Người dân trong nước nghĩ gì về vụ kiện chất độc da cam


2005.03.14
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Việt Long, phóng viên đài RFA

Thẩm phám tòa liên bang Hoa Kỳ ở New York đã tuyên bố bác đơn kiện 37 công ty hoá chất Mỹ do Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đệ nạp. Lý do, trích đọc nguyên văn là, “Tuyên bố của nguyên đơn - tức phía Việt Nam - là không có cơ sở theo luật pháp của bất kỳ nước nào, dân tộc nào hay theo bất kỳ bộ luật quốc tế nào”.

Chiến trường Việt Nam ngày 16 tháng 5 năm 1966. AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES

Đại diện phía nguyên đơn đã cực lực phản bác phán quyết này, và tuyên bố sẽ chống án đến cùng. Người dân trong nước có suy nghĩ ra sao? Việt-Long hỏi thăm bạn trẻ Lê Phương để tìm hiểu thêm. Mời quý vị nghe Lê Phương.

Lê Phương: Tất nhiên là khi nghe tin bị bác đơn thì chẳng ai vui cả, nhưng thực sự thì với những người mà có một chút hiểu biết cũng như theo dõi sát vụ kiện da cam này thì cũng không bất ngờ lắm. Đương nhiên là các công ty hoá chất Mỹ họ sẽ tìm đủ mọi cách để mà rũ trách nhiệm rồi.

Em nghĩ là vụ kiện này nó sẽ là một cuộc chiến pháp lý lâu dài và việc mà toà bác đơn kiện đó thì nó mới chỉ là phán quyết bước đầu thôi chứ chưa phải là chấm hết tất cả.

Chắc chắn là những người có trách nhiệm họ đã tính trước đến cái khả năng bị bác đơn này, và phía Việt Nam còn không ít cơ hội để kháng án hoặc là tiếp tục kiện tiếp cho đến lúc thành công bởi vì mình chuẩn bị kỹ lắm và cũng được sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế nữa.

Việt Long: Có phải Lê Phương muốn nói đến những chiến dịch vận động dư luận thế giới, mà chẳng hạn đơn cử như là Hội thảo quốc tế về chất da cam do hội hữu nghị Pháp-Việt AAFV tổ chức đang diễn ra tại Paris, và sự lên tiếng của một số hội nhân đạo và hữu nghị ở Hoa Kỳ, phải không?

Lê Phương: Dạ vâng. Đấy là ở bình diện quốc tế. Chỉ hơi tiếc một điều là cái vụ kiện này nó lại không dành được sự ủng hộ của bà con Việt Kiều mình tại Mỹ. Giá như Việt Kiều mình cũng biểu tình như là bà con đã từng biểu tình lên án Trung Quốc khi mà TQ nó bắn giết ngư dân mình ở Vịnh Bắc Bộ hồi đầu tháng một vừa qua thì chắc chắn là cái hiệu quả của công vịêc vận động nó sẽ tăng lên rất nhiều và khả năng thắng kiện cũng chắc chắn hơn, bởi vì với số lượng đông đảo gần 2 triệu đồng bào mình ở Mỹ thì tiếng nói của họ rất có trọng lượng đối với công luận nước Mỹ và thế giới.

Việt Long: À, đó là một vấn đề mình có thể sẽ trao đổi. Nhưng mà ở trong nước có nói lý do tại sao người Việt nuớc ngòai lại không biểu tình ủng hộ không?

Lê Phương: Nhà nước thì không bảo là tại sao cả, còn dân mình thì cũng chẳng thắc mắc gì, đó chỉ là ý kiến của em thôi.

Việt Long: Thế hiện nay thì việc trợ cấp có đầy đủ và nhanh chóng không?

Lê Phương: Nói chung thì cũng có nhưng không phải ai cũng được, mà cái này thì nhiều lý do lắm. Cũng có cả lý do về thủ tục nữa. Nhưng nói chung thì dù có được trợ cấp cũng chẳng đáng là bao.

Việt Long: Sao vận động mạnh thế mà trợ cấp lậi chẳng là bao? Nhưng bạn có biết mức trợ cấp cụ thể là bao nhiêu không?

