Những điều chưa biết về Mao Trạch Đông (phần 2)

0:00 / 0:00

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Trong buổi phát thanh trước, nhà báo Bùi Tín đã giới thiệu nội dung và tác giả của cuốn “Mao-an unknown story,” tạm dịch là “Những Điều Chưa Biết về Mao” của hai tác giả Jung Chang và Jon Halliday do nhà xuất bản Globalflair ấn hành mới đây.

NixonMaoTrachDong200.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon. file photo.

Kỳ này, vẫn qua cuộc trao đổi với biên tập viên Nguyễn An của ban Việt ngữ RFA, ông Bùi Tín sẽ nói đến những phát giác chưa bao giờ đựơc công bố, về cá tính cũng như trong đời sống của ông Mao.

Ông Bùi Tín nguyên là Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, hiện đang sinh sống tại Paris. Xin đựơc thưa rằng ý kiến của ông Bùi Tín không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Con người Mao Trạch Đông

Nguyễn An: Kính chào nhà báo Bùi Tín. Kỳ trước ông đã giới thiệu với quý thính giả cuốn sách viết về những sự thật chưa đựơc biết đến trong đời sống của của ông Mao Trạch Đông. Kỳ nay, xin ông đi vào chi tiết về những sự thật ấy.

Bùi Tín: Cuốn sách ấy vẽ nên một bộ mặt, một chân dung rất chân thực về Mao Trạch Đông và nó khớp với quan điểm của nhiều nhà báo quốc tế khi họ nghi ngờ và phán đoán nhưng chưa đưa ra kết luận.

Một cách tổng quát, ta thấy gì ở Mao? Mao là một con người có tham vọng cá nhân cực lớn. Ông ta nói nhiều về nhân dân, nói nhiều về dân tộc Trung Hoa, nhưng mà thật ra từ khi học ở Hồ Nam cho đến cuộc Vạn Lý Trưòng Chinh về Diên An thì ngưòi ta thấy rõ là Mao chỉ ấp ủ một giấc mộng lớn, tức là toàn bộ quyền lực nằm trong tay đảng cộng sản và điều này có nghĩa là nằm trong tay cá nhân Mao Trạc Đông.

Cho nên có thể nói là xuyên suốt cuộc đời Mao là cuộc đời xây dựng đảng cộng sản nhưng với tham vọng rõ ràng là ta phải nắm trọn cái đảng này.

Nguyễn An: Tức là cá tính của ông Mao đó?

Mao gần như lên voi xuống chó ghê lắm, khi thì ở trong trung ương, khi thì bị đuổi ra ngoài trung ương, khi thì vào trung ương của Quốc Dân Đảng, rồi khi lại ra ngoài Quốc Dân Đảng, khi lại bị Stalin suýt nữa gạt đi, rồi lại bị những đại hội khai trừ.

Bùi Tín: Vâng. Cá tính ông Mao đấy. Là một con người có một ý chí cá nhân, có một tham vọng cá nhân xuyên suốt cực lớn, bằng bất kỳ giá nào. Cái giá phải trả đó là gì? Ta biết Mao gần như lên voi xuống chó ghê lắm, khi thì ở trong trung ương, khi thì bị đuổi ra ngoài trung ương, khi thì vào trung ương của Quốc Dân Đảng, rồi khi lại ra ngoài Quốc Dân Đảng, khi lại bị Stalin suýt nữa gạt đi, rồi lại bị những đại hội khai trừ.

Nguyễn An: Thưa đây có phải là một chi tiết lý thú? Thưa, ông có thể cho biết thêm về chuyện này. Nó xảy ra trong hoàn cảnh nào ạ?

Bùi Tín: Khi bị đại diện của trung ương đảng ở Thượng Hải. Khi Mao cho quân ở Giang Tô đi đánh thổ phỉ nhưng lại nhiễm phải thổ phỉ, với tất cả tật bệnh của thổ phỉ, cho nên Mao cũng cho quân đi chém, giết, đi cướp của, cướp vàng bạc của người ta.

Nguyễn An: Tức trở thành thổ phỉ luôn?

Bùi Tin: Vâng, trở thành thổ phỉ luôn. Thế rồi Chu Ân Lai đại diện cho trung ương (lúc ấy Chu Ân Lai ở trên cấp Mao Trạch Đông rất xa, là đại diện của trung ương Thượng Hải. Còn Mao Trạch Đông mới là uỷ viên dự khuyết của bộ chính trị) thi hành kỹ luật Mao, tức là khai trừ khỏi đảng. Sau này phải kiểm điểm dữ lắm. Cho nên Mao Trạch Đông có mối thù vớí Chu Ân Lai.

