Sáu năm sau ngày biến cố 11 tháng Chín, những gì đã và đang xảy ra?
2007.09.07
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Sáu năm sau ngày biến cố 11 tháng Chín xảy ra, cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp tục lan rộng, tiếng súng vẫn chưa ngừng ở hai mặt trận Iraq và Afghanistan.

Sau khi các vụ khủng bố xảy ra tại Washington và New York năm 2001, thế giới hết lòng yểm trợ các hoạt động của Hoa Kỳ, kể cả những hoạt động về quân sự. Vì nhiều lý do khác nhau, mức độ ủng hộ này hiện đang giảm dần, và nhiều quốc gia đã bày tỏ thái độ chống đối nước Mỹ, trong khi người dân khắp nơi vẫn tiếp tục thắc mắc: đến bao giờ mới mất đi nỗi lo âu vì hiểm họa khủng bố mà họ đang phải chịu đựng? Ít nhất đến giờ phút này, câu trả lời vẫn chưa xuất hiện.
Sáu năm sau ngày biến cố 11 tháng Chín, những gì đã và đang xảy ra? Những gì phải sửa đổi và làm sao để sửa đổi? Ðó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với vị khách mời trong tuần.
Khách mời là Tiến Sĩ June O’Connor, một chuyên gia về chính trị và đạo đức, hiện đang giảng dậy tại Ðại Học California Riverside, đồng thời cũng là thành viên Ban Chỉ Ðạo của Tạp Chí The Journal of Religious Ethics, chuyên đăng tải những bài viết của những nhà nghiên cứu về đạo đức, chính trị và pháp lý.
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Nguyễn Khanh: Cám ơn Bà Tiến Sĩ đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi. Sáu năm sau ngày biến cố 11 tháng Chín xảy ra, Bà có còn sợ không, và nếu có thì tại sao Bà lại sợ?
Tiến Sĩ June O’Connor: Có, tôi vẫn sợ. Tôi sợ vì hai lý do. Sợ mãnh lực của thù hận mà bằng chứng là vụ tấn công nước Mỹ xảy ra hôm 11 tháng Chín 2001 và những vụ tấn công ở những nơi khác xảy ra trước đó. Tôi sợ vì sự tàn ác và sự đổ vỡ. Tôi sợ vì những gì hiện đang diễn ra trên thế giới, kể cả vụ tấn công đã xảy ra trên đất nước này, và tôi cũng sợ vì sự trả đũa của quân đội Hoa Kỳ trước các vụ tấn công đó.
Nguyễn Khanh: Nghe Bà Tiến Sĩ nói làm tôi nhớ lại có người bảo rằng sáu năm sau ngày biến cố 11 tháng Chín xảy ra, nước Mỹ bây giờ có nhiều kẻ thù hơn trước. Bà Tiến Sĩ có đồng ý với nhận xét đó không?
Tôi sợ vì hai lý do. Sợ mãnh lực của thù hận mà bằng chứng là vụ tấn công nước Mỹ xảy ra hôm 11 tháng Chín 2001 và những vụ tấn công ở những nơi khác xảy ra trước đó. Tôi sợ vì sự tàn ác và sự đổ vỡ. Tôi sợ vì những gì hiện đang diễn ra trên thế giới, kể cả vụ tấn công đã xảy ra trên đất nước này, và tôi cũng sợ vì sự trả đũa của quân đội Hoa Kỳ trước các vụ tấn công đó.
Tiến Sĩ June O’Connor: Với tôi, điều đó đúng. Tôi nghĩ điều đó đúng và đó cũng là lý do khiến cho tôi tăng thêm nỗi sợ hãi.
Nguyễn Khanh: Thế thì thưa Bà, làm sao giải quyết được vấn đề này?
