Làm thế nào để tự vệ trước dịch bệnh tiêu chảy cấp?


2007.11.07

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Dịch tiêu chảy cấp đang bùng phát và lây lan nhanh chóng tại miền Bắc Việt Nam, với hàng trăm trừơng hợp đã nhập viện cấp cứu. Bệnh đáng sợ ở chỗ, nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ đồng hồ.

FoodVendorHealth200.jpg
Một quầy bán rau trái tại một chợ ở Hà Nội hôm 27-8-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Làm thế nào để người dân có thể tự vệ trước sự tấn công của dịch bệnh nguy hiểm này? Các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh là gì? Giới chuyên môn đề nghị biện pháp xử trí như thế nào khi mắc bệnh?

Nguyên nhân gây dịch bệnh

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, Bác sĩ Quang Đi, chuyên khoa tiêu hoá-ký sinh trùng, hiện đang hành nghề trong nước, cho biết nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh:

BS Quang Đi: Hiện nay tiêu chảy cấp ở Việt Nam xảy ra ở Miền Bắc, 11 tỉnh và thành phố Miền Bắc, mà nguyên nhân chính là do người dân không hiểu vấn đề vệ sinh, ăn uống không được sạch sẽ lắm. Chủ yếu hiện nay xác định được một số trường hợp ăn mắm tôm là một, thứ hai nữa là ăn rau sống hoặc là tiết canh của chó, hoặc là những trường hợp ăn không chín uống không sôi thì nó bị. Hiện nay 1/6, tức là 100 người trên 600 người, xác định là có nhiễm tả, nhưng mà nhiễm tả này chỉ có 1/6 thôi. Còn lại những nguyên nhân khác chưa thống kê lại được.

Trà Mi: Thưa, Bác Sĩ vừa nói nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thực phẩm không được vệ sinh

BS Quang Đi: Đúng rồi!

Trà Mi: Nhưng mà an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam lâu nay đã là một vấn đề rất đáng quan ngại, chưa thể quản lý được. Trong khi đó dịch tiêu chảy cấp thì mới xuất hiện gần đây thôi.

BS Quang Đi: Cái vấn đề ở Việt Nam mình trung bình ở Bộ Y Tế thống kê mỗi tháng ở Việt Nam có trên 70 ngàn người mắc bệnh tiêu chảy cấp, nhưng nó ở rải rác khắp nơi ở Việt Nam. Còn đợt này nó bùng phát một đợt dịch mang tính chất khẩn cấp hơn. Và tất nhiên nó có sự liên quan, tại vì dân ở Việt Nam chưa có ý thức được vấn đề vệ sinh, vấn đề ăn uống, cho nên việc xảy ra lẻ tẻ nhiều hơn, giống như hàng ngày rồi, nhưng mà đợt này nó có vẻ, logic là nó di chuyền.

Trà Mi: Thưa Bác Sĩ, nếu xác định nguyên nhân là do thực phẩm thì có xác định loại virus nào mà khiến cho bùng phát thành một cái dịch tiêu chảy cấp như vậy?

BS Quang Đi: Đến hiện nay thì chưa cảm thấy được cái loại virus, vi khuẩn nào chắc chắn, nhưng mà nó là tả thì nó chiếm 1/6, còn lại người ta đang tổng kết những loại vi khuẩn hay hướng khác thì đang chờ kết quả sau này.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Trà Mi: Nói một cách tổng quát, khi vi trung xâm nhập cơ thể con người qua đường thức ăn thức uống thì quá trình tác động của nó như thế nào, Bác Sĩ có thể phân tích một cách cụ thể được không?

BS Quang Đi: Mình theo định nghĩa tiêu chảy cấp, tức là mình bị tiêu chảy trong vòng 24 tiếng mà trên 3 lần một ngày. Và số lượng phân là trên 200 gam trên một ngày. Thường thường dưới 7 ngày là tiêu chaỷ cấp. Mình chia làm 2 loại: loại tiêu chảy cấp do viêm nhiễm và tiêu chảy cấp không do viêm nhiễm.

Tiêu chảy cấp do viêm nhiễm là những trường hợp do virus xâm nhập trực tiếp vào những màng tế bào thì nó gây triệu chứng như là đau bụng, bệnh nhân sốt, bệnh nhân tiêu chảy có phân có máu hàng ngày, hoặc là phân rất nhiều nước nhày nhụa máu.

