Nhìn lại năm 2006, một năm đầy sự kiện đối với Việt Nam


2006.12.31

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Năm 2006, một năm đầy sự kiện đối với Việt Nam, sắp khép lại. Nhìn lại năm qua, người dân lưu ý, quan tâm nhất đến những điều gì?

ApecYoung200.jpg
Những bạn trẻ tình nguyện viên trong dịp APEC. AFP PHOTO

Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu qua cuộc trao đổi với một vài người dân thuộc các thành phần kinh tế-xã hội khác nhau, từ nông dân đến công nhân, từ người mua bán tiểu thương đến tầng lớp trí thức hiện đang sinh sống tại những địa phương khác nhau ở cả hai miền Nam-Bắc.

Giới trí thức trẻ ở Hà Nội

Năm 2006 có gì đáng chú ý? Một trí thức trẻ ở Hà Nội phát biểu cảm nghĩ của mình.

Trí thức trẻ ở Hà Nội: Năm nay, mình thấy Việt Nam có cởi mở hơn, các mối quan hệ với nước ngoài cũng phát triển mạnh. Một số tổng thống hay các nhân vật quan trọng trên thế giới cũng đã đến Việt Nam, đặc biệt là tổng thống George W.Bush.

Về các hiện tượng, sự kiện thu hút sự chú ý nhiều nhất là hội nghị APEC và gia nhập WTO, bước ngoặc mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam. Bộ mặt đất nước dần dần cũng thay đổi rất nhiều, ngày càng xuất hiện nhiều cao ốc và siêu thị mang tính chuyên nghiệp.

Trà Mi: Thế còn trong đời sống chính trị, kinh tế, cũng như từ chính bản thân người dân năm qua có thay đổi gì không?

Rất nhiều người bắt đầu có suy nghĩ về chủ nghĩa đa đảng và tin rằng những thay đổi của đất nước cũng sẽ kéo theo những đổi mới về chính trị. Nhiều người mạnh dạn lên tiếng đã kích những khuyết điểm của chế độ.

Trí thức trẻ ở Hà Nội: Rất nhiều người bắt đầu có suy nghĩ về chủ nghĩa đa đảng và tin rằng những thay đổi của đất nước cũng sẽ kéo theo những đổi mới về chính trị. Nhiều người mạnh dạn lên tiếng đã kích những khuyết điểm của chế độ.

Giới trẻ cũng tỏ ra rất bất bình trước những yếu kém của chế độ. Họ kỳ vọng những sự thay đổi về chính trị. Một số bạn bè của mình làm việc trong môi trường liên hệ với người nước ngoài nhiều, họ cũng hướng ngoại rất nhiều. Xu thế gần đây là du học hay học các chương trình liên kết với quốc tế.

Cho nên, không thể nào ngăn chặn được một tầm nhìn hướng ngoại rất mạnh mẽ từ các người trẻ. Họ sẽ sớm có đòi hỏi về chính trị và thay đổi cách nhìn đối với dân tộc trong thời đại mới.

Khối dân chủ 8406 là một hiện tượng tiêu biểu. Nếu như có nhiều tổ chức cùng tham gia, cùng dấy lên một phong trào thì sẽ tạo nên một cơn triều cường, khiến chúng ta sẽ phải thay đổi. Tuy phong trào dân chủ trong nước hiện chưa lớn mạnh, nhưng đó là một mặt biến đổi tích cực về mặt chính trị và nói lên nhu cầu cần có 1 bộ máy chính trị hoàn chỉnh để lãnh đạo đất nước.

Tiểu thương Nam Bộ

Vừa rồi là ghi nhận của một trí thức trẻ miền Bắc quan tâm đến thời cuộc và hiện tình đất nước. Còn những người thuộc tầng lớp lao động bình dân có cùng mối quan tâm với anh hay không? Chúng tôi hỏi thăm một tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Long An, bà cho biết:

Tiểu thương chợ Long An: Mối quan tâm nhất của người dân lao động trong năm qua là làm không đủ để lo cho con cái. Làm ăn càng ngày càng khó, không được thoải mái. Gạo và những thứ cần thiết trong cuộc sống đều hơi nhích giá.

