Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan
Tháng 6 năm 1982 là thời gian một tổ chức mang tên “Đoàn Kết Đấu Tranh” được thành lập tại Ba Lan. “Đoàn Kết Đấu Tranh” là câu trả lời trước chiến dịch đàn áp đối lập dân chủ. Chiến dịch đàn áp được tướng Wojciech Jaruzelski hợp lý hóa bằng lệnh thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Ba Lan hòng khống chế các họat động độc lập có tổ chức.
Ngay từ những ngày đầu, “Đoàn Kết Đấu Tranh” đã phải hoạt động bí mật, mãi tới năm 1990. Trong quá trình họat động, “Đoàn Kết Đấu Tranh” đã tuân thủ nguyên tắc hoạt động bí mật để không bị công an ngầm phát hiện nơi ẩn náu của ban lãnh đạo. Tổ chức này đã rất tích cực trong việc thiết lập hệ thống in ấn và phát tán tài liệu tuyên truyền.
Đặc biệt nhất là “Đoàn kết Đấu Tranh” đã thiết lập hiệu quả hệ thống nghe trộm, theo dõi chính những nhân viên an ninh có nhiệm vụ theo dõi đối lập đồng thời qui tụ được một số các nhân viên an ninh chấp nhận cộng tác và cung cấp thông tin cho đối lập dân chủ.
“Đoàn Kết Đấu Tranh” được thành lập trong bối cảnh tổ chức công nhân độc lập đầu tiên là Công Đoàn Độc Lập Tự Trị mang tên “Đoàn Kết” có nhiều chia rẽ trong phương cách đấu tranh chống cộng sản. Nhóm các nhân vật với cách nhìn sắc bén hơn đã tự động tách rời Công Đoàn Đoàn Kết và lập nên “Đoàn Kết Đấu Tranh” với phương pháp hành động mạnh mẽ hơn so với các hoạt động quần chúng trải rộng của Công Đoàn Đoàn Kết.
Trong quá trình đấu tranh, hai tổ chức luôn hỗ trợ và bổ xung cùng nhau trong đó “Đoàn Kết Đấu Tranh” rất có công trong việc giúp đỡ Công Đoàn Đoàn Kết giải quyết các khó khăn về phương tiện kĩ thuật.
Người lãnh đạo đáng kính, trụ cột của “Đoàn Kết Đấu Tranh” là ông Kornel Morawiecki. Trong 6 năm liền kể từ ngày đầu tiên Ba Lan nằm trong tình trạng chiến tranh năm 1981, ông phải hoạt động bí mật. Năm 1987 ông bị mật vụ cộng sản bắt giữ và bỏ tù.
Một năm sau, an ninh dùng thủ thuật tình cảm khủng bố, buộc người lãnh đạo của “Đoàn kết Đấu Tranh” rời bỏ Ba Lan. Sau hai lần vượt biên, ông trở lại Ba Lan bất hợp pháp năm 1988 và hoạt động bí mật mãi tới khi cộng sản hoàn toàn sụp đổ tại nước này. Hiện ông là giảng viên đại học tại trường Đại Học Bách Khoa Wroclaw của Ba Lan.
Lễ kỉ niệm 25 năm ngày thành lập “Đoàn Kết Đấu Tranh” là dịp hội ngộ hiếm có cho các thành viên sau một phần tư thế kỉ. Lễ hội được Tổng Thống Ba Lan Lech Kaczynski bảo trợ danh dự. Trong những ngày qua, lãnh tụ của “Đoàn Kết Đấu Tranh” và đông đảo thành viên tham gia nhiều cuộc hội thảo khoa học cùng Viện Tưởng Niệm Quốc Gia, đóng góp các tranh luận lịch sử quý giá về quãng thời gian họat động trông gai đồng thời tranh luận về vai trò các giá trị dân chủ trong thời đại hiện nay.
Chúng tôi được tiếp xúc với lãnh tụ của “Đoàn Kết Đấu Tranh” và nghe ông chia sẻ kinh nghiệm dân chủ.
Vân Anh: Điều gì đã khiến tổ chức của ông được thành lập rồi họat động hiệu quả trong khi Ba Lan trong tình trạng thiết quân luật?
