Lê Dân, phóng viên đài RFA
Kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ cho thấy đảng Dân chủ đã chiếm đa số tại hai viện Quốc hội và các chức Thống đốc tiểu bang. Hiện tượng này xảy ra vào lúc kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng, tỷ lệ người thất nghiệp giảm sút, lẽ ra đảng Cộng hòa đang cầm quyền phải thắng cử mới đúng lý. Lê Dân tìm hiểu và trình bày như sau.

Trong tiếng máy cơ khí đếm phiếu tại những tiểu bang kém tân tiến, hay kết quả kiểm phiếu bằng vi tính ở những bang hiện đại, nhiều cử tri hy vọng rằng lá phiếu của họ sẽ mang lại thay đổi, thay đổi một thời kỳ đầy biến cố chính trị, đầy rẫy các vụ tai tiếng bị phơi bày.
Một phụ nữ New York bày tỏ: "Tôi hy vọng kỳ bầu cử sẽ mang lại thay đổi cho đất nước, bởi vì theo quan điểm của tôi và trong mắt nhìn của thế giới, Hoa Kỳ đã được đánh giá cao."
Cuộc trưng cầu dân ý
Kết quả kiểm phiếu chưa chính thức cho thấy đảng Cộng hòa đang cầm quyền và chiếm đa số tại hai viện Quốc hội đã mất thế đa số tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ. Đồng thời trong 50 tiểu bang, đảng Dân chủ cũng chiếm được 28 ghế Thống đốc.
Hôm thứ Tư, Tổng thống George W. Bush dù chưa nắm chắc số liệu kiểm phiếu, đã thừa nhận cuộc bỏ phiếu giữa kỳ này là một loại trưng cầu ý dân về sự lãnh đạo của ông. Ông nói là người lãnh đạo đảng Cộng hòa, ông nhận phần lớn trách nhiệm. Theo dõi diễn tiến từng địa phương, sự chênh lệch rất sát sao, nhưng nhìn tổng thể thì thì không sát như vậy, mà là cách biệt rõ rệt.
Chuyển biến chính trị đó không làm mấy ai ngạc nhiên. Trong những tháng ngày trước khi cuộc bầu phiếu diễn ra, đã có nhiều vụ tai tiếng bị phát hiện và phơi bày trước công luận. Phần lớn là liên quan đến những vị dân cử và quan chức thuộc đảng Cộng hòa.

Điển hình như vụ nhà vận động hành lang Jack Abramoff đã đóng góp vào quỹ vận động bầu cử, hoặc chung chi vật chất cho một số dân biểu nghị sĩ để được thuận lợi trong một số dự án của ông ta.
Giáo sư hồi hưu Lewis Wolfson từng giảng dạy tại viện đại học American University và thường theo dõi sát tình hình chính trị ngay tại Washington DC đưa ra nhận xét với hãng thông tấn AP rằng sự thất bại đó phát xuất từ tình trạng tham nhũng mà phe Cộng hòa phơi bày ra trong nhiều vụ gần đây.
Thêm vào đó là tình hình Iraq ngày càng không khả quan như những lời cam kết của chính phủ Bush đưa ra. An ninh bất ổn, sắc tộc xâu xé, hệ phái tôn giáo xung đột đẫm máu....tất cả khiến Iraq hầu như đứng bên bờ nội chiến. Cử tri Mỹ khi được báo chí thăm dò ý kiến bên ngoài phòng phiếu thì trong 10 người có tới 7 người cho biết bỏ phiếu cho những ứng viên không ủng hộ chiến tranh Iraq.
Đánh mất lòng tin
Thượng nghị sĩ Diane Feinstein đại diện bang California giải thích rằng cử tri đã nói lên ý nguyện tập thể là muốn giải quyết vấn đề Iraq một cách khác với chủ trương của chính quyền hiện hành.
Đảng cầm quyền còn đánh mất lòng tin của cử tri về lý tưởng. Những vụ scandal xảy ra cho thấy một số đại diện của đảng không thực sự sống theo những lý tưởng cao đẹp mà đảng đề xướng, do đó cử tri chọn bỏ phiếu cho ứng viên thuộc đảng khác.
Mục sư Tony Campolo, cũng là giáo sư Xã hội hội, cho biết: "Cuộc bỏ phiếu giữa kỳ vừa qua tại Hoa Kỳ cho thấy quyền tự do lựa chọn, tự do bày tỏ chính kiến của người dân. Khi một đảng không hoàn thành những lời cam kết của họ, khi một bộ phận đảng viên thoái hóa, sống sa đọa, tham ô, bè phái.....thì người dân có quyền và được tự do lựa chọn chính đảng sẽ lèo lái quốc gia trong tương lai."
Bà Hillary Clinton, phu nhân cựu Tổng thống Bill Clinton, tuyên bố sau khi tái đắc cử chức thượng nghị sĩ đại diện bang New York.
Khi đất nước bị tham nhũng, chính sách bị xem là sai lạc, bất công, thì người dân nước nào cũng ao ước và có quyền được tự do chính tay mình chọn lựa người xứng đáng để thay mặt lãnh đạo đất nước, chứ không riêng gì người New York hay người Mỹ như lời bà Hillary Clinton vừa nói.