Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn


2007.08.26

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình văn học nghệ thuật tuần này Mặc Lâm mời quý vị theo dõi một tin tức có liên quan đến Tự Lực Văn Đoàn nhân Bộ Văn Hóa Thông Tin Việt Nam có công văn chính thức yêu cầu tỉnh Hải Dương là nơi sinh quán của dòng họ Nguyễn Tường tập trung tư liệu hình ảnh và gia phả của những nhân vật có tên trong Tự Lực Văn Đoàn để thành lập những khu kỷ niệm.

TuLucVanDoan200.jpg
Hình Xuân Diệu, Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ thời còn trong Tự Lực văn đoàn. Hình của wikipedia. >> Xem hình lớn hơn

Những nhà văn như Nhất Linh, NguyễnTường Tam, Nguyễn Tường Lân tức nhà văn Thạch Lam và Nguyễn Tường Long tức Hoàng Đạo được chính thức yêu cầu tỉnh Hải Dương xem xét và tập trung tài liệu xác minh những thành quả mà các nhà văn này đạt được. Việc nhà nước Việt Nam chính thức có những hành động cụ thể nhằm khôi phục lại vị thế của TLVĐ cho thấy tầm quan trọng của văn đòan này như thế nào trong lịch sử văn học Việt Nam.

Danh sách Tự Lực Văn Đoàn, theo nhà thơ Tú Mỡ công bố trên tạp chí Văn học số 5-6 năm 1938 và số 1 năm 1939, gồm có: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Trần Tiêu và Xuân Diệu.

Sau này còn có thêm những nhân vật tiếng tăm khác cộng tác chặt chẽ là nhà thơ Huy Cận, nhà báo Trọng Lang, nhà văn Thanh Tịnh, nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân là hai người dùng tài vẽ của mình để đóng góp trong những trang báo của tờ Ngày Nay, được xuất bản sau khi tờ Phong Hóa đóng cửa vào năm 1936.

Chủ trương thuần nhất

Theo Linh Mục Thanh Lãng thì nhóm Tuần báo Phong Hoá, tức Tự Lực Văn Đoàn là một văn đoàn đầu tiên có chủ trương thuần nhất, liên tục, có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm nhặt ràng buộc hội viên, có cơ quan ngôn luận riêng biệt, với mục tiêu đã được chỉ định minh bạch, có chương trình hoạt động được nghiên cứu kỹ lưỡng và được phân công rất thích đáng với tài năng của mỗi hội viên.

Tự Lực Văn Đoàn đã khai chiến quyết liệt với lực lượng khối cựu học, hay ít ra bị coi là cựu học ngay từ những bước đầu tiên.

Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam.

Hầu hết các nhà văn tên tuổi của thế hệ trước đều bị báo Phong Hoá chế diễu. Thành phần của TLVĐ cấp tiến, tuy ít, nhưng thuần nhất, tự đặt mình vào những kỷ luật chung, có sự kiểm soát chặt chẽ ; đàng khác, họ toàn là người mới, trẻ, thường xuất thân từ các trường Đại Học, hay Cao Đẳng ở trong nước hay ngoại quốc. Đó là các ông Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ...

“Tôn chỉ” của Tự lực văn đoàn được công bố trên báo Phong Hóa số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934 gồm 10 điểm, đúc kết lại trong nội dung " Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam."

Lãnh đạo TLVĐ là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Ông là một nhà văn xuất chúng, lại là một nhà cách mạng lỗi lạc chống thực dân và chống Cộng Sản, sinh năm 1905, là người con thứ ba trong một gia đình 7 người, trong đó có Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm bị Việt Minh thủ tiêu năm 1947, Nguyễn Tường Long tức Hoàng Đạo, mất năm 1948 tại Quảng Đông, Nguyễn Thị Thế mất tại Mỹ. Nguyễn Tường Lân, tức Thạch Lam mất năm 1942, và người con út là Nguyễn Tường Bách hiện đang sống tại Trung Quốc.

Năm 1932, cùng một số anh em, Nguyễn Tường Tam tức nhà văn Nhất Linh sáng lập tờ báo Phong Hóa có thể gọi là mở một thời kỳ mới trong văn học. Cùng với số nhà văn tài hoa, Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn, đánh dấu sự phồn thịnh văn học. Năm 1935, tờ Ngày Nay được xuất bản. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh phát động phong trào Ánh Sáng cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn, xây dựng nhà rẻ tiền cho người nghèo, chống lại các nhà ổ chuột ở các khu lao động.