Ông Kornel Morawiecki: Mặc dầu Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan bị trói buộc bằng thiết quân luật vào tháng 12 năm 1981 nhưng tinh thần của người dân trong lòng xã hội vẫn bất khuất. Các bạn bè, những người thân cận của tôi quyết định phải lập nên một tổ chức khác với tổ chức Công Đoàn, tập trung hơn vào công việc cơ bản và tầm nhìn chiến lược xa.
Cứ tưởng như đó là việc không tưởng bởi chúng tôi khi đó chỉ là một nhóm bạn bè, về sau chúng tôi mới ăn nhập vào xã hội. Và Đoàn Kết Đấu Tranh đã được hình thành như vậy. Chúng tôi đặt quy ước không thỏa hiệp với cộng sản, không xin sỏ cộng sản bất cứ điều gì. Chúng tôi nói rằng chúng tôi không thể ngồi không mà cầu khấn, chúng tôi phải tranh đấu.
Vân Anh: Nhưng mà làm sao để có thể tranh đấu? Vẫn biết là các vị đã dùng nhiều cách để tranh đấu, nhưng làm thế nào để thắng được nỗi sợ kia chứ?
Ông Kornel Morawiecki: Sợ thì quả thật không phải chúng tôi không sợ. Chúng tôi sợ nhưng đồng thời chúng tôi quyết tâm, chúng tôi biết chắc rằng lẽ phải nằm về phía chúng tôi.
Chúng tôi cũng biết cái giá phải trả cho những quyết định của mình là thế nào. Và mặc dù chúng tôi bị hiếp dọa, bị bỏ tù nhưng chúng tôi vẫn cứ tin rằng chúng tôi, chứ không phải cộng sản, sẽ dành được sự ủng hộ của người dân.
Vân Anh: Vậy cụ thể những công việc mà ông và bè bạn đã làm là gì thưa ông?
Ông Kornel Morawiecki: Trọng tâm của chúng tôi là thông tin trong chính nội bộ tổ chức mình. Chúng tôi ra báo chui, đài phát thanh ngầm, lập nên hệ thống thông tin riêng, phát hành cả sách, rồi truyền bá tư tưởng của mình tới mọi tầng lớp vì chúng tôi muốn thuyết phục tất cả, kể cả đối phương của mình.
Ngoài ra chúng tôi còn lập nên hệ thống theo dõi ban an ninh để theo dõi những anh công an đang làm nhiệm vụ theo dõi chúng tôi. Chúng tôi thu thập được nhiều thông tin cụ thể về những người này và truyền những thông tin đó cho nhau trong nội bộ của mình.
Chúng tôi chuẩn bị cho những tình thế xấu nhất, ví dụ trong trường hợp công an chìm dùng vũ lực để giết hại chúng tôi thì chúng tôi sẽ có bằng cớ chứng minh những ai là người đã thực hiện nhiệm vụ theo dõi chúng tôi, để những nhân viên an ninh thi hành nhiệm vụ đừng tưởng họ vô tội.
Cũng có những nhân viên an ninh của đảng hợp tác với chúng tôi trong việc cung cấp thông tin về những chiến dịch bắt bớ, giúp chúng tôi thoát nạn khi bị bao vây. Chúng tôi hoạt động và tuân thủ nguyên tắc bí mật để bảo toàn lực lượng, đó cũng là phương trâm của chúng tôi.
Vân Anh: Vậy ông có thể khuyên nhủ người Việt Nam điều gì khi họ đang nếm trải một chiến dịch đàn áp khốc nghiệt? Điều gì là quan trọng nhất trong quá trình đấu tranh dân chủ thưa ông?
Ông Kornel Morawiecki: Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là thông tin. Tuy vậy tôi không biết tôi có thể khuyên nhủ điều gì với người Việt Nam. Việt Nam là một dân tộc anh hùng, chính người Việt hiểu rõ hơn ai hết những mặt trái của chế độ họ đang phải chung sống. Cộng sản là chế độ độc tài, chế độ tước đọat tự do.
Chắc hẳn là vậy vì nếu không, người Việt Nam đã không đấu tranh với nó. Tôi rất cảm thông, rằng đây là cuộc chiến trông gai, ắt hẳn cần được tiến hành một cách có tổ chức. Nhưng Việt Nam là dân tộc mang trong mình kinh nghiệm tổ chức còn hơn người Ba Lan. Tôi xin hết lòng chúc các bạn Việt Nam mau chóng dành được tự do, dân chủ. Tôi chúc các bạn tình đoàn kết.
Vân Anh: Xin cảm ơn ông rất nhiều!