Sinh viên Đại học An giang tiếp tục gặp khó khăn vì thiếu trang thiết bị học tập

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Ít năm gần đây tin học trở thành một trong những ngành “nóng” nhất ở Việt Nam, thu hút hàng chục ngàn tân sinh viên mỗi năm. Phát triển tin học dẫn đến một vài vấn đề đang cần phương hướng giải quyết như nhân sự, học cụ.

VoTongXuan150.jpg
Giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân tại Đại học An Giang. Photo courtesy TuoiTre Online.

Qua một cuộc trao đổi với hiệu trưởng đại học An Giang, một trong những trường dạy tin học có tiếng trong nước, Nhã Trân được biết một khó khăn mà cơ sở giáo dục này đang gặp phải, mời quí vị cùng tìm hiểu.

Cùng với phát triển của kinh tế, nhu cầu nhân sự về tin học ngày càng tăng ở Việt Nam. Học sinh đua nhau theo đuổi ngành được xem là có tương lai sáng lạn này.

Lượng sinh viên gia tăng đáng kể trong ít năm trở lại đây khiến đại học An Giang không sao đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng máy vi tính của học viên. Tỉ lệ máy được cung cấp so với lượng học sinh chưa được tới 2 phần trăm, gây trở ngại cho việc học hỏi hàng ngày và giảm chất lượng học tập của sinh viên.

Nhằm giúp đỡ trường, hồi đầu năm nay một nhóm kiều bào hảo tâm tại Australia có gửi cho đại học An Giang một số máy vi tính cũ nhưng còn dùng được. Số máy này, không may, không được đưa tới tay nhà trường, bởi chính quyền Việt Nam gần đây ra qui định về việc nhận học cụ. Trước hết Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng đại học An Giang, cho hay:

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Chúng tôi hiện nay đang xin Thủ tướng để lấy ra 120 cái máy vi tính cũ, tuy cũ nhưng vẫn còn xài được do các anh em người Việt chúng ta bên Australia đã đi quyên góp để cho anh em trường đại học An Giang có máy để tập. Trong hướng nâng cao chất lượng học tập của trường cho anh em sinh viên, chúng tôi cố gắng tranh thủ lòng hảo tâm của các anh em, trong đó có rất nhiều người Việt nước ngoài.

Nhưng khi các anh em mình bên Úc, thuộc hiệp hội Vietnam Foundation, gửi về cho chúng tôi 120 cái desktop…gồm 12 cái laptop và 4 cái server, thì đụng phải cái qui định của Bộ tài chánh. Bộ tài chánh không cho nhận. Máy đã về đây từ 6 tháng nay rồi.

Lúc đó chúng tôi nhận được là… Ông này là ông cựu đại sứ Bỉ ở Việt Nam. Khi trở về nước ông làm với một công ty bên Bỉ. Ông nói bên đó máy cũ có nhiều lắm mà còn xài được hết, nhưng bên kia người ta đổi model mới, không xài cái cũ, thành ra ổng xin, ổng gửi cho. Lúc đó chưa có quyết định của Bộ tài chánh. Lúc đó chúng tôi nhận được là… Ông này là ông cựu đại sứ Bỉ ở Việt Nam. Khi trở về nước ông làm với một công ty bên Bỉ. Ông nói bên đó máy cũ có nhiều lắm mà còn xài được hết, nhưng bên kia người ta đổi model mới, không xài cái cũ, thành ra ổng xin, ổng gửi cho. Lúc đó chưa có quyết định của Bộ tài chánh.

Nhã Trân: Máy đã được gửi về từ 6 tháng nay rồi?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Vâng. [Chúng tôi] không nhận được, vì qui định của Bộ tài chánh. Các anh đó nói bây giờ phải chờ ý kiến của thủ tướng, mấy ảnh mới cho lấy.

Nhã Trân: Thế Thủ tướng đã nói gì về vụ này chưa ạ?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi có làm một cái đơn gửi cho Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, người phụ trách về Bộ tài chánh trứơc đây, bây giờ là Phó thủ tướng trực. Thì tôi có gửi cho Phó thủ tướng. Nhưng một thời gian sau, 1 tháng rưỡi, thì mới nhận được một cái thơ của ông phó văn phòng Thủ tướng.

Nhã Trân: Xin được hỏi lại Giáo sư. Giáo sư nói là văn phòng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Văn phòng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thì trong đó có các phó thủ tướng cùng làm việc ở đó. Trong cái thơ đó, trong cái công văn, ông Phúc có nói rằng là Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhất trí với Bộ tài chính là không cho nhập.

Nhã Trân: Không cho nhập?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Không cho nhập cái máy vi tính cũ. Tôi rất là thất vọng về vấn đề này. Tôi tưởng đâu là mình kêu nài, kêu oan lên cho tới văn phòng thủ tướng thì thủ tướng…. Nếu mà thủ tướng nói là, bây giờ thì giao cho các anh em hải quan xem, nếu các máy này còn xài được, không phải là đồ phế thải thì cho các trường đại học nhận…

Nếu trong công văn nói như vậy thì chúng tôi sẽ rất là vui, mà các anh em người Việt chúng ta bên Úc châu cũng sẽ rất vui. Bởi vì, tôi chắc chắn là khi mở ra thì sẽ thấy là các máy này còn sử dụng được.