Cho đến khi Chu Ân Lai gần chết vì bệnh ung thư mà Mao vẫn không cho mổ. Như vậy để làm gì? Để cho họ Chu chết trước Mao. Để làm gi? Vì nếu như còn sống thì Chu cũng không thể hại Mao được. Mao nghĩ xa đến mức như thế.

Hay là trường hợp Lưu Thiếu Kỳ cũng vậy. Lưu Thiếu kỳ còn ở trên Mao Trạch Đông 2 bậc, nhưng về sau Mao quyết hạ bệ Lưu Thiếu Kỳ và cho đến khi Lưu Thiếu Kỳ được đưa lên làm chủ tịch nước rồi thì Mao vẫn tìm cách lật đổ họ Lưu qua cuộc Cách Mạng Văn Hoá bằng cách cho hồng vệ binh đấu tố vợ chồng Lưu như những tên phái hữu tức là phản động nhất một cách rất là tàn tệ.

Hay là như ông Bành Đức Hoài là người được Mao đưa lên làm tổng tư lệnh của chí nguyện quân ở Triều Tiên mà chỉ vì Bành chê Mao sống như một hoàng đế trong một xã hội đầy bất công như thế, khiến Mao thù Bành Đức Hoài và qua Cách Mạng Văn Hoá thì Mao cho đấu tố họ Bành tới mức mà Bành chết rồi Mao cũng không cho làm lễ tang, không cho đặt vòng hoa, thậm chí giấu biệt cả ngày họ Bành chết trong tù để cho con cháu không biết ngày làm lễ kỵ, phát tang nữa.

Cuộc đời tình ái và chuyện vợ con

Nguyễn An: Thưa đó là bản tính của ông Mao cũng như là cách ông ta đối xử với những đồng chí thân thiết, còn đối với Stalin thì sao ạ?

Bùi Tín: Về Stalin thì Mao hết sức xu nịnh; xu nịnh đến độ ông ta luôn luôn kiểm soát radio liên lạc giữa Diên An với Moscow để chỉ báo cáo những cái hay thôi, vì Mao sợ là Stalin biết được.

Ngoài ra nói về đời sống riêng, đời sống hưởng lạc của Mao thì không có ông vua nào, ông hoàng đế nào trên thế giới có thể mang ra so sánh với Mao Trạch Đông.

Tất cả những nơi ở của Mao đều có rèm che, có lính gát. Ngay giữa Đại Lễ Đường Nhân Dân Trung Quốc mà Mao cũng bắt thiết kế một phòng riêng và trong đó có một giường riêng, xung quanh có rèm che kín bưng.

Trong lúc đại hội đảng diễn ra ở tiền sảnh thì ở phòng riêng phía sau trong một lúc Mao ôm cả ba bốn cô vũ nữ và diễn viên của các đoàn văn công do Lâm Bưu tuyển riêng cho Mao.

Nguyễn An: Thưa nhà báo Bùi Tín, ông Mao dường như có nhiều vợ và nhiều con, mà những người quá say mê danh vọng thì thưòng đối xử không tốt đối với gia đình, vậy trường hợp của ông Mao thì sao? Sách có nói tới không?

Bùi Tín: Trong cuốn sách này có kể lại là Mao đối với vợ con có thể nói là tàn nhẫn cũng đúng. Ví dụ đối với bà vợ cả đầu tiên do tảo hôn thì không nói, nhưng bà vợ thứ hai là bà Dương Khai Tuệ (bị Quốc Dân Đảng bắn chết) có 3 đứa con, đứa con đầu chết ở Triều Tiên, một đứa sang Liên Xô bị bệnh tâm thần thì Mao không hề quan tâm tới, không hề để ý đến mà cũng không hỏi thăm tới một chút nào. Còn đưa con thứ ba thì chết khổ chết sở ở Thượng Hải; đi bới rác và chết cơ mà!

Bà vợ thứ ba là bà Hà Tú Trân đi cùng với Mao trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhưng khi Mao lấy bà Giang Thanh thì bà Hà Tú Trân uất ức, lên cơn bệnh tâm thần và phải qua Liên Xô để chữa bệnh. Sau này bà Hà Tú Trân về lại Trung Quốc thì Mao Trach Đông không cho phép tới thăm. Rồi Mao lại cố tình giết bà này một cách rất là ác độc.

