27 người Việt tỵ nạn tại Cambodia kêu cứu vì hoàn cảnh sống khó khăn

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Có 27 người Việt Nam tỵ nạn tại thủ đô Phnom Penh của Xứ Chùa Tháp đang gặp tình huống khó khăn phải lên tiếng kêu cứu. Thực tế tình trạng của họ ra sao? Mời quí vị nghe một người trong nhóm là Mục sư Ngô Đắc Lũy cho biên tập viên Gia Minh của Đài chúng tôi biết về tình thế của họ hiện thời.

CambodiaVietnamese200.jpg
Những người Khmer Krom đang đợi bên ngoài trụ sở UNHCR ở Phnompenh sau khi họ chạy trốn từ Việt Nam sang. @ RFA PHOTO

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Tôi được phép trả lời đây. Từ trước tới nay chỉ có người Montagnards mới được ở trong trại; còn những người tỵ nạn như chúng tôi thuộc diện Urban Refugee tức sau khi được cấp qui chế tỵ nạn thì nhận khoản trợ cấp 85USD để thuê nhà sinh sống ở ngoài.

Gần đây họ gọi chúng tôi vào và cho biết là sẽ bị cắt khoản trợ cấp đó; họ khuyến khích chúng tôi hoà nhập vào cộng đồng địa phương lao động kiếm sống; nhưng đây là điều khó khăn đối với chúng tôi vì một số từng bị tù, bị kết án tử hình, chung thân và những nhà hoạt động tôn giáo nên việc ra ngoài hoà nhập sinh sống là khó.

Gia Minh: Xin ông cho biết con số cụ thể?

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Theo danh sách những người hằng tháng đến cơ quan Jesuit của Dòng Tên để nhận tiền thì có 12 người. Trong 12 người này có 7-8 người độc thân còn những người khác thì có gia đình nên có con cái. Tổng cộng là 27 người.

Gia Minh: Các vị chức sắc tôn giáo và người bị tù là ai?

Gần đây họ cho biết là sẽ bị cắt khoản trợ cấp đó; họ khuyến khích chúng tôi hoà nhập vào cộng đồng địa phương lao động kiếm sống; nhưng đây là điều khó khăn đối với chúng tôi vì một số từng bị tù, bị kết án tử hình, chung thân và những nhà hoạt động tôn giáo nên việc ra ngoài hoà nhập sinh sống là khó.

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Một anh là Nguyễn Phùng Phong từng bị kêu án tử hình tại một trại tù ở Thuận Hải cũ; một người bị tù chung thân là Nguyễn Công Cẩm. Hai người này đã ở đây chín mừời năm rồi. Một số bị bắt do hoạt động đảng phái.

Gia Minh: Còn bản thân ông?

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Tôi đi truyền đạo ở vùng người H'Mong tại các tỉnh miềm Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang; nơi đó bị cho là vùng nhạy cảm và chúng tôi không được phép truyền đạo. Tôi thuộc một giáo hội tư gia cũng không được hoạt động nên tôi bị bắt và tôi trốn sang Kampuchia. Tôi được qui chế tị nạn từ tháng 12 năm 2004 đến nay.

Còn một đại đức thuộc phái tiểu thừa là Thích Giác Luận, tên thật Nguyễn Văn Hữu. Trong quá trình hoằng pháp tại Việt Nam bị bắt nhiều lần nên phải chạy sang đây. Suốt hai năm nay không ai cho ông ta ở cả; nên ông chuyên ở các gốc cây, gầm cầu đường phố như người vô gia cư vậy.

Gia Minh: Cao ủy Tỵ nạn giải thích thế nào với số 27 người này?

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Họ cho rằng có một cộng đồng chừng 1 triệu người Việt sinh sống làm ăn thành đạt tại Kampuchia nên họ cho rằng chúng tôi cũng có thể thành đạt như thế. Nhưng thực sự họ không hiểu chúng tôi. Chúng tôi đang bị đe doạ, săn lùng.

Gia Minh: Ai săn lùng?

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Trước đây có trường hợp đại đức Thích Trí Lực. Sau đó có hai người tỵ nạn người Hoa theo Pháp Luân Công cũng bị bắt đưa về Trung Quốc để thọ án. Cho nên chúng tôi không thể khinh suất.

Gia Minh: Việc trình bày với cao uỷ thế nào và được trả lời ra sao?

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Họ cho biết Geneve báo là thiếu ngân sách.

Gia Minh: Việc nhờ luật sư ra sao?

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Trước đây có một luật sư của một tổ chức hoạt động đồng hành với UNHCR, Refugee Services, trợ giúp cho chúng tôi về mặt pháp lý nhưng từ 1 tháng 6 đến nay thì người đó cũng được rút về Hà Lan.

Do đó chúng tôi thành lập Ban Đại diện gửi e-mail đến các cơ quan thông tấn để giúp cho chúng tôi được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và sự cứu xét của Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại đây.

Gia Minh: Xin cám ơn.