Đó là chưa kể các thứ xa xí phẩm khác cũng lên giá mà mình không quan tâm tới như vàng lên giá kệ nó, mình đâu sắm làm gì. Có điều không hiểu sao lúc này máy móc điện tử lại rẻ. Ngày xưa khó khăn lắm mới sắm nổi cái TV để coi. Năm nay máy móc rẻ nên hầu như nhà nào cũng có máy móc để xài.

farmerRice200.jpg
Gạo lên nông dân trúng mùa nhưng vàng lên cũng vậy thôi. AFP PHOTO

Trà Mi: Về sinh hoạt xã hội có những điều gì khiến người dân quan tâm hay bức xúc?

Tiểu thương chợ Long An: Người lao động chỉ quan tâm về vấn đề tiền bạc, thu nhập thôi, mong cho dân giàu nước mạnh, buôn bán làm ăn khá, đó cũng là hạnh phúc rồi.

Ðời sống nông dân

Cùng một câu hỏi này, chúng tôi đặt ra với một nông dân chuyên trồng trọt, chăn nuôi ở Trà Vinh, bà chia sẻ:

Nông dân trồng trọt chăn nuôi ở Trà Vinh: Dân Việt Nam quan tâm về vấn đề kinh tế. Năm nay làm ăn khó khăn, bế tắc nhiều, không được bao nhiêu. Gạo với vàng lên giá chứ heo, bò, gà, trái cây đâu có lên giá đâu. Gạo lên nông dân trúng mùa nhưng vàng lên cũng vậy thôi.

Ai cũng than hết, được cái khu vực này có nhiều doanh nghiệp nước ngoài qua mở xửơng làm ăn nên dân địa phương cũng bám vào đó mà sống, đi làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp đầu tư nước ngoài. Họ hy vọng Mỹ đổ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Kể từ hôm ông tổng thống Mỹ qua đây, mọi người hy vọng Mỹ sẽ sang hợp tác làm ăn, tài trợ, giúp nền kinh tế Việt Nam cởi mở hơn, mới mẻ hơn để đời sống của con em được vươn lên.

Thế còn sự đón nhận của người dân trước sự kiện Việt Nam gia nhập WTO ra sao? Người nông dân này cho biết thêm:

Nông dân trồng trọt chăn nuôi ở Trà Vinh: Hân hoan mừng lắm, từ Nam tới Bắc luôn mà tới nay chưa thấy gì hết. Người dân chờ những biến chuyển mới. Để xem qua năm 2007 có thay đổi gì không.

Nghe nói giá đất cũng sẽ lên mà chưa biết ra sao. Hiện giờ đất đai của bà con ở đây đã bị quy hoạch. Cho nên một mối quan tâm khác của người dân hiện giờ là vấn đề an cư. Ai cũng lo lắm.

Cuộc sống bây giờ cái gì cũng lên giá mà làm không ra tiền. Đi đâu cũng nghe than phiền về giá cả, nhất là gạo thóc. Chẳng hạn một tháng thu nhập 3 triệu thì tiền học cho con đã hết 1 triệu rồi. Ăn không bao nhiêu nhưng tiền học thì nhiều.

Công nhân thị thành

Đó là tâm sự của bà con nông dân khu vực đồng bằng Nam Bộ. Thế còn đối với giới công nhân thị thành, nhìn lại một năm đã qua, những gì khiến họ quan tâm nhất? Chị Xuân hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước ở Sài Gòn, thổ lộ:

Công nhân tại Sài Gòn: Dân lao động Việt Nam như tôi chỉ quan tâm đến chuyện làm ăn kinh tế, giá cả thị trường, mong muốn mức thu nhập cao hơn, mong có tiền bạc.

Cuộc sống bây giờ cái gì cũng lên giá mà làm không ra tiền. Đi đâu cũng nghe than phiền về giá cả, nhất là gạo thóc. Chẳng hạn một tháng thu nhập 3 triệu thì tiền học cho con đã hết 1 triệu rồi. Ăn không bao nhiêu nhưng tiền học thì nhiều.

Gìơ phải cho con cái đi học thêm môn này môn kia, nếu không con mình chạy theo bạn bè không nổi. Qua một năm nhìn lại thấy năm nay làm ăn hơi chật vật, khó khăn. Mong sao sang năm làm ăn được thoải mái tí xíu.

Vừa rồi là chia sẻ của một vài người dân thuộc các thành phần kinh tế-xã hội khác nhau, ở những địa phương khác nhau từ hai miền Nam-Bắc, nói về những điều họ chú ý, quan tâm nhất trong năm 2006.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.