Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Làm ăn ở Việt Nam xem ra không phải là một sân chơi dễ dàng, trong lúc thị trường ngày một rộng mở thì một công ty bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn nước ngoài, được xem là lớn nhất Việt Nam lại rũ áo ra đi.

Việt Nam đã và đang mở cửa thị trường dịch vụ trong đó đi tiên phong là lãnh vực bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Bảo hiểm nhân thọ nôm na là bảo hiểm tính mạng con người, còn phi nhân thọ là các lãnh vực rộng lớn như bảo hiểm xe cộ, vận chuyển, bảo hiểm hàng hải hàng không, cháy nổ, bảo hiểm hàng hoá, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, ngoài ra còn cả dịch vụ tái bảo hiểm.
Sự mở cửa này theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam là một bước mở quan trọng đối với thị trường dịch vụ tài chánh: "Tôi nghĩ rằng mở cửa thị trường bảo hiểm một trong những thị trường tài chánh quan trọng là tốt, xu hướng là tốt theo đúng chính sách của chính phủ Việt Nam"
Công ty 100% vốn nước ngoài
Thị trường mở cửa như vậy, tại sao công ty bảo hiểm Allianz Việt Nam, một công ty 100% vốn nước ngoài lại tuyên bố rũ áo ra đi khỏi Việt Nam sau gần 7 năm hoạt động. Công ty vừa nói, thoạt đầu mang tên Allianz-AGF do tập đoàn Bảo hiểm Đức Quốc Allianz đầu tư vào Việt Nam từ 1999 cùng với một đối tác Pháp, với tổng vốn đầu tư 7 triệu rưỡi đô la.
Trong giai đoạn Việt Nam mở cửa, đây là công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép kinh doanh hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Con đường làm ăn của Allianz đang suông sẻ thì đến năm thứ ba tức 2002, đối tác Pháp AGF đã nhượng lại 45% cổ phần của mình trong liên doanh cho một mình Allianz Đức Quốc.
Từ đây khai sinh tên mới là Allianz Việt Nam, mất đi AGF nhưng công ty có đối tác mới là IFC công ty tài chánh quốc tế với 15% cổ phần. Đến nay sau khi hoạt động được 7 năm, Allianz Việt Nam đã đệ đơn lên Bộ Tài Chánh xin rút lui khỏi Việt Nam và nhượng lại toàn bộ công ty cho một công ty khác có cũng có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại sao lại có sự rũ áo ra đi như vậy, trong những năm đầu từ 2000 tới 2002 doanh thu hàng năm của Allianz tăng trưởng đều đặn, từ 3 triệu tăng lên mức 7 triệu đô la. Nhưng gần đây nhất trong 6 tháng đầu năm 2005, Allianz Việt Nam chỉ còn chi phối được chưa tới 2% thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam.
Bảo hiểm phi nhân thọ
Miếng bánh bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam thoạt nhìn thì có vẻ lớn nhưng thực tế chưa đúng như vậy. Tổng doanh thu bảo hiểm cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ và doanh thu hoạt động đầu tư cộng chung, chỉ chiếm 2% GDP tổng sản phẩm quốc dân nội địa tức khoảng hơn 13 ngàn tỷ đồng tương đương 840 triệu đô la.
Miếng bánh không lớn nhưng 93% thị phần lại nằm trong tay 7 doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần nội địa. Có điều gì vướng mắc ở đây, khi mà doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài làm ăn bài bản, tổ chức tốt và nghiệp vụ cao.
Điều khúc mắc ở đây theo báo Tuổi Trẻ, khối doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ì ạch là vì họ không chấp nhận trả tiền hoa hồng cho khách hàng mua bảo hiểm, tức là thối lại một tỷ lệ phần trăm nào đó giá trị hợp đồng bảo hiểm, cho người có thẩm quyền quyết định mua bảo hiểm.
Thông lệ ở Việt Nam, mọi loại hợp đồng liên quan tới dịch vụ đều có tiền thối lại cho khách hàng, chẳng hạn hợp đồng quảng cáo trên báo đài có khi trả hoa hồng tới 20% cho khách hàng, tiền thối lại này vào túi các giới chức có quyền quyết định ký mua các dịch vụ vừa nói.
Ngay cả đại lý hàng không cũng thối tiền cho khách đặt mua vé máy bay, còn tất cả các khách sạn ở Việt Nam dù tư doanh, nhà nước hay nước ngoài, việc trả 10 hay 15% hoa hồng cho người đặt phòng là một chuyện thông thường, đặt càng nhiều phòng và nhiều ngày thì tiền hoa hồng càng cao.
Khó cơ hội để phát triển
Còn với giới chức Hiệp Hội Bảo Hiểm như ông Tổng Thư Ký Phùng Đắc Lộc thì, không giống bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ chưa thực sự là lãnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù nhà nước Việt Nam đã mở cửa lãnh vực dịch vụ này:
“ Nhà nước Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, duy có điều chưa gây được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định thương mại Việt Mỹ qui định cho phép các công ty bảo hiểm ở nước ngoài được bán các sản phẩm bảo hiểm vào Việt Nam, sự có mặt thể nhân hay pháp nhân của các công ty đó là chưa cần thiết lắm .Chính vì thế mới không hấp dẫn.”
Trở lại sự kiện Công Ty Bảo Hiểm Allianz Vietnam chuẩn bị đóng cửa, báo Tuổi Trẻ trích lời một thành viên trong cuộc chuyển nhượng Allianz Việt Nam nói rằng, Allianz cảm thấy rằng ở Việt Nam, công ty khó cơ hội để phát triển, khi mà thị trường dường như bị nhuốm màu hoa hồng, trong khi tập quán kinh doanh quốc tế không cho phép họ thực hiện điều này.
Xem ra hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ một số luật lệ dưới gầm bàn, nhưng ngoài Allianz vẫn có những công ty có thể thích nghi với môi trường. Bởi vậy có tin nói rằng Công Ty Bảo Hiểm Việt-Úc, đang làm thủ tục xin mua lại Allianz Việt Nam. Doanh nghiệp muốn khuếch trương đầu tư, là một liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát Triển Việt Nam và Tập Đoàn Bảo Hiểm QBE của Úc.
Nếu thương vụ mua lại Allianz Việt Nam được chấp thuận, thì Công Ty Bảo Hiểm Việt Úc sẽ đảm nhận thực hiện các hợp đồng mà khách hàng đã ký với Allianz Việt Nam.