Lê Phương: Cũng qua mấy lần tăng rồi thì bây giờ mới được 300 ngàn/người/tháng. Đó là mức cao nhất đấy, còn thấp hơn thì chỉ được 170 hoặc là 165 ngàn/tháng thôi. Nhìn chung với cái giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hiện nay thì chừng đó ăn còn thiếu, chứ chưa nói đến chuyện mua thuốc chữa bệnh nữa. Xem trên truyền hình, nhất là các báo đấy thì ngày nào cũng có đăng những trường hợp kêu gọi bạn đọc gần xa mở lòng giúp đỡ. Thương lắm.

Việt Long: Thế nhưng theo như tôi được biết thì ở trong nước đã tiến hành những đợt tuyên truyền vận động rất rầm rộ dứoi nhiều hình thức, như là nhắn tin qua điện thoại di động, rồi thì ký tên ủng hộ, thế bạn Lê Phương có ký không?

Lê Phương: Dạ vâng, tất nhiên là em có ký ủng hộ chứ, đồng bào mình mà. Nhiều người còn quyên góp tiền nữa.

Việt Long: Nhu vậy thì những sự giúp đỡ của đồng bào trong nước dành cho phong trào vận động này có phần nào bù đắp được sự thiếu hụt mà bạn vừa nói không?

Lê Phương: Không ăn thua, vì tiềm lực của dân thì cũng chỉ có hạn, tổng cộng độ dăm bẩy tỷ thôi, nếu thực sự muốn cải thiện đời sống các nạn nhân này thì phải lấy từ ngân sách nhà nước chứ. Thật ra thì ngay bản thân cái tên của phong trào này nó cũng nói lên điều đó rồi, “Xoa dịu nỗi đau da cam”, ngay những nhà tổ chức, tức là nhà nước đấy, cũng chỉ nói là “xoa dịu” thôi mà. Chỉ xoa dịu phần nào thôi.

Việt Long: Vậy thì bạn có nghĩ là việc tuyên truyền rầm rộ của Nhà Nước Việt Nam trong suốt thời gian qua là để nhằm kêu gọi sự ủng hộ của thế giới như bạn đã nói?

Lê Phương: Vâng, ngoài ra thì nó còn nhằm cuốn hút người dân, nhất là thanh niên vào các phong trào hoạt động dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đó là cái mục tiêu lâu dài bởi vì thực chất thì nhiều phong trào hoạt động đoàn thể hiện nay do nhà nước tổ chức và kiểm soát, ngoại trừ cái mùa hè xanh tình nguyện, đa phần thì nó không còn nhận được sự hưởng ứng của thanh niên nữa.

Việt Long: Chắc đây là ý kiến riêng của bạn phảikhông? Vậy là một mũi tên bắn hai con chim. Nhưng mới hôm thứ năm này thì toà án liên bang Hoa Kỳ ở quận Brooklyn đã bác bỏ đơn khiếu kiện do phía Hội nạn nhân Việt Nam đệ nạp, lý do toà đưa ra là việc khiếu kiện không có cơ sơ pháp lý, thế trước cái diễn biến đó thì những người xung quanh mà Lê Phương biết họ đánh giá ra sao?

Lê Phương: Tất nhiên đáng lý ra mình kiện chính phủ Mỹ thì hợp lý hơn, vì họ ra lệnh rải chất khai quang diệt cỏ mà, nhưng vì nhà nước Việt Nam đã ký thoả ước không đòi đền bù chiến tranh để Mỹ bỏ cấm vận, cho nên bây giờ Việt Nam chỉ có thể kiện các công ty hoá chất thôi.

Mà em cho là cũng đúng, bởi vì 37 công ty này vì mục đích diệt cỏ nhanh hơn, tức là để hàng của mình được chú ý hơn mà cố tình cho hàm lượng dioxin cao hơn gấp hàng trăm lần quy định như vậy, tức là họ đã vi phạm đạo đức sản xuất và bán hàng, nên bây giờ họ phải trả giá.

Hơn nữa thì nước Mỹ cũng phải có trách nhiệm đạo lý nữa chứ. Đây là vấn đề giữa con người với nhau. Đa phần mọi người và ngay bản thân em đều tin là cuối cùng thì kiểu gì Việt Nam vẫn thắng kiện hoặc chí ít thì các công ty Mỹ cũng phải đền một số tiền nào đó để Việt Nam rút lại đơn kiện.

