Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Cách đây 4 năm đi du lịch ở Cămpuchia du khách phương tây có thể bị uổng mạng vì bắt cóc tống tiền. Ngày nay an ninh được cải thiện, ngành du lịch ở Xứ Chùa Tháp phát triển mạnh với mục tiêu đạt được một triệu rưởi du khách mỗi năm. Nam Nguyên thực hiện phóng sự đường xa Từ Cánh Đồng Chết tới Đế Thiên Đế Thích, nhân một chuyến công tác ở vương quốc Khmer.

Cămpuchia ngày nay đã hồi sinh, thật là một chặng đường dài sau những năm diệt chủng cùa chế độ Khmer Đỏ 1975-1979, được giải phóng để rồi chịu đựng 10 năm chiếm đóng của bộ đội cộng sản VN, tiếp đến là cuộc nội chiến giữa các phe phái thân và chống Hà Nội.
Những cánh đồng chết
Đã xa rồi những Cánh Đồng Chết và nhà tù S21 Tuol Sleng ở ngọai ô Phnompenh, những địa danh này đã trở thành nhà bảo tàng tội ác diệt chủng. Tuol Sleng trước năm 1975 là một trường trung học mang tên Tuol Svay Prey, an ninh Khmer Đỏ đã biến cải nơi này thành trại giam tử thần S21.
Chỉ riêng một nơi giam giữ này trong mấy năm cầm quyền, Khmer đã giam cầm tra tấn khỏang 17 ngàn tù nhân, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Nhiều người chết ngay trong khi bị giam giữ, những người khác bị đưa về trại hành quyết Choeung Ek, Khmer Đỏ tiết kiệm đạn đã dùng cuốc, rìu đập vỡ sọ người tù và vùi thây tập thể. Tên gọi Những Cánh Đồng Chết bắt nguồn từ đây.
Nhà bảo tàng tội ác diệt chủng Tuol Sleng, sau 30 năm vẫn mang nặng mùi tử khí, xiềng xích gông cùm và hình ảnh các nạn nhân. Khmer Đỏ cũng giống phát xít Đức, chúng chụp và lưu giữ hình ảnh các nạn nhân sau khi họ nhập trại.
Nữ sinh viên người pháp Bonavienne 21 tuổi đến từ Paris nói với chúng tôi là để những cảnh như Tuol đừng tái diễn, các quốc gia trên thế giới cần giúp đỡ nhà bảo tàng duy trì và phát triển, theo cô đây là phương cách tốt nhất để người ta cùng hồi tưởng về những gì đã diễn ra tại đây.
Đế Thiên Đế Thích

Các tạp chí du lịch đều ghi Tuol Sleng là nơi du khách đến Phnompenh nên đến tham quan. Thật ra Vương quốc Khmer còn rất nhiều địa chỉ du lịch ngọan mục mà khách du lịch không thể bỏ qua. Một trong những thắng tích đó là Đế Thiên Đế Thích tiếng Khmer là Angkor ở tỉnh Siem Reap, cách Phnompenh 317 km về hướng Bắc.
Từ Phnompenh có thể đi Siem Reap bằng máy bay giá vé khỏang 60 đô la một lượt. Đi tàu cao tốc 25 đô la một chuyến, hay rẻ nhất là xe búyt máy lạnh khỏang 7 tới 10 đô la một lượt.
Đế Thiên Đế Thích hay Angkor nói chung là một quần thể kiến trúc hơn 100 ngôi đền bằng đá, mà các vì vua trị vì đế quốc Khmer cổ đã xây dựng gần Siem Reap, kinh đô thời kỳ Angkor huy hòang, trải dài từ đầu thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ 15.
Du Khách phải có ít nhất 3 ngày thì mới tham quan hết được một số thắng tích thuộc phạm vi mở cửa cho công chúng. Giá vé tham quan là 20 đô la một ngày, mua vé xem ba ngày thì tốn 40 đô la.
Bên trong khu du lịch đường kính hơn 12 km nằm giữa rừng nguyên sinh, các phế tích nằm rải rác cách xa nhau nên du khách cũng phải có phương tiện di chuyển bằng xe ô tô, xe lôi du lịch hoặc xe gắn máy ôm. Khách ba lô thường thuê xe đạp một mình một ngựa.
Trung tâm du lịch

