Cộng đồng quốc tế tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Hai ngày Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2005 kết thúc vào chiều nay tại Hà Nội. Nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA mà cộng đồng các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam trong năm tới được công bố trong phiên bế mạc lên tới 3 tỷ 740 triệu đôla. Số này cao hơn khoản cam kết cho năm ngoái. Hội nghị năm nay được phía Việt Nam cho có ý nghĩa đặc biệt, vì nó mở đầu cho một thời kỳ năm năm mới, 2006- 2010.

moneyEconomic200.jpg
Nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA mà cộng đồng các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam trong năm tới lên tới 3 tỷ 740 triệu đôla. AFP PHOTO

Phó thủ tướng Vũ Khoan của Việt Nam phát biểu trong phiên khai mạc rằng chưa bao giờ một kế họach phát triển lại được đem ra thảo luận, thu thập ý kiến rộng rãi như lần này. Ông bày tỏ hy vọng là hội nghị sẽ mang về ngân khoản cam kết cao hơn mức kỷ lục BA TỶ TƯ năm ngoái. Và đúng như thế, lượng ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam lần này là .

Nguyên nhân để có được khoản cam kết tăng lên đó được Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Klaus Roland, cho rằng là nhờ vào những tiến bộ của nền kinh tế và thể chế luật pháp của Việt Nam trong năm qua.

Mục tiêu

Hồi năm 1995, Việt Nam tuyên bố nỗ lực vượt khỏi khủng hoảng kinh tế và xã hội. Lần này, Hà Nội đặt mục tiêu cho năm năm tới là phấn đấu sớm vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người nâng lên khoảng 1000 đô la Mỹ một năm. Do đó chủ đề của Hội nghị năm nay là ‘đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển’.

Phát triển trong thời gian năm năm tới được cho biết chủ yếu phải nhắm đến nâng cao chất lượng và hiệu quả một cách bền vững.

Phó thủ tướng Vũ Khoan của Việt Nam cũng nói để thực hiện các mục tiêu phát triển cho năm năm tới cần khoảng 140 tỷ đô la Mỹ. Nguồn này được huy động từ nhiều kênh khác nhau ngòai hai kênh truyền thống là ODA và khoản đầu tư trực tiếp nước ngòai FDI. Về nguồn ODA, mục tiêu thực hiện được đặt ra cho năm năm tới là 11 tỷ đô la Mỹ, gồm cả nguồn đã ký kết nhưng chưa thực hiện.

Theo ông Vũ Khoan thì ưu tiên của nguồn vốn ODA được dành cho ba lĩnh vực: thứ nhất hòan thành và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, thứ hai giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, y tế, giáo dục; thứ ba là hòan chỉnh chính sách, xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi gia nhập Tổ chức Thuơng mại thế giới WTO.

Gần đây Hà Nội thừa nhận mục tiêu gia nhập WTO trong năm nay chưa thể đạt được; nhưng vẫn hy vọng sớm được tham gia tổ chức này. Tuy vậy, ngòai những lợi điểm khi trở nên thành viên WTO, tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ ở Hà Nội vừa kết thúc chiều nay, phó thủ tướng Vũ Khoan của Việt Nam thừa nhận là gia nhập WTO có thể tạo ra những tác động bất lợi như thất nghiệp ở một số lĩnh vực.

Cơ hội và thách thức

Vấn đề cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới là một trong ba đề mục chính trong chương trình nghị sự được các đại biểu tham gia hội nghị tại Hà Nội bàn thảo. Hai vấn đề kia là định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện thành công kế họach năm năm 2006- 2010, thứ đến là sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.

Xin được nhắc lại đây là lần thứ 13 diễn ra Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. Hội nghị do Công ty Tài Chính Quốc tế IFC, một tổ chức thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ khu vực tư nhân, phối hợp cùng Bộ Kế họach- Đầu tư của Việt Nam tổ chức.

Thành phần tham dự, về phía Việt Nam có phó thủ tướng Vũ Khoan và Bộ truởng Bộ Kế họach- Đầu tư Võ Hồng Phúc, cùng đại diện của các bộ Tài chính, Ngân Hàng Nhà Nước. Phía nước ngòai gồm đại diện khoảng 50 nhà tài trợ song phuơng và đa phuơng cho Việt Nam.