Mọi chuyện bắt đầu nổ lớn khi vào ngày 20 tháng 11 tự vệ Việt Minh bắt giữ một toán nhân viên Pháp xét chặn một chiếc thuyền buôn hàng cho Việt Minh. Việc quân Pháp tìm cách giải cứu những tên bị bắt này dẫn đến việc lập ra những hàng rào phòng thủ ngay giữa trung tâm thành phố Hải Phòng. Pháp phản ứng bằng cách đánh đuổi tự vệ ra khỏi những vị trí phòng thủ của họ ở khu phố Tây.

Ngày hôm sau đại diện của ủy ban liên lạc hai bên từ Hà Nội xuống với nhật lệnh là giải quyết vụ đụng độ này trên cơ sở ngừng bắn và mỗi bên trở lại vị trí ban đầu của mình. Nhưng viên sỹ quan chỉ huy quân đội Pháp từ chối không chịu ra lệnh cho quân mình rút nói rằng họ vẫn còn bị tấn công. Cuối cùng sau khi bàn cãi thêm, một cuộc đình chiến được ký kết với quân đội Pháp tiếp tục chiếm đóng những vị trí mới.

Mặc dầu đã có thỏa thuận như vậy, nhưng tướng Pháp Valluy được bổ nhiệm tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp vào ngày 18 tháng 7 đã gây hấn thêm với đòi hỏi rằng tất cả các lực lượng Việt Minh, chính quy và không chính quy phải rút toàn bộ ra khỏi Hải Phòng, đồng thời gởi một thông điệp đến đại tá Debes tư lệnh quân đội Pháp ở Hải Phòng thúc đẩy ông này hãy lợi dụng sự kiện trên để cải thiện vị trí của các lực lượng Pháp. Valluy cũng cho Debes biết rằng mọi phương tiện trong tay quân đội Pháp sẽ được sử dụng để làm sao lấy trọn quyền kiểm soát Hải Phòng và dậy cho Việt Minh một bài học.

Dựa trên chỉ thị của Valluy, Debes gởi tối hậu thư đến chính quyền Việt Minh địa phương đòi hỏi các lực lượng Việt Minh phải triệt thoái khỏi khu phố khách và khu ngoại ô phía đông trong vòng hai tiếng đồng hồ. Khi thời hạn này chấm dứt, quân Pháp bắt đầu tấn công vào khu phố Khách, đồng thời các chiến hạm của Pháp ở ngoài khơi nổ súng bắn vào khu người Việt gây thiệt hại nặng cho các thường dân tìm cách tản cư ra khỏi thành phố. Các trận đụng độ kéo dài thêm trong vài ngày nữa, nhưng đến ngày 28 tháng 11 toàn bộ thành phố Hải Phòng và phi trường Cát Bi nằm trong tay quân Pháp.

Chính quyền Hà Nội không ngờ rằng Pháp lại có hành động tàn bạo như vậy, và vì họ còn chưa chuẩn bị kịp cho một cuộc chiến tranh lâu dài với Pháp nên tìm cách mua thêm thời gian bằng cách thương thuyết giải quyết tình hình làm sao để không bị mất mặt cho lắm. Nhưng họ đã thất vọng khi ngày 27 tháng 11 tướng Morlière, tư lệnh quân đội Pháp ở miền Bắc đã đưa ra các điều kiện buộc quân đội Việt Minh không những phải triệt thoái hoàn toàn ra khỏi Hải Phòng mà còn phải để cho Pháp chiếm thêm một vùng quan trọng chung quanh thành phố này cũng như trao cho Pháp quyền kiểm soát các đường lộ nối liền các nơi đồn trú của quân Pháp.

Sau khi nhận được điều kiện này, chính quyên Việt Minh lập tức ra lệnh cho dân chúng bắt đầu tản cư ra khỏi các thành thị và chuyển dần các thiết bị và hồ sơ văn phòng lên Việt Bắc. Quân chính quy Việt Minh cũng được lệnh rút ra khỏi Hà Nội trao việc bảo vê thành phố cho các đơn vị tự vệ.

Phần 3 - Diễn biến cuộc chiến

Tình hình tiếp tục bị suy thoái. Tại miền Trung, Pháp cho một đại đội lính Lê Dương đánh chiếm phi trường Đà Nẵng, một căn cứ không quân quan trọng nối hai miền nam bắc. Hành động này vi phạm thỏa thuận giữa hai bên và gây ra một giác thư phản đối của Hà Nội.

