Khi kim đồng hồ chạy qua con số 12 vào nửa đêm thứ Sáu này, là lúc chế độ hạn ngạch dệt may thế giới cáo chung. Sự hoảng hốt đã xuất hiện trên thế giới về "cơn hồng thủy" do dệt may Trung Quốc sắp gây ra. Thế nhưng tình trạng đó cũng mang lợi ích, mà ít thấy ai nhắc đến.
Khi không còn bị bó buộc bởi hạn ngạch nữa, các công ty nhập khẩu sẽ được tự do lựa chọn những nguồn cung cấp nào rẻ nhất, hoặc họ ưng ý nhất. Theo một bản phúc trình của Ủy ban Mậu dịch Quốc tế của Hoa Kỳ thì chế độ hạn ngạch đã đặt thêm một gánh nặng khoảng 20% vào giá thành của hàng may mặc, tức khoảng 14 tỷ đôla mỗi năm mà người tiêu thụ Mỹ phải chi trả.
Như vậy, hết hạn ngạch thì người được lợi đầu tiên là giới tiêu thụ ở những thị trường lớn là Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu.
Thế nhưng không phải chỉ riêng người tiêu thụ ở những nước giàu mới được hưởng lợi. Mà sau khi chế độ hạn ngạch được hủy bỏ, các nước đang phát triển cũng sẽ tăng lợi nhuận, chứ không hẳn là bị thiệt. Hội nghị về Mậu dịch và Phát triển mới đây của Liên Hiệp Quốc đã tính rằng vào năm tới, kim ngạch xuất khẩu của các nước đang phát triển sẽ gia tăng lên thành 40 tỷ đôla, trong đó lời thuần là 24 tỷ.
Việc khiến nhiều người lo lắng là khi hạn ngạch cáo chung thì hàng dệt may Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tràn ngập thị trường thế giới, do họ có khối lượng nhân công dồi dào và nhiều kỹ năng, hệ thống sản xuất khép kín từ khâu thiết kế đến khâu vận chuyển.
Nhằm trấn an bớt phần nào nỗi lo lắng đó, Trung Quốc vừa quyết định tự áp đặt thuế lên 148 mặt hàng may mặc của họ, trung bình là 1,3 % trong ba năm tới. Tuy nhiên hành động đó của Bắc Kinh có vẻ như không đạt được mục tiêu là ngăn ngừa phản ứng bảo hộ của những nước khác, dù cũng là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Hoa Kỳ đang tiếp tục nghiên cứu các đơn khiếu nại của kỹ nghệ dệt may trong nước, xin đặt "hạn ngạch an toàn" về một số mặt hàng do Trung Quốc sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần qua cũng loan báo áp đặt quota trên một số mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nỗi sợ hãi về "cơn hồng thủy" do dệt may Trung Quốc và Ấn Độ gây ra được nhiều nhà quan sát cho là đã bị phóng đại quá trớn. Lý do chính là các nhà nhập khẩu không đời nào chỉ đặt hàng của một nước để rồi phải chịu lệ thuộc vào nguồn cung cấp của nước đó.
“Thẳng thắn mà nói thì nếu để cạnh tranh ngang ngửa thì doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc."
Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã từng giải thích với chúng tôi: "Thẳng thắn mà nói thì nếu để cạnh tranh ngang ngửa thì doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng không một nhà nhập khẩu nào sẽ bỏ trứng vào một giỏ cả. Người ta sẽ đặt ở Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng sẽ đặt ở một vài nước nữa, trong số đó có Việt Nam."
Bài nhận xét của công ty tài chánh Dow Jones liên quan đến việc này đăng trên tờ The Wall Street Journal còn viết rằng những quốc gia được lợi kỳ này là những nước nhận biết những thế mạnh của mình để cải tiến, hoặc có khi cần phải xác định lại, nhằm thích hợp với môi trường thực tế mới của thế giới.
Tiến trình đó có thể sẽ làm thay đổi khung cảnh kinh doanh của những quốc gia từng núp dưới sự bảo vệ của hệ thống hạn ngạch nên không phải lo đối phó với tình trạng cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu.
Trong số đó có Việt Nam, đặc biệt là do mới làm quen với chế độ kinh tế thị trường, mà lại chưa dứt khoát được với cung cách suy nghĩ, làm ăn theo thời bao cấp cũ.
Cạnh tranh trên trường quốc tế đòi hỏi phải đầu tư sâu đậm vào hạ tầng cơ sở, tiết giảm chi phí sản xuất, trong đó có việc quan trọng nhất là tận diệt tham nhũng và nạn hành chánh thư lại.
Đây là sự việc rất lâu dài. Ngoài những chyện khác của các bộ ngành khác có thể là mới xảy ra trong thời gian trước mắt, nhưng ở bộ Thương mại xảy ra khá dài, đến bây giờ mới phát hiện.
Vụ tham ô về hạn ngạch ở bộ Thương mại hồi trong năm đã từng chứng tỏ là hệ thống tham quan này trong cả 10 năm làm giá thành của hàng dệt may Việt Nam lên cao quá mức, mất đi tính cạnh tranh so với hàng các nước khác.
Ông Diệp Thành Kiệt, chủ tịch Hội May-Thêu-Đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Đây là sự việc rất lâu dài. Ngoài những chyện khác của các bộ ngành khác có thể là mới xảy ra trong thời gian trước mắt, nhưng ở bộ Thương mại xảy ra khá dài, đến bây giờ mới phát hiện. Đây là chuyện hơi đáng tiếc, nếu phát hiện sớm hơn thì tôi nghĩ là việc phân bổ quota cho Hoa Kỳ sẽ không có vấn đề gì..."
Như vậy thì tất cả những việc đầu tư sâu đậm vào hạ tầng cơ sở, tiết giảm chi phí sản xuất, quan trọng nhất là tận diệt tham nhũng và nạn hành chánh thư lại, có lợi cho những nước đang phát triển hay không ?