Làm thế nào giải quyết các quyết định hành chánh trái với luật lệ và Hiến pháp Việt Nam

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Trong phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ngày 27 tháng 8 vừa qua, Bộ Trưởng Tư Pháp Việt Nam Uông Chu Lưu nêu hiện tượng một số quyết định hành chánh do các cơ quan trung ương cũng như địa phương ban hành không phù hợp theo tinh thần Hiến pháp.

AdvertisingTraffic200.jpg
Bộ Công an qui định mỗi người chỉ được đăng ký một xe mô tô hoặc một xe gắn máy. AFP PHOTO

Điển hình là thông tư 02 ngày 13 tháng giêng năm 2003 của Bộ Công an qui định mỗi người chỉ được đăng ký một xe mô tô hoặc một xe gắn máy. Trường Văn tìm hiểu thêm và trình bày như sau.

Theo số liệu của chính phủ, trong thời gian từ tháng 11 năm 2003 cho đến tháng 5 năm 2005, các bộ, ngành đã phát hiện trên 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật trong tổng số 3.632 văn bản được kiểm tra.

Được hỏi về phương cách giải quyết những văn bản trái luật này, Bộ Trưởng Tư Pháp Uông Chu Lưu nêu ra các phương cách sau đây:

Trước tiên, chính Bộ hay cơ quan ban hành phải sửa đổi hoặc bãi bỏ. Nếu không thì Thủ Tướng hoặc Quốc Hội sẽ có quyết định đình chỉ những văn bản vi luật mà các bộ hay ban ngành không chịu bãi bỏ.

Tại địa phương, chỉ có Ủy Ban Nhân Dân và Hội Đồng Nhân Dân cấp Tỉnh mới có quyền bãi bỏ những văn bản trái với qui định của pháp luật. Trường hợp Ủy Ban Nhân Dân không hủy bỏ thì Thủ Tướng sẽ phải can thiệp vào.

Một ví dụ điển hình được Bộ Trưởng Tư Pháp Uông Chu Lưu nêu ra để các đại biểu chuyên trách Quốc hội thảo luận là thông tư 02 ngày 13 tháng Giêng năm 2003 của Bộ Công An qui định “mỗi người chỉ được đăng ký một xe môtô hoặc xe gắn máy”.

Bộ Trưởng Tư Pháp Uông Chu Lưu cũng như Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Trần Thế Vượng đều đồng ý là thông tư số 02 của Bộ Công An hạn chế quyền sở hữu của công dân được qui định trong điều 58 Hiến Pháp 1992 cũng như vi phạm khỏan một, điều 221 bộ luật Hình sự là công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số lượng cũng như giá trị.

Ông Trần Thế Vượng phân tích là qui định này không phải là giải pháp hữu hiệu làm giảm tai nạn cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vì ông cho rằng: “một người dù mua nhiều xe nhưng ra đường chỉ sử dụng được một chiếc.”

Tuy nhiên, khi hỏi chuyện một luật sư cũng như một cư dân thành phố Hồ Chí Minh thì cả hai đều tán đồng qui định một người một xe gắn máy và không người nào biết là qui định này trái luật Hình sự cũng như Hiến Pháp cả: "Saigon đông đúc quá, cần phải qui định như vậy."

Ông Luật sư lại cho rằng: "Nhiều khi phải hạn chế quyền tự do của công dân để tránh tình trạng lạm quyền, ví dụ như là."

Trường hợp điển hình kể trên chứng minh rằng nếu vì nhu cầu thực tế cần phải ban hành một qui định nào đó thì cơ quan ban hành phải rà xét lại luật lệ liên hệ. Trường hợp thấy có sự vi phạm thì phải kiến nghị lên cấp cao hơn để sửa đổi họăc điều chỉnh. Đó cũng là kết luận của Bộ Trưởng Tư Pháp Uông Chu Lưu.