Ðối đáp của các Công ty Hóa chất Hoa Kỳ về vụ kiện chất da cam


2005.02.27

Nguyễn An - Nguyễn Minh Quang

Tiếp tục theo dõi vụ khiếu nại về chất da cam của Hội Nạn nhân Chất Da cam/Dioxin Việt Nam (HNNCDC/DVN) và một số công dân Việt Nam đang diễn ra tại tòa án liên bang ở Brooklyn, New York, chúng tôi được biết luật sư đại diện cho các công ty hóa chất Hoa Kỳ, đứng đầu là Dow Chemical và Monsanto, đã gởi văn kiện đến tòa án để trả lời phản bác của phía Việt Nam, được đệ nạp lên tòa trong tháng 1 năm 2005 vừa qua.

Ðể tìm hiểu thêm chi tiết về diễn biến mới nhất của vụ khiếu nại về chất da cam của Việt Nam, chúng tôi có trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Hỏi: Trước hết, xin Kỹ sư cho biết tin tức về các văn kiện mà luật sư bên bị đơn đã đệ nạp tại tòa án Brooklyn, New York.

Ðáp: Thưa anh, theo đúng lịch trình được chánh án Weinstein quy định, ngày 8 tháng 2 năm 2005, luật sư bên bị đơn đã đệ nạp lên tòa án Brooklyn 23 văn kiện dày hơn 800 trang để trả lời các phản bác mà luật sư bên nguyên đơn Việt Nam đưa ra vào ngày 18 tháng 1 năm 2005.

Trong số các văn kiện nầy, có 4 văn kiện yêu cầu tòa bác bỏ việc tái xét vụ kiện của hai cựu chiến binh Isaacson và Stephenson. Ðối với các văn kiện có liên quan đến Việt Nam, bên bị đơn đưa thêm những lập luận, dữ kiện, và án lệnh để chứng minh rằng vụ khiếu nại của Việt Nam là không có cơ sở pháp lý.

Quan trọng nhất là năm văn kiện có tiêu đề

(1) “Biên bản ghi nhớ về luật pháp của bị đơn để hổ trợ cho yêu cầu bác đơn đòi bồi thường về thương tật cá nhân dựa theo luật giới hạn thời gian,”

(2) “Biên bản ghi nhớ về luật pháp của bị đơn để hổ trợ cho yêu cầu bác đơn khiếu nại dựa trên luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ,”

(3) “Biên bản ghi nhớ về luật pháp của bị đơn để hổ trợ cho yêu cầu loại bỏ HNNCDC/DVN và các khiếu nại của Hội về ô nhiễm môi trường.”

(4) “Biên bản ghi nhớ để hổ trợ cho yêu cầu bác bỏ đơn khiếu nại của tất cả các nguyên đơn vì thiếu cơ sở pháp lý và ngoài thẩm quyền của tòa án,” và

(5) “Phản bác của Dow Chemical đối với yêu cầu gia hạn để điều tra về chất màu trắng và đề nghị bác bỏ khiếu nại có liên quan đến chất màu trắng.”

Hỏi: Ðối với việc đòi bồi thường thương tật cá nhân của các nguyên đơn Việt Nam, bên bị đơn đối đáp như thế nào, thưa Kỹ sư?

Ðáp: Ðối với việc đòi bồi thường thương tật cá nhân, bên bị đơn vẫn dùng luật giới hạn thời gian để yêu cầu tòa bác bỏ khiếu nại của các nguyên đơn Việt Nam. Trong phần đối đáp, bên bị đơn nhấn mạnh đến 4 điểm chánh.

Thứ nhứt, bên bị đơn chứng minh rằng lập luận của nguyên đơn cho rằng họ không thể khởi kiện trước năm 1994 vì các quy định kiểm soát tài sản ngoại quốc do việc cấm vận từ năm 1975 đến năm 1994 thì không có cơ sở pháp lý.

Thứ nhì, lập luận của nguyên đơn cho rằng khoảng thời gian giới hạn 10 năm thì không áp dụng cho các nguyên đơn vị thành niên thì mâu thuẫn với các luật lệ hiện hành.

Thứ ba, nguyên đơn không phủ nhận rằng trong suốt và nhiều năm sau cuộc chiến, tin tức liên quan đến việc phun chất da cam và những cáo buộc về ảnh hưởng đối với sức khỏe của những người có tiếp xúc với chất da cam, qua báo chí và đài phát thanh, đã tràn ngập khắp mọi nơi ở Việt Nam.

