Những phụ nữ Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam


2006.05.01

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hầu hết tất cả các du khách ở khắp nơi, khi có dịp đến Washington D.C, đều cố gắng dành thời gian đến thăm bức tường đá đen, có khắc tên 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã tử trận tại chiến trường Việt Nam.

WomenVietnamMemorial200.jpg
Đài Tưởng Niệm Vinh Danh Phụ Nữ Trong Chiến Tranh Việt Nam tại Washington DC. Photo courtesy Wikipedia. >> Xem hình lớn hơn

Và gần đó, du khách cũng thấy có một hình tượng bằng đồng thau với ba phụ nữ mặc quân phục, quay mặt về ba hướng khác nhau. Một trong ba người đang đỡ lấy một người lính bị thương.

Đó chính là đài tưởng niệm dành để vinh danh những nữ quân nhân, hay nói đúng hơn, những phụ nữ đã từng phục vụ tại cuộc chiến Việt Nam. Nhân dịp 30- 4, Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để nói về những phụ nữ Hoa Kỳ đã từng có mặt tại Việt Nam trong thời gian ấy.

Bức tường đá đen

Sau khi cuộc chiến chấm dứt, hầu hết công chúng và những nhà chính sách Hoa Kỳ đều muốn quên đi chiến tranh Việt Nam, như rũ bỏ một quá khứ buồn tủi. Cho nên, mặc dù Đài Tưởng Niệm những người lính hy sinh trong chiến tranh Việt Nam hay còn gọi là bức tường đá đen được dựng lên, nhưng những nhà chính sách đã không hề nhắc đến công lao của những nữ quân nhân.

Được biết, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, đã có 265,000 phụ nữ phục vụ tại Việt Nam. Với tuổi thanh xuân đầy sức sống, họ là những y tá phục vụ ngay tại chiến trường, hay trong bệnh viện.

Họ là những người làm việc trong Hội Chữ Thập Đỏ để phục vụ cho hàng ngàn chiến binh, họ là những người đến để an ủi tinh thần cho những người lính xa quê hương và lạc lõng tại Việt Nam. Có những người đã ngã xuống hay bị thương nơi chiến trường để cứu sống và chăm sóc cho hàng ngàn thương binh trong cuộc chiến.

Đài Tưởng Niệm là do ý kiến của một số phụ nữ đã từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam. Họ nhận thấy rằng những người lính tham chiến tại Việt Nam được vinh danh, trong khi đó thì những nữ quân nhân lại bị lãng quên.

Nhưng khi trở về, họ lại bị tẩy chay nơi chính quê hương của họ, và lại bị lãng quên…Thực vậy, theo lời bà Cindy Gurney, hiện là giám đốc điều hành tổ chức Vietnam Women Memorial Foundation, thì chuyện xây dựng Đài Tưởng Niệm để vinh danh những người phụ nữ Hoa Kỳ phục vụ trong chiến trường Việt Nam không phải là đơn giản. Bà nói:

“Đài Tưởng Niệm là do ý kiến của một số phụ nữ đã từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam. Họ nhận thấy rằng những người lính tham chiến tại Việt Nam được vinh danh, trong khi đó thì những nữ quân nhân lại bị lãng quên.

Họ đã cùng với một vài người khởi sự với công trình mang tên Women Vietnam Memorial Project để vinh danh những phụ nữ đã từng có mặt tại cuộc chiến ở Việt Nam. Họ đã làm việc không ngừng trong 10 năm trời, vừa đi xin tiền ủng hộ, vừa vận động với chính phủ để được phép dựng nơi tưởng niệm, và mãi cho đến năm 1993 mới thành công. “

Người phụ nữ đầu tiên đã đứng ra thành lập nhóm vận động cho Đài Tưởng Niệm Vinh Danh Phụ Nữ Trong Chiến Tranh Việt Nam là bà Diane Carlson, trước đây là nữ y tá, thuộc binh chủng bộ binh (Army) Hoa Kỳ, vả đã từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam. Tiếc rằng vì bà đang đi công tác nên Phương Anh không liên lạc được.