Đúng vào lúc này, Jean Sainteny vốn là đại diện của chính phủ Pháp bên cạnh chính phủ Hà Nội đang ở Pháp nghỉ dưỡng bệnh được yêu cầu trở lại Hà Nội gấp để giải quyết tình hình. Sainteny đến Hà Nội ngày 2 tháng 12 nhưng không làm gì được để làm dịu tình hình. Trong khi đó các cuộc đụng độ giữa quân đội Pháp và tự vệ Việt Nam tiếp tục xảy ra. Ngày 18 tướng Pháp Morlière gởi một văn thư đòi hỏi chính quyền Hà Nội phải tước khí giới tự vệ và giao việc giữ an ninh Hà Nội cho quân cảnh Pháp. Coi đó nhu là một tối hậu thư, chính quyền Việt Minh quyết định tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ vào các lực lượng Pháp.

Một sỹ quan Pháp, thiếu tá Fonde kể lại khi ông gặp tướng Võ Nguyên Giáp tư lệnh quân đội Việt Minh vào ngày 18 tháng 12 như sau. “Giáp nói, ‘chúng tôi sẽ không nhượng bộ nữa, dù tàn phá, dù có chết một triệu người đi chăng nữa cũng không quan trọng. Sau Nam bộ, vùng Cao nguyên, xứ Thái, Hòn Gay, Tiên Yên, Hải Phòng, Lạng Sơn...hết rồi. Chúng tôi không nhượng bộ nữa.’ Sau đó Giáp đứng dậy và đưa tay. Buổi hội kiến chấm dứt”

Câu nói của Võ Nguyên Giáp với Fonde có thể là một lời nói trong lúc bực tức không kịp kiềm chế. Để đạt được tính bất ngờ cho cuộc tấn công của mình, chính quyền Việt Minh giả vờ như là họ chịu các điều kiện của Pháp vì đến ngày 19, Hồ chí Minh gởi cho Sainteny một lá thư đầy hữu nghị trong đó Hồ tỏ vẻ quan ngại về tình trạng căng thẳng giữa hai bên và yêu cầu Sainteny tiếp Hoàng Minh Giám thứ trưởng ngoại giao của chính phủ Việt Minh để tìm cách lập lại niềm tin. Đồng thời Võ Nguyên Giáp cũng viết một bức thư cho tướng Morlières tư lệnh quân đội Pháp tại Bắc Việt yêu cầu Morlière hãy hủy bỏ lệnh cấm trại các lính Pháp để “làm nhẹ các căng thẳng” giữa hai bên.

Nhưng mưu đánh bất ngờ quân Pháp này bị vỡ lở khi vào lúc sáu giờ chiều ngày 19, một tên điểm chỉ viên người Pháp lai được gài vào trong tự vệ của Việt Minh báo cho Morlière biết rằng Việt Minh dự định sẽ tung ra một cuộc tổng tấn công vào các vị trí của Pháp trong đêm đó. Nhận được tin này, lính Pháp, vốn được bỏ lệnh cấm trại theo yêu cầu của Giáp đã gọi trở về trại và quân Pháp vội vã chuẩn bị đề phòng một cú đánh bất ngờ.

Vào lúc tám giờ ba mươi tối, một trái bom nổ tại nhà máy điện Hà Nội đưa cả thành phố vào trong màn đêm và cũng là hiệu lệnh cho các toán quân Việt Minh tấn công vào các vị trí của quân Pháp cũng như các khu dân Pháp ở. Nhờ có chuẩn bị trưóc cho nên thiệt hại cho lính Pháp và thường dân Pháp tương đối nhẹ. Nhưng chính Sainteny thì lại bị thương khi chiếc xe thiết giáp chở y trên đường đi đến trại lính pháp bị trúng mìn.

Trong suốt đêm đó, tình hình căng thẳng, quân Pháp cố thủ trong các đồn lũy của mình nhưng đến sáng thì quân Pháp bắt đầu chuyển sang phản công. Xe tăng Pháp tấn công và đánh chiếm Bắc bộ phủ nhưng Hồ và chính phủ Việt Minh đã di tản khỏi dinh cơ này từ trước. Cũng trong ngày hôm đó, quân đội Việt Minh cũng tổ chức đồng loạt các cuộc tấn công vào các vị trí của Pháp trên toàn quốc. Tuy nhiên ngoại trừ ở Nghệ An và Quy Nhơn là cuộc tấn công này thành công còn tại tất cả các nơi khác quân Pháp đều cố thủ cầm cự được cho đến khi được giải vây. Mặc dầu vậy, riêng tại Hà Nội các trận đánh còn kéo dài trên 5 tuần lễ cho đến đầu tháng 2, 1947, quân Pháp mới hoàn toàn làm chủ được tình thế tại thành phố.

Cuộc tấn công Hà Nội ngày 19 tháng 12 mở đầu cho cuộc chiến Việt Pháp kéo dài 8 năm. Cuộc tấn công này đã được một phần lớn những người Pháp đón mừng một cách hân hoan coi như là một bằng chứng về sự lọc lừa phản bội của Việt Minh và điều này đã cho họ một cớ để tiến hành cuộc chinh phục bằng quân sự. Và chỉ có ít người nghĩ đến những hàm ý của chuyện này về lâu về dài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.