Năm 1938, cùng với một số bạn hữu, Nhất Linh thành lập đảng Đại Việt Dân Chính. Năm 1941, do Pháp khủng bố, ông phải chạy sang Trung Quốc, kết hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng, và hợp tác với cụ Nguyễn Hải Thần. Năm 1945, tháng 11, ông trở về Hà Nội, tổ chức hàng ngũ quốc gia chống lại Việt Minh. Tháng 2 năm 46, ông giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Nhưng từ tháng 4-1946, ông lại sang Trung Quốc, lưu vong một lần nữa.

Năm 1947, vì phản đối việc thoả hiệp với Pháp, ông ở lại HongKong cho tới 1951, vì sức khoẻ yếu, ông về nước, với dự tính chỉ hoạt động về văn học. Nhưng tới 1959, ông lại tham dự Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết, chủ trương chống độc tài, xây dựng tự do dân chủ.

Nhiều tác phẩm nổi tiếng

Song song với các hoạt động chính trị, Nhất Linh được biết đến nhiều qua các tác phẩm nổi tiếng mà cho tới nay vẫn được yêu chuộng vì văn phong, tính cách và khuynh hướng cũng như chủ đề mới mẻ của chúng.

Nổi bật nhất trong các tiểu thuyết của Nhất Linh có thể kể: Người quay tơ, 1926 Gánh Hàng Hoa, viết chung với Khái Hưng, 1934 Nắng Thu, 1934 Đi Tây, 1935 Lạnh Lùng, 1935-1936 Hai buổi chiều vàng, 1934-1937 Thế Rồi một buổi chiều, 1934-1937 Đôi Bạn, 1936-1937 Bướm Trắng, 1938-1939 Xóm Cầu Mới, 1949-1957 Viết và Đọc tiểu thuyết, 1952-1961 và cuối cùng là tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy, 1960-1961

Nếu sự kiện đó là thật thì tôi nghĩ cũng không ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng dần dà rồi thì những hiện tượng trong lịch sử văn học mà nó có giá trị thật thì cuối cùng cũng sẽ được thừa nhận và theo tôi hiện nay trong nhiều địa phương cũng đang cố gắng tìm kiếm xem trong cái lịch sử xa hoặc gần những hiện tượng văn học văn hóa hay danh nhân để xây dựng nó lên để trở thành nội dung du lịch văn hóa cho nên nếu Hải Dương làm thì tôi nghĩ cũng rất hoan nghênh thôi.

Những dòng tiểu sử của nhà văn Nhất Linh cho thấy ông là người không khoan nhượng với độc tài, thực dân và suốt cuộc đời ông chừng như chỉ biết tranh đấu cho những người cùng khổ, nghèo hèn.

Qua các hoạt động văn học lấy ngôn ngữ làm vũ khí khai mở những con đường mà ông và nhóm TLVĐ cho là đứng đắn và cần thiết, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã lừng lẫy trong vai trò tiên phong xử dụng thành công quyền tự do ngôn luận làm vũ khí tranh đấu cho sự tồn vong của văn hóa dân tộc.

Ý kiến của những người trong và ngoài nước

Qua quyết định công nhận TLVĐ của Bộ Văn Hóa và Thông Tin vùa nói, chúng tôi ghi nhận những ý kiến trong và ngoài nước của nhiều người khác nhau nhưng cùng sinh hoạt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nhà phê bình lý luận Lại Nguyên Ân cho biết cảm tưởng của ông về việc này như sau:

“Nếu sự kiện đó là thật thì tôi nghĩ cũng không ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng dần dà rồi thì những hiện tượng trong lịch sử văn học mà nó có giá trị thật thì cuối cùng cũng sẽ được thừa nhận và theo tôi hiện nay trong nhiều địa phương cũng đang cố gắng tìm kiếm xem trong cái lịch sử xa hoặc gần những hiện tượng văn học văn hóa hay danh nhân để xây dựng nó lên để trở thành nội dung du lịch văn hóa cho nên nếu Hải Dương làm thì tôi nghĩ cũng rất hoan nghênh thôi.”

Còn bà Nguyễn thị Vinh, một thành viên cuối cùng của TLVĐ trong thời gian sau này thì cho biết: “Theo tôi thì vai trò chính trị và văn hóa luôn luôn mỗi một địa hạt một khác, còn những người làm chính trị mà lấn át văn hóa thì có một thời như thế. Có một thời người ta không nhận TLVĐ họ đem chính trị xen lẫn vào văn hóa bây giờ thì họ nhìn nhận thì tôi nghĩ cũng không lạ gì.”