Nhưng theo lời bà Cindy Curney cho biết, thì bà Diane đã bỏ rất nhiều công sức để vận động những phụ nữ khác, đã từng đến Việt Nam như bà, tranh đấu với quốc hội Hoa Kỳ để xây dựng Đài Tưởng Niệm. Khởi sự từ năm 1984, cho đến ngày 11 tháng 11 năm 1983, thì mới được phép đặt bức tượng 3 phụ nữ cùng người thương binh gần bức tường đá đen.

Tác phẩm này là của nhà điêu khắc Glenna Goodarce ở New Mexico, nặng 1 tấn và cao gần 2 mét, bằng đồng thau. Kể từ ngày đó, nơi đây, trở thành Đài Tưởng Niệm và vinh danh những phụ nữ Hoa Kỳ, phục vụ tại cuộc chiến Việt Nam. Bà Cindy nói tiếp:

“Hàng năm cứ đến ngày lễ Memorial và ngày lễ Veteran, thì họ lại có chương trình gọi là Story telling in their own words (kể chuyện của chính họ) ngay tại nơi tưởng niệm này. Những phụ nữ này từ khắp nơi tề tựu về và kể cho mọi người nghe những gì họ đã trải qua trong cuộc chiến Việt Nam…Bên cạnh đó, còn có những người lính, hay con cháu, bạn bè của họ đến kể về những gì mà người phụ nữ đã phải trải qua. “

Bà Eddie Meeks

WomenVietnamMemorial150.jpg
Đài Tưởng Niệm Vinh Danh Phụ Nữ Trong Chiến Tranh Việt Nam nhìn từ một góc độ khác. Photo courtesy Wikipedia >> Xem hình lớn hơn

Phương Anh cũng liên lạc với bà Eddie Meeks, hiện đang sống tại New York và là giảng viên dậy về ngành y tá. Bà kể lại:

Tôi là một nữ y tá quân nhân, cấp bậc Thiếu Uý, tôi làm việc ở bệnh viện Sàigòn 6 tháng và ở Pleiku 6 tháng. Lúc đó, tôi làm việc tại khu săn sóc đặc biệt của nhà thương. Tôi đã tình nguyện đến Việt Nam vì lúc bấy giờ, mặc dù phong trào phản chiến đang lan rộng ở Hoa Kỳ, nhưng em trai của tôi lại bị bắt lính và phải sang Việt Nam…

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình có thể đi theo để chăm sóc cho em tôi, nếu có chuyện gì xảy ra. Nhưng em tôi lại ở trong lính biệt kích, nên được sự chăm sóc của hải quân…Và tôi đã phục vụ ở Việt Nam 1 năm, từ tháng 7 năm 1968 đến tháng 7 năm 1969.

Khi tôi trở về lại Hoa Kỳ, lúc bấy giờ, phong trào chống chiến tranh Việt Nam dâng cao tột độ, những y tá như chúng tôi được thông báo rằng: trước khi chúng tôi ra khỏi máy bay, chúng tôi phải cởi bỏ quân phục vì đã có những nữ quân nhân bị nhổ nước miếng vào mặt…nói chung là mọi người không có thiện cảm với những nữ quân nhân.”

Sau khi trở về Hoa Kỳ, cuộc sống của bà đã bị đảo lộn tất cả, bà nói: “Thời gian ấy, tôi không hề nhắc đến chiến tranh Việt Nam nữa vì chung quanh ai cũng giận dữ …Tôi đã bị khủng hoảng tâm lý trong nhiều năm bởi vì rất nhiều thứ đã làm cho tôi nhớ đến Việt Nam…Và mỗi khi tôi nhớ đến nó, thì tôi lại cho đó là một cuộc chiến đầy tội ác.

Chúng tôi đến Việt Nam vì muốn giúp mà thôi. Tôi không bao giờ quên được những gương mặt rất non trẻ trong những bộ đồ lính, đi cùng với tôi trên chuyến bay đến Việt Nam để giúp đất nước này, đế giúp những người dân Việt Nam.