Sự kiện nầy đủ để khởi động thời gian giới hạn và buộc nguyên đơn có bổn phận phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra thương tật của mình. Sau cùng, nguyên đơn yêu cầu tòa áp dụng chủ thuyết tính toán thời gian công bằng để biện hộ cho sự chậm trễ trong việc khiếu nại, nhưng không thể đưa ra lý do xác đáng.

Hỏi: Còn việc yêu cầu bác đơn khiếu nại của Việt Nam dựa theo luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ thì sao? Ðáp: Luật sư bên bị đơn đã dùng án lệ trong vụ kiện Boyle v. United Technologies Corp. năm 1988 để minh chứng rằng luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ có thể áp dụng cho vụ khiếu nại của Việt Nam, trái với lập luận của nguyên đơn cho rằng luật nầy không thể áp dụng được.

Theo luật sư bên bị đơn, có 3 thành phần bảo vệ được cứu xét. Nguyên đơn đã thừa nhận thành phần thứ ba, rằng các công ty hóa chất và chánh phủ Hoa Kỳ đã biết về sự hiện diện của dioxin trong chất da cam và tính độc hại của nó đối với cây cối, thú vật, và con người.

Hai thành phần còn lại có liên quan đến việc ấn định phẩm chất của chất da cam của chánh phủ và việc tuân thủ điều kiện sách của nhà thầu.

Theo luật sư bên bị đơn, nguyên đơn cáo buộc rằng bị đơn tự ý chọn lựa qui trình sản xuất chứ không theo tiêu chuẩn của chánh phủ, nên mới tạo ra dioxin; và tiêu chuẩn về phẩm chất của chánh phủ cũng không đề cập đến sự hiện diện của dioxin trong chất da cam. Nhưng nguyên đơn không thể đưa ra một dữ kiện hay bằng chứng nào để biện minh cho lập luận của họ.

Hỏi: Kỹ sư cho biết nguyên đơn đã thừa nhận sự hiểu biết của bị đơn, tức các công ty hóa chất, về tính độc hại của dioxin đối với cây cối, thú vật, và sức khỏe con người. Phía bị đơn đối đáp như thế nào?

Ðáp: Thưa, mặc dù nguyên đơn đã bàn luận rất nhiều đến những bằng chứng khoa học hiện nay về ảnh hưởng của chất da cam, nhưng phía bị đơn không đối đáp lại. Lý do là vì chánh án Weinstein không muốn thảo luận vấn đề “nguyên nhân” trong lúc nầy.

Tuy nhiên, bị đơn có trích dẫn sơ lược một vài nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy rằng, cho đến giờ phút nầy, vẫn chưa có bằng chứng “đầy đủ” để kết luận dioxin là một tác nhân gây ung thư cho con người, và có rất ít bằng chứng cho thấy một sự liên hệ trong nhóm người có tiếp xúc nhiều với dioxin qua nghề nghiệp hoặc tai nạn (Cole et al., “Dioxin and Cancer: A Critical Review,” Regulatory Toxicilogy and Pharmacology 38 (2003) 378-38).

Kết quả nghiên cứu trên cựu chiến binh Ranch Hand và các nhóm cựu chiến binh có nồng độ dioxin rất cao trong máu vẫn không cho thấy ảnh hưởng. Mặc dù đã hơn hai thập niên sau phán quyết của tòa Kháng án trong thập niên 1980, các nghiên cứu khoa học và dịch tễ học vẫn chưa khẳng định được rằng chất da cam là nguyên nhân của bất cứ một căn bệnh nào, cho dù ở một cựu chiến binh bị tiếp nhiễm cao (Trichopoulos et al., Affidavit dated January 22, 2004 filed in Isaacson/Stephenson).

Các luật sư bên bị đơn cũng trích dẫn lá thơ của Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VAST) gởi cho Tạp chí Y khoa Nghề nghiệp và Môi trường (JOEM) để minh chứng rằng những phúc trình do nguyên đơn trích dẫn cần phải được xem xét một cách cẩn trọng và rằng nguyên đơn đã không có những bằng chứng hợp lý và đáng tin cậy để cáo buộc rằng hàng triệu người Việt Nam đã bị tổn thương trầm trọng vì tiếp xúc với chất da cam.

Hỏi: Kỹ sư có thể cho quý thính giả biết thêm về lá thơ của VAST gởi cho Tạp chí Y khoa Môi trường không?

Ðáp: Trong nghiên cứu được công bố năm 2003, Bác sĩ (BS) Arnold Schecter của Trường Y tế Công cộng thuộc Ðại học Texas-Houston ở Dallas, phân tích 16 mẩu thực phẩm“... thu thập trong năm 2002 ở chợ Biên Hòa, chợ Biên Hùng, hồ Biên Hùng, và ở một căn cứ không quân có chứa chất da cam ở gần đó...

