Chất Da cam: sẽ có ai chịu trách nhiệm?

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Năm, các luật sư đại diện cho những nạn nhân chất da cam Việt Nam đã gởi văn bản phản hồi các ý kiến của luật sư đại diện các công ty hóa chất Hoa Kỳ đến Tòa Phúc thẩm Lưu động số 2 ở New York. Phiên xử được nhiều chú ý này có thể diễn ra vào tháng Tư. Lê Dân tìm hiểu thêm một số diễn tiến xoay quanh vụ này và tường trình như sau.

0:00 / 0:00
AgentOrangeVictims200.jpg
Các em nạn nhân chất da cam Việt Nam hôm 10-8-2004. AFP PHOTO

Cuộc chiến Việt Nam kết thúc đã hơn 30 năm qua, nhưng ngoài hàng ngàn cựu binh Hoa Kỳ còn cả mấy triệu người Việt Nam, cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, tiếp tục gánh chịu những hậu quả chiến tranh gây ra, trong số đó có thuốc diệt cỏ, còn gọi là chất Da Cam.

Trong bài này, chúng tôi xin phép không đề cập gì tới khía cạnh pháp lý và phiên Phúc thẩm sẽ diễn ra vào tháng Tư, mà chỉ xin trình bày một số diễn tiến trong công luận Hoa Kỳ về việc giải quyết hậu quả thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Sau hơn ba thập niên chiến tranh kết thúc, nhân vật có nhiều hiểu biết về việc sử dụng chất Da Cam có lẽ không ai hơn cựu tướng Alexander Haig. Ông từng là phó Trợ lý Đặc biệt cho bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, cố vấn quân sự cao cấp cho ông Henry Kissinger, đặc sứ của Tổng thống Nixon chuyên trách trao trả tù binh chiến tranh Việt Nam, tư lện tối cao NATO thời các Tổng thống Ford và Carter, và sau cùng là Ngoại trưởng Hoa Kỳ thời Tổng thống Reagan.

Không nằm trong chủ ý

Trong buổi hội thảo về chiến tranh Việt Nam và các thời Tổng thống Mỹ vừa tổ chức hồi đầu tháng tại Boston, cựu tướng Alexander Haig đã thẳng thắn trả lời rằng việc dùng chất Da Cam là không nằm trong chủ ý của bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông nói mọi việc đã rồi. Nó xảy ra không nằm trong chủ ý, không ai cố tình dùng nó cả. Rằng người Mỹ chỉ muốn khai quang những khu vực quân xâm nhập hay lui tới mà không bị cản trở gì. Họ giết chóc người vô tội, gồm cả đàn bà và trẻ em miền Nam Việt Nam.

Thật ra, vào thời gian những thập niên 60, 70 thì không ai biết hậu quả tai hại do những hóa chất gây ra, ngay như thuốc DDT thường được xem là thần dược để diệt muỗi mòng chống bệnh sốt rét lây lan, mà sau cũng bị Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm sử dụng trên toàn cầu.

Đến khi các hậu quả do hóa chất gây ra trở thành hiển nhiên thì không còn ai chối cãi được nữa. Chính người Mỹ cũng không bao giờ dám ăn tôm cá câu được ở các sông suối, mà chỉ dùng hải sản đánh bắt ngoài biển khơi. Lý do cũng là sợ dư lượng hóa chất từ những loại thuốc diệt cỏ, phân bón...mà người dân hay dùng chăm bón cho vườn nhà rồi chảy theo nước mưa xuống sông suối.

Do đó mà hệ quả tai hại đến sức khỏe con người tuy có tranh cãi, nhưng trong thâm tâm ai cũng thừa nhận. Vấn đề mà Tòa Phúc Thẩm Lưu động số 2 ở Brooklyn, New York, sẽ phán quyết ra sao, 37 doanh nghiệp hóa chất Hoa Kỳ có sẽ phải bồi thường hay không, mới là trọng tâm thu hút sự chú ý của công luận thế giới.

Trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn và quan trọng hơn mà nhiều người đặt ra và ít khi được trả lời thỏa đáng, là như vậy thì liệu trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ đến đâu trong vụ này. Washington ra lệnh đặt mua và rải thuốc diệt cỏ ở Việt Nam, lẽ ra phải chịu trách nhiệm bồi thường nhiều hơn các công ty hóa chất mới đúng lý chứ?-

Câu hỏi đó được cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Pete Peterson, cho biết là khi Hà Nội muốn nối lại bang giao và được bỏ lệnh cấm vận kinh tế, đã thỏa thuận cùng Washington là sẽ không đòi bồi thường chiến tranh, kể cả đền bù hậu quả do chất Da Cam gây ra.

Đó là do sự thỏa thuận giữa hai chính phủ khi nối lại bang giao. Dù vậy, về mặt trách nhiệm đạo đức, cựu đại sứ Pete Peterson ngỏ ý ngạc nhiên là Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi, giao tranh với Hoa Kỳ mà khi hết chiến tranh Washington lại không trợ giúp gì nhiều để khắc phục hậu quả chiến cuộc.

Người tiền nhiệm của đại sứ Peterson là đại sứ Ray Burghardt từng nổi tiếng với câu ví von rằng vấn đề chất Da Cam là bóng ma cuối cùng làm u ám mối quan hệ hai nước mà Hoa Kỳ cần phải khắc phục.

Khi giành cho một nhóm nhỏ ký giả chúng tôi cuộc phỏng vấn vội, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger cho biết không ủng hộ giải pháp đền bù thiệt hại chiến tranh, nhưng về vấn đề chất Da Cam thì ông cảm thấy có thể cởi mở hơn.

Lời bộc bạch của một chính khách năm nay đã 83 tuổi, nhìn lại những gì đã thấy và tham gia hồi ba thập niên trước, có lẽ có nhiều giá trị hơn là những gì mà Tòa Phúc thẩm Lưu động số 2 sẽ phán quyết ở New York vào tháng tới.