Khi chúng tôi đến đó, chúng tôi phải theo rất nhiều luật lệ mà ở Washington đã đặt ra nhưng Việt Cộng thì lại có những luật lệ khác nhiều lắm với chúng tôi, họ muốn làm gì thì làm…Khi giao tranh, hai bên đánh nhau, những người lính không được phép đến nơi mà thực sự họ cần đến, còn Việt Cộng có thể đánh bất cứ nơi nào và làm bất cứ điều gì.

Trong khi đó, chúng tôi bị cấm làm điều này, cấm làm điều kia, rất nhiều ràng buộc…Và Việt Cộng đã đặt mìn ở khắp mọi nơi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp, họ chẳng bao giờ thấy mặt kẻ thù, nhưng đã bị trúng mìn và tử thương. Đó là một cuộc chiến tranh tàn khốc, vô cùng tàn khốc.”

Giờ đây, sau nhiều năm nhìn lại, được hỏi bà nghĩ gì về ngày 30 tháng 4 năm 1975, bà phát biểu: “Tôi không hề biết đến hai chữ “Việt Nam” trước khi xảy ra cuộc chiến tranh, và đột nhiên, tôi biết đến đất nước nhỏ bé và nghèo nàn này. Chúng tôi phải chiến đấu vì “tình bạn” trong nhiều năm. Tôi không ngạc nhiên tí nào khi nghe tin Sài gòn sụp đổ vì tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo Hoa Kỳ đã không làm hết sức những gì mà họ phải làm.

Tôi là một nữ y tá quân nhân, cấp bậc Thiếu Uý, tôi làm việc ở bệnh viện Sàigòn 6 tháng và ở Pleiku 6 tháng. Lúc đó, tôi làm việc tại khu săn sóc đặc biệt của nhà thương. Tôi đã tình nguyện đến Việt Nam vì lúc bấy giờ, mặc dù phong trào phản chiến đang lan rộng ở Hoa Kỳ, nhưng em trai của tôi lại bị bắt lính và phải sang Việt Nam…

Những người lính đã làm hết sức trong cuộc chiến, nhưng những người lãnh đạo thì không. Trong giờ phút ấy, tôi tự hỏi những người bạn Việt Nam từng làm việc với tôi sẽ ra sao? Tôi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với những bệnh nhân? Tôi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy đến với những người lính Việt Nam?

Đối với tôi, ngày hôm đó là một sự buồn bã, buồn bã vì những người lính Mỹ đến Việt Nam để cho đi tất cả, những người Việt Nam đã cho đi tất cả …Nhưng những dân biểu quốc hội, những vị tổng thống trong thời gian chiến tranh đã KHÔNG cho đi tất cả…Dường như họ đã quanh co quá nhiều với đầy sự giả dối. Và tôi nghĩ rằng, họ đã không làm hết khả năng của họ mà họ có thể làm.”

Bà Holley Watts

Riêng với bà Holley Watts, một phụ nữ đã làm việc trong Hội Chữ Thập Đỏ ở Việt Nam từ tháng 9 năm 1966 đến tháng 9 năm 1967, thì tình nguyện đến Việt Nam vì có người anh em họ cũng bị đưa sang Việt Nam. Bà đã từng làm việc ở Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê và Củ Chi. Bà tâm sự:

“Khi tôi trở lại Hoa Kỳ, tôi đã gặp khá nhiều thử thách, tôi e ngại khi ai đó biết là tôi mới ở Việt Nam về, tôi được nghe nói là những phụ nữ như tôi khi trở về không được sự đón nhận của công chúng, vì thế, tôi đã không mặc quân phục khi về tới Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ là tôi đã đón một chiếc taxi từ trạm xe lửa về nhà cha mẹ tôi.

Trên đường về, tôi cứ buột miệng khen ôi sao mà sạch sẽ quá, sao mà cảnh vật đẹp quá…Đột nhiên, tài xế taxi quay lại hỏi tôi vừa mới ở đâu về? Tôi nói: Việt Nam. Và anh ta đã dừng ngay xe lại, tôi sợ quá, vì nghĩ rằng anh ta sẽ tống cổ tôi khỏi xe…Nhưng không, anh ta đã nhìn thẳng vào tôi rồi nói: Chào mừng cô mới trở về ! Thật bất ngờ và tôi cũng sững sờ không kém…vì từ khi tôi về đến giây phút đó, chưa ai nói với tôi câu đó cả, mặc dù tôi đã ở nhà cô tôi vài tuần ở California, trước khi về nhà cha mẹ tôi. “