Tiến Sĩ June O’Connor: Câu hỏi của ông thật hay, và có rất nhiều người đang nỗ lực tìm câu trả lời. Theo ý kiến riêng của tôi, tôi ủng hộ ý tưởng mà những nhà trí thức đã nói đến là bằng mọi cách phải tìm cho ra chiến lược bất bạo động trước khi nghĩ đến chiến lược của chiến tranh.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Thánh Gandhi, Mục Sư Martin Luther King, là những người đã từng trải qua những cuộc đấu tranh vĩ đại, chấp nhận đương đầu với những chống đối, nhưng luôn luôn theo đuổi mục tiêu bất bạo động, xem đó là phương thức ngăn cản điều ác, và từ đó sẽ cải hóa được điều ác.
Tôi rất mong được đóng góp phần mình vào mục tiêu đó, muốn tham gia vào những cộng đồng có ý tưởng tiếp tục con đường đã được vạch ra, tức là luôn luôn tìm những giải pháp khác để giải quyết vấn đề trước khi khởi sự chiến tranh.
Mặc dù truyền thống Tây Phương, tôn giáo, chính trị và pháp lý đều cho phép con người mở những cuộc chiến mà chúng ta gọi là cuộc chiến chính nghĩa, nhưng một trong những tiêu chuẩn để mở cuộc chiến chính nghĩa là tất cả những giải pháp khác đều phải được thực hiện trước khi bắt đầu nghĩ đến chiến tranh.
Nói cách khác, chúng ta có trách nhiệm phải nghĩ đến những giải pháp để tránh gây nên chiến tranh, áp dụng những giải pháp này trước đã rồi cuối cùng mới tính đến chuyện tuyên chiến.
Tôi không biết điều này có được đặt ra trước khi cuộc chiến hiện giờ khởi sự hay không, nhưng tôi tin chắc rằng đây là điều không hề được nói đến, chẳng hề được làm. Vì thế, tôi ước gì những nhà lãnh đạo chính trị tìm những biện pháp để ngăn chận sự tàn ác, ngăn chận phá hoại, thay vì đi theo con đường tàn ác và phá hoại.
Ðiều tôi muốn nói ở đây là lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy rằng hành động đơn độc vẫn có thể khiến kẻ thù địch lắng nghe. Từng bước, từng bước một, chúng ta vẫn có thể cải hóa được con người, cải hóa được điều ác.
Nguyễn Khanh: Nhưng thưa Bà Tiến Sĩ, các nhà lãnh đạo của nước Mỹ thường nói rằng quân khủng bố không nghĩ, không làm điều gì khác hơn là giết người. Thưa Bà, làm sao có thể nói chuyện được những kẻ chỉ lăm le muốn giết mình?
Tiến Sĩ June O’Connor: Đó cũng là một câu hỏi hóc búa…
Nguyễn Khanh: Xin lỗi, tôi không hề có ý muốn đẩy Bà Tiến Sĩ đến chỗ khó khăn…
Tiến Sĩ June O’Connor: Không, không đâu. Câu hỏi của ông rất xác đáng, rất quan trọng và tôi muốn được trả lời. Ðương nhiên tìm câu trả lời cho ông không phải là điều dễ, nhưng tôi tin rằng điều cần phải làm là ngay từ đầu, phải có kế sách ngăn chận kẻ ác và bảo vệ cho chính mình, ngăn chận đừng để cho sự tàn bạo xảy ra.
Một trong những điều tôi được biết là khoảng thời gian biến cố 11 tháng Chín năm 2001 xảy ra, Osama Bin Laden có đưa ra một số đòi hỏi muốn Hoa Kỳ phải làm, ví dụ như Hoa Kỳ phải rút hết quân ra khỏi lãnh thổ Ả Rập Xê Út vì đối với Bin Laden, Ả Rập Xê Út là một thánh địa nên chuyện có quân đội nước ngoài trú đóng là điều không thể chấp nhận được.
Osama Bin Laden cũng đòi hỏi chính phủ Mỹ phải ngưng cấm vận kinh tế Iraq, và thêm một số điều khác nữa. Theo tôi hiểu thì chỉ trong vòng vài năm sau ngày biến cố 11 tháng Chín xảy ra, chúng ta rút quân khỏi Ả Rập Saudi, nhưng báo chí không chú ý gì mấy về tin này.