Tiêu chảy không do viêm tức là tiêu chảy nước thôi, không có nhày nhụa máu. Đa số những trường hợp tiêu chảy không do viêm thì ít khi sốt.

Những nguyên nhân gây tiêu chảy do viêm thì một số virus như Cytome- -galovirus, hoặc ký sinh trùng do amip chẳng hạn. Vi khuẩn có nhiều loại lắm, có thể là Shigella hoặc là Salmonella , những vi khuẩn trực khuẩn lỵ hoặc thương hàn hoặc tả.

Còn loại không do viêm thì nó gây tiêu chảy nước và không gây ra máu mủ trong phân, không gây sốt. Những trường hợp đó đa số do virus là một, thứ hai là một số ký sinh trùng như Giardia. Một vi khuẩn gây ra hiện tượng tiêu chảy không viêm đa số là E-coli.

Còn những nguyên khác như do thuốc, do độc tố, thì những nguyên nhân khác thì mình chia làm nhóm khác.

Trà Mi: Thưa Bác Sĩ, nói về tiêu chảy cấp thì xin được hỏi thăm Bác Sĩ, nếu như không điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến những biến chứng tai hại như thế nào?

BS Quang Đi: Về bệnh tiêu chảy được chia ra làm 3 mức độ. Loại nhẹ, bệnh nhân có thể uống nhiều nước để khỏi bệnh. Nó chiếm khoảng chừng 50%, còn khoảng chừng 30% còn lại là mức độ trung bình đến nặng thì bệnh nhân có thể dùng thuốc.

Hiện tại ở Việt Nam mình chưa có ca nào tử vong do bệnh nhân ý thức được vấn đề: xuất hiện bệnh thì đi nhập viện sớm hoặc đi khám bệnh sớm, cho nên bác sĩ ngăn chận kịp thời nên không có ca nào tử vong.

Còn những trường hợp bệnh rất là nặng, có thể trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ bệnh nhân có thể tử vong vì lúc đó bệnh nhân đi tiêu rất là nhiều, có thể mất nước từ 10 đến 20 lít nước trong mấy tiếng đồng hồ thôi, thì trong trường hợp đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Nhưng ở Việt Nam mình chưa có ca nào.

Các phương pháp điều trị

Trà Mi: Cũng xin được hỏi thăm Bác Sĩ về phưong pháp điều trị đối với tiêu chảy cấp. Khi mà phát hiện tiêu chảy cấp thì bệnh nhân có được khuyên về các biện pháp xử lý ngay tại nhà như thế nào không?

BS Quang Đi: Hiện nay Bộ Y Tế đưa ra cái phác đồ chung cùng những hướng dẫn chung cho bác sĩ thì vấn đề thứ nhứt là phòng ngừa là trước, là mình phải ăn chín uống sôi, tất cả thức ăn đều nên nấu chín, đặc biệt là rau phải ăn chín.

Ví dụ như có triệu chứng thì nếu triệu chứng nhẹ thì mình uống nước để bù mất nước. Chẳng hạn bệnh nhân biết Orésol hoặc là những viên nitric, hoằc là nước sôi, nấu nước vo gạo cũng được, trong đó mình bỏ một phần muối, 20 phần đường.

Bệnh nhân ở Việt Nam thường thường người ta rất là quen với vấn đề đó. Còn nếu mà sốt thì đi khám bác sĩ gần nhất thì bác sĩ có một phương án điều trị phân biệt loại nhẹ, trung bình hay nặng và tuỳ mức độ mà bác sĩ điều trị.

Trà Mi: Trong dân gian cũng có lưu truyền những phương pháp thường được sử dụng để điều trị tiêu chảy như là uống nước đường hay là nước gừng nóng, thì lời khuyên của giới chuyên môn đối với liệu pháp này ra sao?

BS Quang Đi: Nói chung là cũng có tác dụng một phần nào đó thôi. Đối với trường hợp nhẹ hay không có triệu chứng thì cũng tự giới hạn, thì bệnh nhân cũng có thể dùng phưong pháp này đối với trường hợp nhẹ. Nhưng mà nếu trường hợp sau 2-3 tiếng đông hồ hoặc là trong thời gian ngắn mà bệnh nhân đi tiêu nhiều hơn, đau bụng nhiều hơn, có dấu hiệu sốt, hoặc đi tiêu có đàm máu, thì bệnh nhân phải đến bác sĩ hoặc đến nơi gần nhất.