Chúng tôi tìm thấy dioxin ở mức độ rất cao, là đặc tính dioxin của chất da cam, trong một số thực phẩm như vịt với nồng độ 276 ppt và 331 ppt, gà với nồng độ từ 0,031 đến 15 ppt, cá với nồng độ từ 0,063 đến 65 ppt, và ếch với nồng độ 56 ppt.”

Và Ông kết luận rằng “Rõ ràng, thực phẩm, bao gồm vịt, gà, vài loại cá, và một con ếch dường như có trách nhiệm đối với mức độ TCDD [dioxin] rất cao trong máu của người dân Biên Hòa, mặc dù việc ô nhiễm chất da cam đầu tiên đã xảy ra 30-40 năm trước khi thử nghiệm.”

Ngay sau khi kết quả nghiên cứu của BS Schecter được đăng tải trên JOEM số tháng 8 năm 2003, Tiến sĩ (TS) Mai Thanh Truyết, Chủ tịch Ban Chấp hành của VAST đã gởi một lá thơ đến chủ bút JOEM, và lá thơ được đăng tải trên JOEM số tháng 5 năm 2004.

Trong lá thơ, VAST góp ý rằng “Phương pháp được dùng để nghiên cứu cũng như các dữ kiện và tin tức được trình bày trong bài viết không biện minh được cho kết luận của các tác giả,” mà điển hình là dữ kiện về hồ Biên Hùng, một cái hồ mà chính các tác giả cũng không một ai có thể xác định được vị trí và đặc tính thủy học của nó.

Lá thơ cũng cho biết rằng có rất nhiều chỉ dấu cho thấy các nguồn ô nhiễm khác chứ không phải chất da cam có khả năng gây ra tình trạng ô nhiễm dioxin hiện nay ở Việt Nam.

Hỏi: Theo chỗ chúng tôi được biết, nguyên đơn cáo buộc các công ty hóa chất Hoa Kỳ khuyến khích và giúp đỡ việc sử dụng chất da cam trong cuộc chiến Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Phía bị đơn đối đáp ra sao, thưa Kỹ sư?

Ðáp: Bên bị đơn cung cấp thêm những dữ kiện và án lệnh để minh chứng rằng việc chánh phủ ra lệnh sản xuất chất da cam và các loại thuốc diệt cỏ khác để dùng vào việc khai quang rừng rậm hoặc phá hủy hoa màu của địch quân thì không vi phạm luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế.

Lý do là vì các luật lệ quốc tế không thể được áp dụng một cách độc lập để truy tố chánh phủ trong tòa án Hoa Kỳ; chánh phủ đã hành xử trong quyền hạn của mình trong việc đặt mua chất da cam nên luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ phải được áp dụng; và việc áp dụng luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ phù hợp với nguyên tắc điều hành của luật pháp quốc tế. Hỏi: Còn việc yêu cầu tòa án loại HNNCDC/DVN ra khỏi danh sách nguyên đơn và bác bỏ các khiếu nại của Hội về ô nhiễm môi trường thì sao?

Ðáp: Trong phần đề nghị, bị đơn đã yêu cầu tòa loại HNNCDC/DVN ra khỏi danh sách nguyên đơn vì Hội không đủ tư cách pháp nhân để đại diện cho hội viên của mình. Sự im lặng của nguyên đơn khi phản bác đề nghị của bị đơn chứng tỏ Hội không có thẩm quyền để khiếu nại và cũng không có cơ sở pháp nhân để thúc đẩy hội viên của mình khiếu nại.

Trong phần phản bác, HNNCDC/DVN khẳng định rằng khiếu nại về ô nhiễm môi trường thì không cần có chứng từ cá nhân vì tất cả đất đai nằm trong đơn khiếu nại do Việt Nam sở hữu. Lập luận nầy cũng tai hại không kém lập luận kia, vì mặc dù quyền sở hữu đất đai của chánh phủ sẽ tránh cho cá nhân hội viên không phải can dự vào việc tranh tụng, nó cũng loại bỏ sự liên hệ của các cá nhân hội viên (và của Hội) với bất động sản bị ô nhiễm.

Nếu đất đai do Việt Nam sở hữu thì Việt Nam, chứ không phải HNNCDC/DVN, là nguyên đơn thích hợp nhất cho việc đòi bồi thường.

Hỏi: Còn khiếu nại về việc đòi bồi thường do thương tật cá nhân thì như thế nào?