Nhưng mà, cái thơ chỉ nói vỏn vẹn là không cho nhập, theo…

Nhã Trân: …theo qui định của Bộ tài chánh. Giáo sư có gửi thư cho Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thiện Nhân không?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Không. Tôi không gởi ở đó bởi vì nếu gởi ở đó thì cũng phải đụng tới thủ tướng.

Nhã Trân: Nói tóm lại là vì qui định của Bộ tài chánh nên trường đại học An Giang không được phép nhận những máy vi tính mà đồng bào hải ngoại gửi về để giúp sinh viên trường có cơ hội học tập, có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu, thưa giáo sư?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Dạ đúng như thế.

Nhã Trân: Thế thì bây giờ những chiếc máy ấy bây giờ đang nằm ở bến…

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đang nằm ở bến cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Nhã Trân: Bến cảng thành phố Hồ Chí Minh. Đã 6 tháng rồi?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Hơn 6 tháng rồi.

Nhã Trân: Giáo sư có nghe chiều hướng là những máy đó sẽ được giải quyết như thế nào? Tức là Bộ tài chánh hoặc Bộ giáo dục hoặc một cơ quan nào đó, sẽ gửi máy về cho người gửi, hoặc tịch thu, hay có những đường hướng nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi bây giờ cũng chưa biết là hải quan họ quyết định như thế nào. Bởi vì nếu gửi trả lại thì chúng tôi cũng đâu có tiền để mà gửi trả.

Nhã Trân: Tức là không có một thông tư rõ rệt nào nói rằng những máy này sẽ được đưa đi đâu?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Không. Không có nói.

Nhã Trân: Trong quá khứ đại học An Giang đã từng nhận được những máy vi tính hoặc những học cụ như thế này chưa, từ ngoại quốc?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Trước đây chúng tôi có nhận được những máy cũ bên Belgique người ta cho. Lúc đó thì chưa có qui định của Bộ tài chánh.

Nhã Trân: Giáo sư có thể nói rõ hơn, số máy nhận được từ bên Belgique, tức bên Bỉ, do nhóm nào? Tư nhân, chính phủ Bỉ hoặc một cơ quan nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Do tư nhân.

Nhã Trân: Thưa, số lượng máy là khoảng bao nhiêu, và tư nhân là một người hay một nhóm ?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Lúc đó chúng tôi nhận được là… Ông này là ông cựu đại sứ Bỉ ở Việt Nam. Khi trở về nước ông làm với một công ty bên Bỉ. Ông nói bên đó máy cũ có nhiều lắm mà còn xài được hết, nhưng bên kia người ta đổi model mới, không xài cái cũ, thành ra ổng xin, ổng gửi cho.

Lúc đó chưa có quyết định của Bộ tài chánh.

Nhã Trân: Thế lúc đó chưa có qui định của Bộ tài chánh là không cho nhận máy cũ nên trường đã nhận được số máy cũ từ ngoại quốc gửi về, không trục trặc gì cả. Lần đó lượng máy nhiều không thưa giáo sư?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Khoảng chừng bốn chục máy.

Nhã Trân: Những máy đó hiện vẫn xài tốt, hay là phải tân trang đều đặn?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Chúng tôi thì máy cũ vẫn xài, tại vì mình đang thiếu máy. Chúng tôi có tới 7,200 sinh viên, mà bây giờ tổng lượng máy trong thư viện điện tử của tôi chỉ có 120 máy thôi. Trung tâm công nghệ tin học thì cũng chỉ có 70 máy thôi, thành ra chúng tôi không có đủ máy cho sinh viên thực tập.

Tất cả sinh viên của đại học An Giang đều phải học tin học hết. Họ phải tự học, nhưng khi ra trường phải có chứng chỉ B về tin học và chứng chỉ B về Anh văn. Thành ra, học sinh nào có tiền thì có thể tranh thủ ra ngoài mấy quán Internet café để sử dụng máy ngoài đó. Nhưng phần lớn sinh viên thì nghèo, thành ra ở trong trường, phải sắp hàng trong trường chờ. Mỗi học sinh chừng 2 tiếng đồng hồ một tuần, tại vì mình ít máy.

Nhã Trân: Trường đại học An Giang là công lập hay tư thục và máy móc là do nhà trường hoặc Bộ giáo dục cung cấp?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Trường là công lập, với kinh phí là của tỉnh An Giang, không phải của nhà nước trung ương. Thành ra các kinh phí để đầu tư cho trường là do của tỉnh An Giang rót về đây.

Trong khi đó, cũng như tất cả các trường đại học khác của Việt Nam, sinh viên vào đại học An Giang phải đóng học phí. Mỗi năm khoảng 1 triệu rưởi mỗi năm, tức tương đương khoảng 100 Mỹ kim. Số tiền đó không có bao nhiêu, nhưng cũng tượng trưng là xã hội có góp phần với nhà nước. Thì tỉnh phải cáng đáng phần còn lại để đào tạo sinh viên. Cho nên cái kinh phí của tỉnh được dùng để trả lương cho giáo viên, giảng viên, giáo sư, đồng thời để mua trang thiết bị…

Nhã Trân: …mà những trang thiết bị này không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của sinh viên…

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Không bao giờ đủ hết. Bởi vì ngay cả trừơng của nhà nước trung ương cũng không đủ thiết bị, bởi vì kinh phí giáo dục của mình ít.

Nhã Trân: Cảm ơn Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường đại học An Giang về các thông tin này.