Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Người bệnh ở Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua phải mua thuốc điều trị với giá quá cao do tình trạng độc quyền phân phối, mua bán qua nhiều cấp trung gian, có trường hợp phải mua gấp 3 lần so với giá nhập khẩu hay giá chính thức kê khai.

Theo các báo thì nguyên do chính gây ra tình trạng mua thuốc tây với giá cắt cổ là do tình trạng phân phối lòng vòng để cố ý đẩy gía lên cao. Tổng hợp tin tức liên hệ đến việc bán thuốc với giá cao ngất tại Việt Nam hiện giờ, Đỗ Hiếu xin gởi đến quý vị thêm chi tiết.
Đó là kết quả mới nhất vừa được công bố về việc thanh tra giá thuốc do bộ Y tế tiến hành. Điển hình như thuốc Difosfen loại 30 viên một hộp, do công ty cổ phần Thiết bị Y tế Hà Nội nhập về, mua bán qua 5 cơ sở, nâng giá bán lên gấp 300% so với giá kê khai.
Còn những loại thuốc do công ty độc quyền phân phối thì tỷ lệ chênh lệch giữa giá mua vào với giá bán ra cao trung bình từ 20 đến 60%, có mặt hàng cao đến 279%. Cũng qua các kết quả vừa ghi nhận được thì quả thật là có quá nhiều bất cập trong lãnh vực quản lý thị trường y dược phẩm tại Việt Nam.
Các nhân viên thanh tra y tế đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm quy định chung như giấy chứng nhận kinh doanh tân dược đã hết hạn, kinh doanh các loại thuốc không được phép lưu hành, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc cao gấp bội so với giá chính thức, niêm yết không đầy đủ sản phẩm đi kèm với giá.
Từ lâu nhiều người cho rằng nhập khẩu và phân phối thuốc tây là lãnh vực kinh doanh mà không phải bất cứ doanh nhân bình thường nào cũng có thể chen chân vào được tại Việt Nam.
Trước tình trạng phân phối lòng vòng qua nhiều trung gian, giới tiêu thụ cũng như chuyên viên y dược đề nghị bộ y tế cần phải ban hành thông tư bảo đảm gía trần cung ứng các loại thuốc hợp với túi tiền của người bệnh. Ngoài ra cũng nên tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành để quản lý gía thuốc chặt chẽ và hợp lý, không để xảy ra những biến động bất thường về gía thuốc như trên thị trường hiện nay.
Tầng lớp dân nghèo là công nhân, nông dân sẽ gặp lắm khó khăn mỗi khi không may bị đau yếu, chứ còn dân thành thị có sẵn tiền, nên không mấy ảnh hưởng. Đối với gia đình nào mà hiện nay có thu nhập dưới một triệu rưởi một tháng thì khó lòng mà xoay sở nổi. Cái khổ là không tiền mà lại bị đau ốm, nhất là dân chúng ở thôn quê.
Các báo cũng cho hay, trong tháng qua, khoảng 50 mặt hàng tân dược được tăng giá và đây là đợt tăng gía lần thứ ba trong năm nay. Trong vòng hai năm nay tân dược vẫn tăng giá đều đều, có nhũng món thuốc cần dùng để phòng ngừa và chữa bệnh đã tăng từ 10 ngàn đồng một vỉ lên 25 ngàn đồng, một vỉ.
Một khi thuốc Tây trong nước tăng giá thì những ai phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất, bà Hậu ở Gò Vấp nói với đài Á Châu Tự Do chúng tôi rằng :
“ Tầng lớp dân nghèo là công nhân, nông dân sẽ gặp lắm khó khăn mỗi khi không may bị đau yếu, chứ còn dân thành thị có sẵn tiền, nên không mấy ảnh hưởng. Đối với gia đình nào mà hiện nay có thu nhập dưới một triệu rưởi một tháng thì khó lòng mà xoay sở nổi. Cái khổ là không tiền mà lại bị đau ốm, nhất là dân chúng ở thôn quê”.
Mỗi khi giá thuốc tăng thì các doanh nghiệp giải thích rằng, nguyên do chính là vì các chi phí đầu tư tăng như giá nguyên liệu, xăng dầu, ngoại tệ, rồi cộng thêm nhiều phụ phí khác như mua trang thiết bị mới, cải tiến sản phẩm, quảng cáo thuốc mới.
Vậy vì sao giá thuốc Tây ở Việt Nam cứ liên tục tăng giá, ông Dần, một doanh gia trong ngành phân phối dược liệu từ Saigon cho đài chúng tôi biết:
“Cần phải phân biệt rõ giữa hai loại thuốc, một thứ xem là thuốc ngoại, và loại thông thường. Loại thông thường thì Việt Nam sản xuất được, trái lại thuốc nhập thì bị ảnh hưởng bởi những tập đoàn kinh doanh thuốc Tây, nên việc điều phối thị trường là do họ hòan toàn quyết định và đẩy gía thuốc lên cao, nhất là đối với những thứ thuốc được xem là đặc biệt hay cao cấp”.
Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến trong giới chuyên gia cho rằng, gía thuốc tăng vì một phần là do những khoản chi tiêu như tiền hoa hồng, quà cáp cho bác sĩ, dược sĩ, y tá. Bên cạnh đó, còn phải kể thêm tiền quảng bá , tiếp thị sản phẩm, nên đã góp phần đẩy gía thuốc Tây tại Việt Nam cứ nhích lên hoài, mỗi năm vài ba đợt.
Phần các doanh nghiệp là đầu mối của việc quyết định đẩy giá thuốc lên cao thì giải thích rằng, nguyên do chính là do các chi phí đầu tư tăng, như giá nguyên liệu, xăng dầu, ngoại tệ, nhân công, bao bì, cộng thêm các phụ phí khác bao gồm trang thiết bị mới, công trình nghiên cứu, cải tiến sản phẩm.
Trong năm 2007, bộ y tế Việt Nam dự kiến ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể luật tân dược, nhằm xác định giá thuốc tại Việt Nam không được cao hơn giá bán tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế và thương mại tương tự như Việt Nam.
Tuy nhiên lý thuyết và thực tế thì còn quá xa vời, vì doanh nghiệp thì thường hay bày vẽ , lợi dụng các khâu trung gian lòng vòng để mua một bán ra gấp 2, hay 3 lần cao hơn vốn liếng mà họ bỏ ra, bất kể sự thống khổ của người tiêu dùng với đồng lương ít ỏi.