Ðáp: Bên bị đơn đưa thêm dữ kiện và án lệnh để phản bác lập luận của nguyên đơn cho rằng bị đơn đã cung cấp thuốc diệt cỏ để dùng trong cuộc chiến Việt Nam, và việc sử dụng thuốc diệt cỏ để phá hủy hoa màu và gây ô nhiễm môi trường là một tội ác chiến tranh vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến việc dùng thuốc độc.

Tòa án không có thẩm quyền để cứu xét những hoạt động của hành pháp, nhất là trong lãnh vực quân sự và ngoại giao. Tòa án không có thẩm quyền dẫm chân lên hành pháp để bồi thường một món tiền khổng lồ cho hàng triệu binh sĩ và công dân của quốc gia cựu thù. Tòa án không có thẩm quyền ra lệnh tẩy xóa ô nhiễm nhiều vùng rộng lớn ở Việt Nam mà không vi phạm chủ quyền của quốc gia nầy.

Bị đơn cũng phản bác lập luận của nguyên đơn cho rằng, bản tuyên bố của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gởi cho chánh án Weinstein ngày 12 tháng 1 năm 2005 để yêu cầu hủy bỏ đơn khiếu nại của Việt Nam là không có giá trị, vì bản tuyên bố “không ghi rõ là được soạn thảo hoặc đệ trình thay mặt cho hành pháp.” Theo bị đơn, nguyên đơn không có lý do gì để phản đối vì Bộ Tư pháp được ủy quyền thay mặt hành pháp trước tòa, và chính chánh án Weinstein cũng yêu cầu Bộ Tư pháp nộp bản tuyên bố cho chánh phủ Hoa Kỳ qua phán quyết ngày 9 tháng 8 năm 2004.

Hỏi: Kỹ sư có cho biết Dow Chemical phản đối việc xin gia hạn để điều tra về chất màu trắng. Việc gia hạn nầy như thế nào và có ảnh hưởng gì đến lịch trình xem xét vụ khiếu nại về chất da cam của Việt Nam hay không?

Ðáp: Việc phía nguyên đơn xin gia hạn để điều tra về chất màu trắng thì không làm cho ai ngạc nhiên, vì có thể nói, đây là “chiến thuật câu giờ” cố hữu được phía nguyên đơn tận dụng trong vụ khiếu nại chất da cam của họ.

Phía nguyên đơn không muốn thấy đơn khiếu nại của mình bị bác bỏ trong phiên điều trần ngày 28 tháng 2 năm 2005 sắp tới, cho nên bên nguyên đơn mới yêu cầu tòa án hoãn việc cứu xét đề nghị bác đơn khiếu nại của bị đơn với lý do là chất màu trắng chưa được điều tra.

Thật ra thì chất màu trắng đã được bao gồm trong vụ kiện MDL-381 của các cựu chiến binh Hoa Kỳ năm 1984 và đã được điều tra tỉ mỉ trước đây mà nguyên đơn có đầy đủ hồ sơ. Bên bị đơn đã yêu cầu tòa bác đơn xin gia hạn của nguyên đơn, hoặc ấn định lịch trình riêng cho chất màu trắng để tránh kéo dài quyết định về đơn khiếu nại về chất da cam của Việt Nam.

Hỏi: Tòa án Brooklyn đã có phán quyết về việc xin gia hạn nầy chưa, thưa Kỹ sư.

Ðáp: Cho đến giờ phút nầy, tòa án Brooklyn chưa có phán quyết về việc xin gia hạn của nguyên đơn để điều tra về chất màu trắng. Nhưng tôi nghĩ, việc nầy không có ảnh hưởng gì đến lịch trình xem xét yêu cầu bác bỏ đơn khiếu nại về chất da cam của Việt Nam được ấn định vào ngày 28 tháng 2 năm 2005 sắp tới.

Hơn thế nữa, chánh án Weinstein cũng tiếp tục cho thấy quyết tâm giải quyết vụ khiếu nại của Việt Nam một cách nhanh chóng. Trong phán quyết ngày 15 tháng 2 năm 2005, chánh án Weinstein đề nghị lịch trình chi tiết cho phiên điều trần ngày 28 tháng 2, gồm 7 tiếng đồng hồ tranh luận và 1 tiếng đồng hồ giải lao.

Các bên sẽ tranh luận theo thứ tự và thời lượng như sau: phía bị đơn trong 3 tiếng đồng hồ, đại diện chánh phủ Hoa Kỳ trong ½ tiếng đồng hồ, phía nguyên đơn cựu chiến binh Hoa Kỳ trong 1.5 tiếng đồng hồ, phía nguyên đơn Việt Nam trong 1.5 tiếng đồng hồ, và đại diện các nhóm tranh đấu trong ½ tiếng đồng hồ.

Trân trọng kính chào Quý thính giả của Ðài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.