Được hỏi bà có cảm nghĩ gì khi nghe tin Sài gòn sụp đổ, bà nói: “Khi nghe tin Sàigòn sụp đổ, tôi có một cảm giác đau xót và nuối tiếc…Trong tôi, có thật nhiều cảm giác lẫn lộn, tôi đã mất rất nhiều bạn bè của tôi. Khi tôi trở về Mỹ, tôi được tin rằng nhiều bạn của tôi đã đến Việt Nam và không bao giờ trở lại nữa.

Và tôi cũng tin chắc rằng, những người dân Việt Nam cũng giống như tôi, cũng bị mất mát những người thân yêu của mình. Tôi đau xót vì có rất nhiều người đã chết khi họ còn quá trẻ.

Khi tôi đến Việt Nam, tôi không phải là người ủng hộ chiến tranh mà tôi chỉ muốn phần nào an ủi tinh thần cho những người lính…Thật là khó diễn tả cái cảm giác khi hay tin Sài gòn sụp đổ, tôi vưà đau xót, vừa lo âu, vừa băn khoăn…”

Trở lại thăm Việt Nam

VnWarNurse150.jpg
Một nữ y tá đang chăm sóc bệnh nhân trên tàu bệnh viện USS Repose (AH-16)vào tháng 10-1967. AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES >> Xem hình lớn hơn

Giờ đây, bao nhiêu năm đã trôi qua, cùng với sự biến đổi của xã hội, với sự nỗ lực của tổ chức Vietnam Women Memorial Foundation, những phụ nữ từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam được quan tâm nhiều hơn. Bà Cindy Gurney cho hay:

“Hiện nay, với tư cách là giám đốc điều hành, tôi đang chú trọng về việc nâng cao sự hiểu biết của dân chúng về vai trò của phụ nữ Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, và vinh danh họ. Họ đã bị lãng quên và thiệt thòi quá nhiều. Tôi cũng dự định tổ chức cho họ về thăm Việt Nam, nhưng chuyện đó chưa phải là lúc này.”

Bà Eddie Meeks thì nói: “Con gái tôi đã đến Việt Nam để nghỉ hè, và ở Hà Nội. Trước khi khi đi, có khyên tôi nên về Sài Gòn để thăm lại chốn cũ…Nhưng tôi đã trả lời rằng: trong tôi, toàn là những kỷ niệm thật buồn, tôi sợ phải gợi nhớ lại những kỷ niệm ấy.

Khi nó trở lại, đã kể cho tôi nghe về đất nước Việt Nam hiện nay, với những người dân Việt Nam rất tuyệt vời, rất thân thiện và tử tế… Tôi nghĩ rằng sẽ có một lúc nào đó, tôi sẽ trở lại Sàigòn, nhưng phải đi cùng với ai đó, có thể là với con gái tôi, hoặc con trai tôi, hay những người bạn cũ, chứ đi một mình thì không, không bao giờ. “

Còn bà Holly Watts thì tâm sự: “Tôi rất muốn trở lại Việt Nam vì tôi rất yêu mến con người và đất nước này và tôi dự định sẽ đi Việt Nam vào tháng 2 năm tới. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ nhìn thấy Việt Nam với cái nhìn“ thực sự Việt Nam”. Tôi không nghĩ là sẽ giống như ngày xưa nữa, vì tôi biết rằng có những người đã trở về để tìm đến nơi chốn cũ nhưng nay không còn…

Một cách nào đó, tôi muốn trở lại Việt Nam để tìm sự an ủi khi tôi đã mất mát quá nhiều bạn bè thân thương của tôi. Cho nên, tôi đã rủ những người phụ nữ đã từng làm việc ở Việt Nam về thăm lại những nơi mà thời còn trẻ chúng tôi đã từng đi qua. Tôi hy vọng sẽ thấy lại được thời thanh xuân của tôi nơi ấy.”

Vừa rồi là những lời tâm sự của những phụ nữ Hoa Kỳ đã từng phục vụ tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.