Chúng tôi có rất ít thời gian nên chú tâm thăm viếng trứơc tiên là Angkor Wat, có dịch giả gọi là Kinh Đô Chùa, Angkor Wat được xây dựng vào thế kỷ 11, theo truyền thuyết là nơi cúng tế của đức vua Suryavarman đệ nhị. Hẳn vì thế mà Angkor Wat là ngôi đền duy nhất quay mặt về hứơng Tây.
Angkor Wat được bao bọc bởi hào sâu thả sen bề rộng tới 190 mét, tạo thành một hình chữ nhật một chiều 1 km 500 chiều kia 1km 300, gần như là một hình vuông.
Như vậy Angkor Wat nằm trên một khu vực chu vi gần 6 km, có tường đá cao 8 mét dày 1m phần lớn bằng đá tảng lấy từ trên núi xa về. Từ xa Angkor Wat sừng sững trên nền trời với 5 ngọn tháp đặt theo phương vị ngũ điểm. Tháp trung tâm cao 65m có 4 tháp bao quanh với chiều cao mỗi tháp khỏang hơn 40 mét.
Chính điện Angkor wat là một kiến trúc ba tầng, kết nối với nhau nhờ những hành lang sâu thẳm. Điểm cần lưu ý là tòan bộ kiến trúc Angkor wat là những phiến đá xanh, ở đâu cũng thấy chạm trổ hoa văn, phù điêu theo tích xưa chuyện cổ mà các chuyên gia nói rằng xuất phát từ sử thi Ấn Độ Mahabharata và Raymana.
Con đường dẫn tới chính môn Angkor Wat cũng được làm bằng đá tảng dài 230 mét, mặt lộ rộng gần 10 mét cao 5m so với mặt nước hồ trong xanh ở hai bên. Chính là tại nơi đây chúng tôi bắt gặp một thanh niên trẻ anh Andrew 20 tuổi sinh viên trường đại học Manchester Anh Quốc.
Trò chuyện với chúng tôi Andrew nói quần thể Angkor đầy ấn tượng, ngòai Angkor Wat anh đã viếng và rất thích Preah Khan cũng như Ta Prohm cũng thuộc quần thể Đế Thiên Đế Thích.
Chàng sinh viên trẻ Andrew cho biết anh đi du lịch ba lô đi một mình, trước tiên đến Bangkok Thái Lan sau đó đi Cămpuchia và Lào. Anh dự định trở lại Cămpuchia một lần nữa cùng với bạn bè, những bạn thân của anh muốn thăm xứ Khmer mà chưa có dịp.
Địa chỉ du lịch chuyến đi lần tới của anh sẽ gồm cả Việt Nam, anh sẽ từ Cămpuchia qua Việt Nam. Sự tiêu xài ở mỗi nơi mỗi khác, tại Cămpuchia anh tiêu từ 15 tới 20 đô la một ngày.
Công trình kiến trúc kỳ vĩ

Nhìn từ bên ngòai Angkor Wat vĩ đại và kỳ bí với kiến trúc khmer cổ đại ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Càng vào sâu bên trong khách chừng như ngẩn ngơ đến sững sờ trước nghệ thuật kiến trúc của người xưa.
Khách sẽ tự hỏi làm cách nào mà từ thế kỷ 11, người Khmer có thể vận chuyển hàng triệu mét khối đá xanh từ trên núi xa về, nhiều khối đá nặng hàng chục tấn đi đường xa ít nhất 50km từ chân núi Phnom Kulen về. xếp đặt các khối đá tảng như thế nào cho đúng thiết kế, chạm khắc cách nào mà mỗi tấc vuông ở Đế Thiên Đế Thích đều có hoa văn, phù điêu chìm nổi hay hình tượng nổi trên mặt đá.
Quả đúng là một ngày thì cũng mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, Đế Thiên Đế Thích còn nhiều kiến trúc cổ diệu kỳ như Angkor Thom, tức Kinh Đô Lớn tọa lạc cách Angkor Wat gần 3 km về phía bắc với nhiều thắng tích như Bayon, Baphuon, Nam Bắc Kleang, Preah Pithu, Tep Pranam, Preah Palilay. Đó chỉ là riêng khu vực trung tâm Angkor Thom với chu vi 12 km.
Ở Đế Thiên Đế Thích hay Angkor nói chung còn phế tích Ta Prohm, Preah Khan, Roulos, Banteay Srey và Phnom Bakeng. Khách tham quan muốn xem hết phải mất ba bốn ngày. Quần thể Đế Thiên Đế Thích kể từ 1991 được Unesco Tổ Chức Văn Hóa Khoa Học Giáo Dục LHQ công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới.
Chính vì vậy người Khmer với sự trợ giúp quốc tế, đặc biệt từ nứơc Nhật đã và đang nổ lực bảo tồn và tái tạo các công trình độc đáo ờ quần thể Đế Thiên Đế Thích. Ngành du lịch Xứ Khmer cũng nhờ đó mà khởi sắc đem lại nguồn thu quan trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước, trong một bối cảnh Cămpuchia phụ thuộc sự trợ giúp lớn lao từ nứơc ngòai.
Nam Nguyên tường trình từ Đông Nam Á.