ADB trợ giúp Việt Nam phòng chống HIV/AIDS trong giới trẻ

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Ngân hàng Phát triển Châu Á gọi tắt là ADB vừa quyết định cấp cho Việt Nam 20 triệu mỹ kim hỗ trợ công tác phòng chống HIV/AIDS trong giới trẻ. Số tiền này sẽ được sử dụng ra sao? Và tình hình lây nhiễm virus HIV trong giới trẻ hiện nay như thế nào? Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu.

HivAid200.jpg
Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong giới trẻ. AFP PHOTO

Khoản cấp viện của ADB sẽ được chi dùng cho dự án mang tên “Phòng ngừa HIV/AIDS trong giới trẻ” nhằm giúp chính phủ Việt Nam kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của virus HIV.

Thay đổi hành vi và nhận thức của người trẻ

Kế hoạch sẽ được thực hiện từ nay tới giữa năm 2011, với tổng kinh phí là 26,7 triệu mỹ kim. Ngoài 20 triệu đô la hỗ trợ của Ngân hàng phat triển Châu Á, phần còn lại sẽ được trích từ ngân sách nhà nước. Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em là cơ quan đảm nhiệm việc thực thi dự án.

Mục tiêu chính của dự án là thay đổi hành vi và nhận thức của giới trẻ thông qua các hoạt động phối hợp giữa phương tiện truyền thông đại chúng với các chiến dịch sâu rộng, các chương trình hành động, và dịch vụ trong cộng đồng, giúp thanh niên có khả năng tiếp cận các phương pháp bảo vệ an toàn tình dục, bài trừ các thói quen nguy cơ như dùng chung kim chích ma tuý.

Chiến dịch tuyên truyền sẽ vận dụng sự tác động của báo đài, trong đó có việc sản xuất loạt chương trình kịch truyền hình trong 3 năm xoay quanh chủ đề về bệnh AIDS, cũng như sử dụng các nhân vật có tầm ảnh hưởng với giới trẻ như văn nghệ sĩ và các nhân vật thể thao trong công tác thông tin, giáo dục về căn bệnh hiểm nghèo này.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ, thế nhưng đối với mục tiêu đẩy lùi hiểm hoạ AIDS thì hầu như vẫn khó có thể hoàn thành.

Cải thiện chính sách phòng chống AIDS

Mặt khác, dự án cũng sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cho giới chuyên môn từ địa phương đến trung ương trong việc cải thiện các chính sách phòng chống AIDS nhắm vào đối tựơng thanh niên.

Ngoài ra, một phần kinh phí sẽ được dành cho các tổ chức phi chính phủ tại 15 tỉnh-thành, hầu phát huy các chương trình nhắm vào giới trẻ, khuyến khích giáo dục đồng đẳng, cung cấp phương tiện phòng vệ, và đào tạo cho thanh niên về kỹ năng sống.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ, thế nhưng đối với mục tiêu đẩy lùi hiểm hoạ AIDS thì hầu như vẫn khó có thể hoàn thành, khi mà số các ca lây nhiễm mới vẫn mỗi năm một cao hơn.

Tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong giới trẻ

Từ con số dứơi 4 ngàn ca lây nhiễm được báo cáo vào năm 1995, ghi nhận tính tới tháng 3 năm nay, số người mắc phải HIV/AIDS tại Việt Nam đã vựơt quá 100 ngàn. Thế nhưng người ta tin rằng thực tế có thể còn cao hơn gấp 3 lần.

Đáng lo ngại là tỷ lệ ngừơi trẻ trong độ tuổi từ 15-24 nhiễm HIV đang ngày càng leo thang. Ở thời điểm 1994, thành phần này là 10% trên tổng số các ca nhiễm mới, nhưng thời gian gần đây, tỷ lệ đó đã tăng lên gấp 4 lần.

Một cán bộ chương trình phòng chống HIV/AIDS tại TPHCM nhận xét về lứa tuổi nhiễm AIDS nhiều nhất tại Việt Nam: "Tập trung ở độ tuổi 17, 18, 19. Đỉnh cao tính chung cả nước là từ 18-49 nhưng nếu chia ra theo từng nhóm tuổi từng 10 năm thì lứa tuổi từ 19-29 là cao nhất".

Đường lây lan chính của HIV/AIDS chủ yếu xuất phát từ các hành vi nguy cơ cao. Báo động nhất là tình trạng dùng chung kim tiêm chích ma tuý, chiếm 57% trên tổng số các trường hợp bị AIDS ở trong nước.

Kế đó là đừơng lây lan từ các lao động tình dục qua các khách hàng trẻ tuổi, và cũng chính bằng hình thức này, virus HIV dễ dàng len lỏi, xâm nhập vào dân số của Việt Nam.

Ý kiến của giới chuyên môn

Bà Lisa Studdert, chuyên gia phụ trách bộ phận y tế của ADB, văn phòng tại Việt Nam đã từng nhận xét rằng người trẻ với những hành vi nguy cơ cao bao gồm rượu chè, hút sách, tình dục không an toàn là nguồn lây chính của dịch bệnh HIV/AIDS.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là vai trò của nhà trường trong việc giáo dục thanh thiếu niên tìm hiểu và phòng chống AIDS vẫn còn rất mờ nhạt, như lời ngừơi cán bộ chương trình phòng chống HIV/AIDS tại thành phố:

"Các tài liệu về HIV trong nhà trừơng có nhưng sơ sài, cách giáo dục thì dưới dạng nói chuyện chuyên đề, không rõ ràng, không được quan tâm nhiều vì ngừơi ta coi đối tượng này là tạm ổn, không thuộc nhóm nguy cơ cao thành ra không chú ý lắm."

Giới chuyên môn cho rằng muốn kiềm chế sự lây lan của virus HIV, nhà nước cần phải ưu tiên quan tâm hơn nữa đến vai trò giáo dục ý thức, giúp thanh niên có đựơc sự hiểu biết đúng đắn để tự bảo vệ mình và giảm nhẹ các tác hại của virus HIV từ tinh thần đến vật chất không những cho cá nhân, gia đình, cộng đồng mà cho cả xã hội nữa.