Sóng thần tạo cơ hội cho hòa giải chính trị tại châu Á

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Tai họa thường mang con người lại gần nhau, dù đã từng đối đầu hay lạnh nhạt với nhau, khi phải chia sẻ chung cảnh ngộ khó khăn. Trận động đất gây nên những cơn sóng thần giết chết hàng chục ngàn người, tàn phá hàng ngàn ngôi làng, thị trấn, hôm Chủ nhật vừa qua liệu có sức hòa giải được những xung đột tại các quốc gia bị tàn phá đó không?

Trong những phần đất bị sóng thần tàn phá hôm Chủ nhật vừa qua, có hai cuộc nội chiến dai dẳng. Một cuộc có vẻ sẽ hòa dịu do cùng chịu cảnh ngộ khó khăn, còn một cuộc chiến kia lại có vẻ như sẽ gay cấn hơn.

Ngay sau khi trận động đất bắt đầu sự tàn phá của nó, hai phe giao tranh trong vùng Aceh của Indonesia đã nhanh chóng đồng thuận tạm bỏ các sự tranh chấp để lo việc cứu trợ. Nhưng tại Sri Lanka thì cả chính phủ lẫn phe phiến quân lại tố cáo lẫn nhau là không thật tâm cứu giúp những người mắc nạn.

Indonesia và Sri Lanka là hai trong số 11 quốc gia từ Á châu sang Phi châu bị sóng thần tàn phá nặng nhất. Số người chết tại Indonesia đã lên trên 30 ngàn, và tại Sri Lanka đã có hơn 21 ngàn người chết. Đại sứ Sri Lanka tại Hoa Kỳ, ông Devinda Subasinghe mô tả đây là một biến cố hoàn toàn bất ngờ, ngoài mọi sự dự đoán.

Đơn phương ngừng bắn

Nơi gần tâm địa chấn nhất là tỉnh Aceh ở cực Bắc đảo Sumatra thuộc Indonesia, vốn là nơi diễn ra cuộc tranh đấu đòi ly khai từ năm 1976. Cho tới nay đã có 13 ngàn người Indonesia chết trong các vụ xung đột tại đây, mà chỉ riêng năm ngoái đã có trên 2 ngàn người.

Thế nhưng ngay sau khi thiên tai đổ xuống, Phong trào Aceh Tự do đã đơn phương ra lệnh ngưng bắn để công cuộc cứu trợ được tiến hành trong an toàn.

Phía chính quyền cũng đáp ứng. Trung tá Ali Tarunajaya, tư lệnh cảnh sát tỉnh Aceh, cho biết là các đơn vị của ông cũng đình chỉ mọi hoạt động. Không còn lùng bắt phiến quân ly khai khi họ lo đi tìm thân nhân, cũng giống như nhiều cảnh sát viên cũng lo tìm người thân trong gia đình của họ. Tất cả ai cũng khóc giống như nhau.

Chỉ trích lẫn nhau

Thế nhưng trên đảo quốc Sri Lanka, tình hình không giống như vậy. Họ cũng đều khóc, nhưng không quên chỉ trích, lên án lẫn nhau.

Chính phủ và phe phiến quân sắc tộc Tamil giao tranh với nhau từ năm 1983 sau khi những người Sri Lanka gốc Tamil cho là bị phân biệt đối xử và đòi ly khai, thành lập một quốc gia riêng của họ nằm ở mạn Bắc đảo quốc này. Cho tới nay, phe Hổ Tamil Eelam đã hầu như tự trị và kiểm soát một phần lớn lãnh thổ vùng Đông Bắc, với đầy đủ chính quyền, cảnh sát và tòa án.

Một nhà phân tích chính trị của Hội đồng Hòa giải Quốc gia, ông Jehan Perera, nói rằng trong những biến cố đau thương như thế này thì lý tưởng nhất là các phe liên hệ tìm một sự đồng thuận chung để trợ giúp cho tất cả mọi công dân.

Thế nhưng, một thành viên Quốc hội gốc Tamil, ông Joseph Pararajasingham, tố cáo chính phủ Colombo đã không ngó ngàng gì đến các nhu cầu của người Tamil bị nạn sóng thần.

Trong khi đó thì phát ngôn nhân quân sự Sri Lanka, thiếu tướng Daya Ratnayake, cho biết chính phủ đang cố sức cứu trợ tại những vùng mà họ có thể đi tới, còn trong vòng kiểm soát của chính phủ mà thôi. Ông tố cáo ngược lại rằng phe Hổ Tamil Eelam lúc nào cũng tìm cách tuyên truyền, dù là đang chịu thiên tai tàn phá.

Hôm thứ Ba, phe ly khai Tamil đã tiến hành công tác cứu trợ tại những vùng họ kiểm soát và đưa ra yêu cầu riêng biệt xin trợ giúp đối với quốc tế và Liên Hiệp Quốc.

Cần phải khéo léo

Tình hình ít căng thẳng hơn tại Indonesia. Lý do chính là phe ly khai Aceh Tự do không kiểm soát được lãnh thổ, mà chính quyền của họ đặt ra hầu như không có thế lực gì. Các nhà phân tích cho rằng nếu quân đội Indonesia khéo léo thì có thể tranh thủ sự ủng hộ của trên 4 triệu người dân Aceh.

Tại Thái Lan thì thiên tai kỳ này không giúp gì cho việc bình định miền Nam Hồi giáo còn sôi động. Lý do là sóng thần chỉ tàn phá phía Tân Nam của người Thái, còn mạn Đông Nam của người theo Hồi giáo thì hầu như không hề hấn gì. Đại sứ Thái Lan tại Hoa Kỳ, ông Kasit Piromya cho rằng thiên tai này đã giáng thêm một đòn nặng cho đất nước ông, sau khi Thái Lan đã bị dịch cúm gà, dịch viêm phổi cấp SARS.

Dù sao thì trong cảnh tang thương do thiên tai gây ra, nhiều nhà quan sát cho rằng nếu các nhà cầm quyền khôn khéo để tận tâm cứu trợ thì cũng chinh phục được tấm lòng của nhiều người dân từng bất mãn, uất ức.