Ông Cù Huy Hà Vũ, con ruột của nhà thơ Huy Cận và cũng là cháu của thành viên thứ tám của TLVĐ là nhà thơ Xuân Diệu cho biết:

“Theo quan điểm của tôi mà thực tế cũng là quan điểm của nhà thơ Huy Cận, cha tôi và kể cả nhà thơ Xuân Diệu trước khi mất thì theo các vị đó thì TLVĐ luôn luôn đóng một vai trò có thể nói là rất quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc cổ xúy nềnvăn chương hiện đại Việt Nam.

Bởi văn đoàn này đã được thành lập từ đầu những năm 30 và trong nhiều bài viết tôi đã khẳng định đây là hội nhà văn đầu tiên của Việt Nam. Không những chỉ đơn thuần văn chương mà TLVĐ còn đóng góp rất quan trọng trong việc hội nhập Việt Nam với văn hóa phương tây.”

Ý kiến của tôi đầu tiên là tôi rất hoan nghênh đối với việc này. Tôi nghĩ rằng cái việc đánh giá và ghi công đối với TLVĐ đáng lý đã được nhà nước Việt Nam thực hiện từ lâu rồi nhưng dù sao thì muộn vẫn còn hơn không. Đây là một khởi đầu tốt nếu quả là trên thực tế họ đứng đắn và quyết tâm làm công việc này.

Và cuối cùng là người có liên quan mật thiết nhất với nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đó là nhà văn Nguyễn Tường Thiết hiện sống tại tiểu bang Washington cho biết những suy nghĩ của ông sau đây:

“Ý kiến của tôi đầu tiên là tôi rất hoan nghênh đối với việc này. Tôi nghĩ rằng cái việc đánh giá và ghi công đối với TLVĐ đáng lý đã được nhà nước Việt Nam thực hiện từ lâu rồi nhưng dù sao thì muộn vẫn còn hơn không. Đây là một khởi đầu tốt nếu quả là trên thực tế họ đứng đắn và quyết tâm làm công việc này.

Bây giờ chúng ta cứ chờ xem họ có làm như họ nói không. Tôi có một số ý kiến về vấn đề nêu trên. Thứ nhất công việc đầu tiên của nhà nước họ nói là sẽ thu thập tài liệu về TLVĐ để căn cứ vào đó đánh giá TLVĐ. Vấn đề là, đó là những tài liệu nào? Liệu những tài liệ hay tư liệu ấy có trung thực hay không? Hay những tài liệu được viết bởi nghững người đã nhìn TLVĐ dưới nhãn quan của người cộng sản?

Một ý kiến nữa là trong mấy năm gần đây ở trong nước người ta hay nới tới việc đánh giá lại và phục hồi giá trị của TLVĐ. Tôi thiết nghĩ họ dùng những tiếng như phục hồi là sai vì tôi nghĩ giá trị của nhóm văn chươngnày đối với lịch sử văn học nước nhà là một điều hết sức hiển nhiên. Giá trị TLVĐ là một giá trị tự tại, bất chấp dưới bất cứ một thể chế chính trị nào và không bao giờ TLVĐ cần phục hồi giá trị.

Hơn nữa nhà nước Việt Nam đã sai lầm khi phủ nhận TLVĐ khiến cho việc nói tới TLVĐ đã thành húy kỵ trong một thời gian rất lâu nguyên nhân vì những người trụ cột đã đi theo con đường chống lại họ. Một ý kiến nữa của tôi là việc ghi công TLVĐ phải được thực hiện bằng tất cả thành tâm của nhà cầm quyền Việt Nam.”

Chúng tôi xin lấy lời phát biểu của Giáo sư Văn Tạo hiện sống và làm việc trong nước để kết luận phần 1 của bài viết về TLVĐ kỳ này, và mời quý vị theo dõi tiếp những kỳ sau viết về nhà văn Thạch Lam, Hoàng Đạo và Khái Hưng trong những tuần lễ sắp tới.

“Tuy các tác giả trong Tự lực văn đoàn mang ý thức hệ tư sản và lập trường cải lương tư sản nên ở một số tác phẩm không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung sáng tác của họ từ 1932 đến 1939 mang nhiều phẩm chất cách tân, nhiều giá trị ưu việt so với văn chương nhà Nho trước đó.

Về mặt nội dung tư tưởng, các tác phẩm của Tự lực văn đoàn thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục.

Cùng với ý thức đả kích những kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội là tinh thần cảm thông với những nỗi khổ cực, sự lam lũ bần cùng của người lao động; tinh thần đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo, bình đẳng, bác ái của thời kỳ Mặt trận Dân chủ”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.