Khi Mao họp hội nghị ở Lư Sơn, biết bà Hà Tú Trân ở gần đấy, Mao cho người mời bà ấy đến bằng cách nói dối là gặp một người bạn cũ.

Về đời sống riêng, đời sống hưởng lạc của Mao thì không có ông vua nào, ông hoàng đế nào trên thế giới có thể mang ra so sánh. Trong lúc đại hội đảng diễn ra ở tiền sảnh thì ở phòng riêng phía sau trong một lúc Mao ôm cả ba bốn cô vũ nữ và diễn viên của các đoàn văn công do Lâm Bưu tuyển riêng cho Mao.

Trước đây khi nghe tiếng Mao Trạch Đông nói qua radio thì bà Hà Tú Trân đã ngất xỉu vì quá đau khổ, nay khi đến nơi và gặp mặt Mao Trach Đông mà Mao không hề thăm hỏi gì hết thì bà ngất xỉu luôn. Thế là Mao bỏ đi luôn và không hề quay trở lại nữa. Sau này bà Hà Tú Trân tái phát bệnh tâm thần và hoàn toàn không phục hồi lại được nữa.

Đấy, Mao đối xử với vợ con kinh khủng là như thế. Nhưng về cuối đời Mao thì ông ta ở trong một tình trạnh tâm thần lẩn lộn suốt 2 năm trời.

Nguyễn An: Sau cùng về cuối đời Mao có gì đặc biệt không ạ? Và ông ta có để lại di chúc hay không?

Bùi Tín: Sau khi bị Lâm Bưu làm phản thì Mao bị một chứng bệnh đặc biệt, đó là các thần kinh và bắp thịt từ tay, chân đến lưỡi, cổ họng đều bị liệt hết. Và cuối cùng Mao không nói, không ăn, không nuốt được. Căn bệnh hành Mao một cách kinh khủng.

Trong lúc ấy Mao có một nỗi sợ - sợ bị dân ghét, sợ bị quần thần phẫn nộ vì Mao quá tàn ác qua các chính sách như cải cách ruộng đất, đại nhảy vọt, cách mạng văn hoá v.v. đều là những sáng kiến riêng của Mao và đều thất bại thảm hại, cho nên lúc này Mao chỉ mong "Cho tôi được chết yên. Đừng có lật đổ tôi khi tôi còn sống".

Mao không có một di chúc nào, nhưng lời nói được coi là di chúc chính thức là câu này: Nếu các người định làm phản tôi, định đảo chính tôi, thì xin hãy dành cho con mụ vợ của tôi sau khi tôi chết đã."

Đấy là ở hội nghị bộ chính trị cuối cùng mà ông ta trăn trối lại như thế. Bởi vì chính Mao đưa bà vợ Giang Thanh lên cao nhất, làm tổ trưởng tổ cách mạng văn hoá, để rồi tàn sát không biết bao nhiêu người suốt trong thời gian hơn một năm trời.

Trước khi chết Mao mới nhìn ra được là bà vợ gian ác đó cùng với ông ta làm nên những tội ác khủng khiếp như thế. Cho nên Mao chỉ ghé vào tai Đặng Tiểu Bình, ghé vào tai Chu Ân Lai, vào Diệp Kiếm Anh, bên cạnh đó có cả Hoa Quốc Phong nữa, và ông ta chỉ nói "Tôi xin các người hãy đoàn kết, hãy ổn định. Tôi xin các người có làm loạn, có lật đổ, có đảo chính, thì để dành sau khi tôi chết và dành cho mụ vợ của tôi", thì người ta đã thực hiện đúng điều đó.

Và chính cái đó có thể nói là cả một cuộc đời khủng khiếp và đến cuối đời và trước khi tắt thở là một bi kịch ghê gớm của một con người đầy tham vọng và vỡ mộng rất lớn.

Vừa rồi là cụôc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và nhà báo Bùi Tín về những phát giác mới trong cuốn sách “Những điều chưa biết về Mao” của hai tác giả Jung Chang và Jon Halliday do nhà xuất bản Globalflair ấn hành. Kỳ tới, nhà báo Bùi Tín sẽ nói đến vị trí của ông Mao đối với Việt Nam. Mong quý thính giả đón nghe. Xin đựơc nhắc lại rằng ý kiến của ông Bùi Tín không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.