Việt Long: Thực ra thì vụ án có thể có những khía cạnh pháp lý phức tạp lắm, nền pháp lý công chính không dễ dàng bị ảnh huởng dư luận như các bạn nghĩ đâu, và cũng còn khá nhiều thông tin liên quan mà các bạn chưa biết đến. Nhưng thôi, cứ giả dụ nếu sau này được đền bồi gì đó thì bạn hẳn là phải vui mừng chứ, hay là còn phải vận động gì nữa?

Lê Phương: Không ít người ở trong nước thì họ cho là ngoài việc tiếp tục đi kiện ra vấn đề quan trọng nhất phải tính đến ngay lúc này là làm thế nào để mà tiền đó đến được tay các nạn nhân trọn vẹn nhất, chứ không lại giống như quần áo Sida thì chết.

Việt Long: Sao lại quần áo Sida? Quần áo Sida thì liên quan gì đến chất độc da cam nhỉ...

Lê Phương: À, cái này thì anh Việt Long ở bên kia nên không biết. Sida ở đây không phải là bệnh Sida, tức là HIV/AIDS đâu. Mấy năm trước ấy thì cái Tổ chức SIDA của Thuỵ Điển, nó là một cái tổ chức từ thiện đấy, đại loại thế, với lại một số những tổ chức từ thiện của quốc tế khác nữa, họ viện trợ cho các đồng bào bị bão lụt mới lại những người nghèo của mình đấy những cái công ten nơ quần áo cũ dùng rồi, tức là đồ second-hand.

Đến được tay đồng bào bão lụt hay không thì không biết, chỉ thấy là ngay sau đó thì những cái quần áo này được đem bán ở bên ngoài, vì thế nên mới hình thành lên hai cái chợ quần áo Sida nổi tiếng Hà Nội nằm ở vỉa hè đường Chùa Bộc với lại phố Kim Liên đấy.

Việt Long: Tức là một số người trong nước sợ là số tiền mà các công ty hoá chất Mỹ sẽ đền bù cho các nạn nhân chất độc da cam có khả năng bị hao hụt, xà xẻo, phải không? Nhưng pháp nhân nào đứng ra kịên vá giả dụ được tiền bồi thuờng thì cũng phải có cơ chế phân phát cho đúng chứ?

Lê Phương: Mấy chục nạn nhân đứng đơn kiện và Hội nạn nhân chất độc da cam chỉ là thay mặt cho hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam thôi. Nếu khi nào mà có tìên đền bù thì chắc chắn là nhà nước, mà khả năng là Mặt trận tổ quốc thay mặt đứng ra để nhận và phân phát số tiền đó. Em cũng cho rằng điều này là đúng đắn và rất cần thiết, bởi vì chỉ có nhà nước mới nắm rõ và có hồ sơ về những nạn nhân này.

Tuy nhiên thì có lẽ cũng phải có ngay những biện pháp tránh trường hợp móc ngoặc, khai gian. Không thì lại xảy ra trường hợp gian dối, người đáng được đền thì không, kẻ không thì lại được, rốt cuộc chỉ béo bọn tham quan.

Việt Long: Bệnh tật do chất độc da cam thì kể ra cũng khó khai gian nói dối đấy chứ?

Lê Phương: ... Đến ngay như mộ liệt sỹ mà nó còn làm giả được để moi tiền nhà nước nữa là... nhưng mà em nghĩ là cái vụ phân chia tiền đền bù chất độc da cam này có lẽ là sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy đâu. Bởi vì thế giới và cả nước trông vào mà, hơn nữa nếu ngay như tiền đền bù cho nạn nhân chất độc da cam mà cũng có đứa bòn rút thì dân người ta vặn cổ, con giun xéo lắm cùng quằn.

Tất nhiên vụ kiện chất da cam này là một cuộc chiến pháp lý lâu dài nhưng em tin là cuối cùng Việt Nam sẽ thắng và tiền đền bù sẽ đến được tay tất cả các nạn nhân mà không thiếu một xu. Trên đời này phải còn có công lý chứ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.