Ðiều tôi muốn nói ở đây là lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy rằng hành động đơn độc vẫn có thể khiến kẻ thù địch lắng nghe. Từng bước, từng bước một, chúng ta vẫn có thể cải hóa được con người, cải hóa được điều ác.
Tôi cũng hiểu là với những kẻ chỉ muốn giết mình, chúng sẽ tìm đủ mọi cách để làm được điều chúng muốn làm. Nhưng tôi tin rằng hành động của chính chúng ta sẽ khiến cho kẻ thù phải ngạc nhiên, có thể đẩy chúng đến chỗ phải suy nghĩ lại trước khi ra tay làm điều ác. Lịch sử thế giới cũng đã chứng minh điều này. Ý chí theo đuổi mục tiêu bất bạo động đã cải thiện được quan hệ giữa con người với nhau.
Nguyễn Khanh: Như thế thì nếu được mời vào Nhà Trắng, Bà sẽ nói gì với Tổng Thống George W. Bush?
Tại sao chúng ta không làm việc chung với nhau, để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết theo chiều hướng thật tốt đẹp cho thế hệ con cháu của chúng ta, để chúng sẽ chẳng bao giờ là nạn nhân của thời đại hận thù mà chúng ta đã trải qua.
Tiến Sĩ June O’Connor: Tôi sẽ không trình bày gì nhiều với Tổng Thống, nhưng tôi sẽ yêu cầu Tổng Thống tham khảo ý kiến với những người chủ trương đường lối bất bạo động, để tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề gây căng thẳng, giải quyết các mối quan hệ khó khăn.
Tôi cũng sẽ yêu cầu Tổng Thống Bush thành lập một bộ mới, chuyên trách về hòa bình. Hiện nay, đã có nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ và một số dân ủng hộ ý kiến nên thành lập một cơ quan như vậy, lãnh đạo là người ở cấp bộ trưởng và có quyền liên hệ trực tiếp với Tổng Thống.
Thành ra, Tổng Thống không chỉ nghe ý kiến của các giới chức quân sự, mà còn nghe cả ý kiến của người dân, những người chia sẻ triết lý với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, với Thánh Gandhi và với Mục Sư Martin Luther King, là những người luôn luôn cất tiếng nói cổ võ cho đường lối bất bạo động luôn luôn có giá trị và được lắng nghe.
Nguyễn Khanh: Và Bà Tiến Sĩ sẽ nói gì với Osama Bin Laden, kẻ thù số một của nước Mỹ hiện giờ?
Tiến Sĩ June O’Connor: Chúng ta phải làm gì để có thể để lại cho con cháu chúng ta một di sản quý giá? Chúng ta phải hướng về tương lai, phải nhìn vào tương lai của những đứa bé. Chúng ta sẽ để lại cho chúng những gì?
Tại sao chúng ta không làm việc chung với nhau, để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết theo chiều hướng thật tốt đẹp cho thế hệ con cháu của chúng ta, để chúng sẽ chẳng bao giờ là nạn nhân của thời đại hận thù mà chúng ta đã trải qua.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Tiến Sĩ June O’Connor.
Các tin, bài liên quan
- Mặc dù bị đàn áp, các cuộc biểu tình của người dân Miến Ðiện lan rộng hơn
- Luật mới của Trung Quốc về các tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng đầu thai sau ngày viên tịch
- Việt Nam mong đợi gì ở Tân Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak ?
- Thị trường Chao đảo
- Quan hệ giữa Pakistan và Hoa Kỳ
- Mối lo Trung Quốc và bài toán Việt Nam phải tìm cách giải
- Vai trò của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đối với những ưu tư của đồng bào
- Trận tứ kết ASIAN CUP 2007 giữa Việt Nam và Iraq
- Cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra trên toàn cầu