Trà Mi: Thưa Bác Sĩ, cũng có người có thói quen hễ mà có triệu chứng của bệnh tiêu chảy thì đi ra quầy thuốc tây mua những loại thuốc thông thường đang bán tại quầy như Immodium... thì những thói quen này có tốt hay không đối với dịch tiêu chảy cấp này? Làm những việc đó thì có lợi hại nào đáng kể hay không?

BS Quang Đi: Đúng rồi, ở Việt Nam hay có thói quen là tự đi mua thuốc ở những tiệm thuốc Tây nên cũng dẫn tới tình hình người ta có thể dùng kháng sinh, dùng những thuốc đơn giản có thể đáp ứng một số trường hợp. Nhưng một số trường hợp nặng, mà nếu mình đi tiêu chảy nhiều quá lại dùng Immodium thì nó lại không có lợi cho bệnh nhân, tại vì lúc đó trường hợp nặng vi trùng sẽ ở lại trong ruột và diễn tiến nặng hơn. Cho nên cái lợi của nó, tức là những trường hợp nhẹ thì có lợi, nhưng trường hợp đại đa số là hại nhiều hơn.

Ở Việt Nam vấn đề quản lý thuốc chưa chặt chẽ như nước ngoài cho nên đó là một trong những nguyên nhân làm cho kháng thuốc sau này.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trà Mi: Như vậy lời khuyên của giới chuyên môn hiện cần nhất là nên xử trí như thế nào?

BS Quang Đi: Thứ nhứt là phòng ngừa. Ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Tất cả thức ăn đều phải đậy kỹ hết. Nếu trường hợp tiêu chảy nhẹ, tức là trường hợp không có sốt, đau bụng ít, tiêu chảy không có máu mũ, thì mình có thể dùng những thuốc đơn giản hơn. Có thể uống nước gừng, hoặc những nước Oresol có sẵn, và những thứ thuốc thông thường. Immodium dùng trong trường hợp nhẹ hơn.

Nếu trường hợp bệnh nhân có sốt, đau bụng nhiều, tiêu phân nhầy nhụa máu, hoặc mất nước chẳng hạn, thì nên đi khám nơi gần nhất.

Trà Mi: Hồi nãy Bác Sĩ có nói là ăn chín uống sôi là một phương pháp rất quan trọng để bảo vệ sức khoẻ, nhưng ở Việt Nam thì một trong những món ăn rất quen thuộc của người Việt Nam là ăn rau sống để cuốn hoặc ăn gỏi chẳng hạn, thì những rau sống đó không thể nấu chín mà ăn được thì Bác Sĩ có lời khuyên nào giúp bảo vệ vệ sinh?

BS Quang Đi: Về rau sống hiện nay ở Việt Nam mình cảnh báo người dân rất là nhiều. Các thông tin đại chúng, báo đài hàng ngày vẫn khuyên rau luộc là tốt nhất, tại vì hiện nay rửa dùng phương pháp gì chăng nữa thì vi trùng vẫn còn sống, nên báo đài khuyên rất là nhiều về vấn đề này.

Trà Mi: Cho dù là rửa bằng phương pháp dùng thuốc tím hay dùng nước muối cũng không bảo đảm được?

BS Quang Đi: Cũng không bảo đảm được 100%.

Trà Mi: Còn đối với những loại tiết canh hoặc là huyết thì sao?

BS Quang Đi: Huyết thì ở Việt Nam hay xài lắm, nhưng cái đó hiện nay cũng không nên ăn những đò đó nữa.

Trà Mi: CÒn những trường hợp bị tiêu chảy cấp nhập viên ở Việt Nam hiện nay thì đối với thời gian cũng như chi phí điều trị, trung bình điều trị khoảng chừng bao lâu và chi phí có cao không ạ?

BS Quang Đi: Hiện nay nhũng bệnh nhân ở Việt Nam thì đa số chi phí không cao lắm, tại vì thứ nhứt là bệnh nhân đến sớm cho nên mình bù nước dịch điện giải thì không nhiều, còn kháng sinh thì hiện nay đáp ứng rất là tốt. Cho nên hiện giờ những ca nặng đa số là đáp ứng, còn trong thời gian theo dõi những ca bệnh nặng thì tỷ lệ thấp.

Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Bác sĩ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.