Đặc sứ về tôn giáo của Hoa Kỳ John Hanford nói về tình trạng tôn giáo tại Việt Nam


2007.09.14

Việt Long, phóng viên đài RFA

Khuynh hướng tiến bộ của Việt Nam về tự do tôn giáo vẫn tiếp tục tuy rằng có chậm chạp, và Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam sẽ tiến bước nhanh chóng trở lại. Việt Nam cũng đã vượt khỏi những điều kiện của những nước bị đưa vào danh sách những quốc gia cần bị lưu ý về tình trạng tự do tôn giáo.

JohnHanford200.jpg
Đại Sứ Hoa Kỳ đặc trách về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế John Hanford trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington.

Đồng thời Hoa Kỳ tin rằng nguyên do của việc một số nhà lãnh đạo tôn giáo bị áp đặt những giới hạn về sinh hoạt thì không bắt nguồn từ những hoạt động tôn giáo của họ.

Đó là lời tuyên bố của Đặc sứ Hoa Kỳ về tôn giáo trên toàn thế giới, ông John Hanford, trong buổi họp báo phổ biến bản báo cáo của bộ ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu, diễn ra tại Washington buổi trưa thứ sáu, 14 tháng 9 năm 2007.

Phần lượng định về Việt Nam có nhiều thuận lợi cho xứ này, và bộ ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam là 1 nước tuy không thay đổi toàn bộ chế độ chính trị nhưng đã chuyển hứơng nhanh chóng nhất về tự do tôn giáo, tính trong 20 năm nay trên thế giới.

Ông Hanford nói rằng cách nay mới mấy năm ỏ Việt Nam còn có mấy chục người bị giam cầm vì lý do tôn giáo, hằng trăm cơ sở tôn giáo bị đóng cửa, cả một chiến dịch toàn quốc bắt tín đồ chối bỏ đức tin . Nhưng chính quyền Việt Nam đã có những quyết định tỉnh táo, thay đổi hẳn chính sách ấy. Họ cho phép người dân được tự do tôn giáo ở mức độ cao hơn nhiều.

Người tù tôn giáo cuối cùng trong danh sách của Mỹ muốn được trả tự do đã được thả vào tháng chín năm ngoái. Việt Nam thông qua luật cấm bắt buộc người dân phải chối bỏ tín ngưỡng. Hầu hết những cơ sở tôn giáo bị đóng cửa đã được hoạt động lại. Hơn thế nữa, nhiều tu viện và học viện mới của Công giáo, Tin Lành được mở cửa. Những giáo phái Tin lành trứơc đây bị coi là bất hợp pháp đã được đăng ký và tái hoạt động.

Tuy nhiên, ông Han ford nói rằng vẫn còn những tổ chức tôn giáo bị cấm đoán, những người lãnh đạo bị quản chế tại gia. Nhưng Hoa Kỳ cho rằng những trường hợp này là do quan điểm chính trị của những nhà lãnh đạo tôn giáo đó, cùng với những chức vụ mà họ đảm nhiệm một cách công khai. Hoa Kỳ tôn trọng hành động đó và tất nhiên tin rằng những nhà lãnh đạo ấy có quyền tự do hành động như vậy. Nhưng Hoa Kỳ cũng cho rằng những giới hạn bị áp đặt cho họ không phải là do những hoạt động tôn giáo của họ.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Uỷ ban của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo trên toàn thế giới hồi tháng năm đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách những nước cần được lưu ý về tự do tôn giáo, đặc sứ John Hanford nói trong hai mươi năm ở nhiệm vụ này ông chưa từng thấy một nước nào trên thế giới chuyển hướng ngược hẳn lại nhanh chóng như vậy về tự do tôn giáo trong khi vẫn tiến vững chắc trong một khuynh hướng chính trị, không hoàn toàn thay đổi chế độ chính trị.

Việt Nam đã chuyển hướng và bỏ hẳn nhiều hành động đàn áp tôn giáo chỉ trong 2 năm trời, mà không thay đổi chế độ, và người ta khó thấy sự chuyển đổi như thế ngay cả trong những nước có thay đổi chính trị.

Ông Hanford nói ông tin rằng tình hình đó là do những quỳết định từ cấp cao nhất.

Đặc sứ của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo kết luận, dù sao thì Việt Nam cũng còn những hạn chế về tự do tôn giáo, nhưng đã giải quyết được những vấn đề nặng nề, đã vượt qua được những điều kiện để bị đưa vào danh sách CPC. Họ đã thực hiện được những bằng chứng về tự do tôn giáo.

Tuy nhiên Việt Nam cũng còn nhiều việc cần phải làm. Còn nhiều hạn chế đáng kể, nhiều sự vòng vo mà tôn giáo phải vượt qua. Tiến trình cho đăng ký tôn giáo ở vủng Tây Bắc và Tây nguyên vẫn còn đáng thất vọng. Nhiều cơ sở thờ phượng còn phải chờ đợi lâu dài để được cho giấy phép hoạt động. Tuy nhiên chính quyền địa phương nói là sẽ kiểm tra, và điều cần thiết là sự hợp tác với họ phải cho những kết quả xác thực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.