Tai nạn lao động tại Việt Nam tăng cao đến mức báo động

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Tại Việt Nam trong năm 2006 đã xảy ra hơn 5880 tai nạn lao động, khiến trên 6000 công nhân bị nạn, trong đó có 536 người thiệt mạng và gần 1200 người bị thương. Theo các cơ quan chức năng thì nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn lao động chết người tại hiện trường, là do những giới sử dụng lao động cũng như phía người lao động vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn.

ConstructionLabor200.jpg
Tai nạn lao động tại Việt Nam tăng cao đến mức báo động. AFP PHOTO

Kế đó, những yếu tố khác gây tử vong và thương tật là không có phương tiện bảo vệ cá nhân, không có thiết bị bảo đảm an toàn cho lao động, cũng như sự thiếu huấn luyện hay hướng dẫn các biện pháp bảo hộ lao động.

Trong tuần lễ quốc gia bảo vệ an toàn lao động lần thứ 9, tổ chức tại Bình Dương mới đây, ban chỉ đạo đã chọn chủ đề là “cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đề phòng cháy nổ”.

Theo chương trình, sẽ có tổ chức mít tinh, hội thảo, triển lãm về an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy, thao diễn, cấp cứu người bị tai nạn lao động.

Do lỗi của phía chủ nhân

Các tài liệu phổ biến tại hội nghị nói rằng, sở dĩ số tai nạn lao động xảy ra liên tục, gây hậu quả kinh hoàng cho giới công nhân phần lớn là do lỗi của người sử dụng lao động hay phía chủ nhân đã không kiểm tra đúng mức, không huấn luyện và theo dõi công tác thực hiện an toan lao động nơi hãng xưỡng của mình.

Mặt khác các chuyên gia về an toàn lao động cũng xác nhận rằng, nguyên nhân sơ đẳng là không tuân thủ hay xem thường quy trình an toàn lao động, chủ quan, bất cẩn nên đã để xảy ra những hậu quả vô cùng tai hại.

Người công nhân suy nghĩ gì và phản ứng ra sao trước tình trạng tai nạn lao động chết người vẫn gia tăng, bà Hậu từ Gia Định cho biết, nhà nước đã cho phép nhiều công ty nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, nhưng lại thiếu sự giám sát, kiểm tra về luật bảo vệ an toàn lao động.

Hơn nữa người công nhân không có bảo hiểm, nên khi xảy ra chuyện đáng tiếc, nạn nhân và gia đình phải chịu cảnh khốn khó. Nếu vì quá bất mãn mà cùng đứng lên biểu tình đòi hỏi quyền lợi chính đáng thì người công nhân sẽ gặp khó khăn, có khi bị quy chụp những tội danh nặng nề và có thể bị mất việc.

Vẫn theo các báo thì cơ chế kiểm tra, giám sát của nhà nước không theo kịp thực tế, biện pháp xử lý không hiệu quả, không đủ mạnh, doanh nghiệp xem thường công tác bảo vệ lao động, khiến tai nạn không ngừng gia tăng.

Tăng đến mức báo động

Ông Huỳnh Tấn Dũng, trưởng ban thanh tra an toàn, bảo hộ lao động tại thành phố Hồ Chí Minh đã phải than thở rằng, tai nạn lao động đang tăng đến mức báo động.

Bà Quỳnh, từ Saigon nói với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi rằng, giới công nhân là thành phần phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất trong khi đi kiếm ăn, không ai có thể bênh vực họ. Bà yêu cầu nhà nước có biện pháp bảo vệ công nhân vì họ là những người góp phần vào việc phát triển kinh tế và đời sống.

Được biết, trong năm 2006, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 100 tai nạn lao động chết người, tăng 70% so với năm trước đó. Bước qua năm 2007, chưa đầy 3 tuần trên địa bàn thánh phố này xảy ra thêm 3 tai nạn chết người.

Ban thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động đã đề nghị khởi tố 6 chủ doanh nghiệp đã để xảy ra tai nạn nghiêm trọng làm chết người.