Nhiều người biểu tình chống Trung Quốc bị bắt giữ, hành hung

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Nhiều thanh niên sinh viên tham gia cuộc biểu tình lần hai phản đối Trung Quốc xâm lấn Trường Sa-Hoàng Sa diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn sáng chủ nhật 16/12 vừa qua đã gặp rắc rối với phía chính quyền. Có người bị bắt lên xe đưa về đồn, nhưng tệ hơn có người còn bị công an dùng võ lực hành hung giữa đường và áp giải về trụ sở để thẩm vấn, điều tra.

VnYouthProtestChina200b.jpg
Nhiều người biểu tình chống Trung Quốc bị bắt giữ, hành hung. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Trong số này có trừơng hợp của cựu chiến binh Hoàng Hải, một thành viên thuộc nhóm Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, một trong những tiếng nói công khai đấu tranh cho lẽ phải và công bằng xã hội tại Việt Nam. Trong câu chuyện với Trà Mi, anh Hoàng Hải thuật lại diễn tiến sự việc:

Hoàng Hải: Khoảng 4h chiều ngày 16/12, rời khỏi chỗ cuộc biểu tình, anh em CLB Nhà Báo Tự Do chúng tôi đi về, thì tôi đi trước, xuống cuối đường Phạm Ngọc Thạch và quẹo trái đường Võ Thị Sáu, vừa đến góc cây xăng thì tôi bất ngờ bị xe Honda @ cúp ngay đầu xe, phía sau 2 xe khác họ chắn luôn phía sau. Tôi hiểu ngay là họ muốn làm gì với tôi vì CLB Nhà Báo Tự Do đã nhiều lần bị đe doạ.

Bị đánh đấm, bóp cổ không cho nói

Trà Mi: Thưa anh, lúc đó anh có kịp hỏi họ là ai và mục đích của hành động tấn công này là gì không?

Hoàng Hải: Không. Họ tấn công và họ không cho tôi nói. Khi tôi là lên lần đầu thì họ xông vào, họ cố tình bóp cổ tôi để cho tiếng nói của tôi không phát ra được. Hai người họ giữ hai tay tôi, một người kẹp cổ và một ngưòi bóp yết hầu tôi, và một người đấm liên tục vào bụng tôi.

Trà Mi: Họ ngang nhiên tấn công anh ở giữa đường, giữa thanh thiên bạch nhật?

Hoàng Hải: Vâng. Họ không mặc đồng phục của cảnh sát.

Trà Mi: Có ai chứng kiến, có ai nhảy vào can thiệp không, thưa anh?

Hoàng Hải: Dạ rất đông dân chúng hai bên đường chứng kiến và có một người dừng hẳn xe lại hỏi tại sao bắt người, thì trong những người cảnh sát chìm này có một người nói là trộm, một người nói là ma tuý.

Trà Mi: Và sau đó thì như thế nào, thưa anh?

Hoàng Hải: Họ sợ tôi la thì cách họ xử lý tôi giữa đường như thế sẽ bị lộ, cho nên họ tiếp tục khoá chặt cổ tôi khiến tôi ngạt thở, tôi ngất đi trong một lúc thì là họ nhét tôi vào trong xe taxi.

Trà Mi: Dạ. Thế họ áp tải anh về trụ sở nào ạ?

Hoàng Hải: Khi tỉnh lại thì tôi nghe loáng thoáng họ hướng dẫn taxi chạy về Phường Đa Kao, Quận I. Và quả thật đúng là trụ sở công an Phường Đa Kao, Quận I. Khi xe vừa dừng là họ cặp hai chân tôi họ lôi ngược tôi trở ra khỏi xe.

Khi tôi vừa đứng lại được một cái thì ngay lập tức một người chỉ huy nói là "Tịch thu ngay điện thoại, không cho nó trả lời phỏng vấn". Liền lúc đó họ lấy luôn điện thoại và máy ảnh kỹ thuật số của tôi. Khi vào trong một cái phòng làm việc, tôi ngồi vào ghế để chờ làm việc thì họ có để điện thoại và máy ảnh của tôi ngay trên bàn.

Bất ngờ chuông điện thoại reo, tôi chộp lấy điện thoại và la lên (mặc dù không biết ai gọi) : "Anh bị bắt. Anh bị bắt." Lập tức 4 người xông vào giành giật cướp điện thoại của tôi. Họ đánh tôi liên tục. Lúc đó có một người chỉ huy vào nói "Thôi!" thì những người kia không đánh nữa.

Trà Mi: Nhưng anh có đặt câu hỏi vì sao họ dùng hành động bạo lực với anh trong khi chưa biết anh bị tội gì?

VnYouthProtestChina200.jpg
Công an theo dõi đoàn người biểu tình hôm 16-12-2007. Hình do cô Kim Thu cung cấp.>> Xem hình lớn hơn

Hoàng Hải: Tôi có đặt câu hỏi nhưng họ không trả lời. Tôi nói là "Anh muốn làm việc gì với tôi, anh phải viết giấy mời. Tôi sẽ lên làm việc với anh. Chứ còn các anh bắt tôi như bắt cướp giữa đường thế này là không được. Và một trong số các anh còn vu cáo tôi là trộm và buôn ma tuý nữa." Họ chối ngay, họ nói là việc đó họ không biết. Thế tôi hỏi "Anh đưa tôi về đây bằng cách gì?". Họ nói chuyện đó nói sau.

Truy tìm người tổ chức biểu tình

Trà Mi: Và nội dung buổi làm việc đó xoay quanh những vấn đề gì, thưa anh?

Hoàng Hải: Họ muốn biết là ai hay tổ chức nào thực hiện cuộc biểu tình đó. Đầu tiên họ hỏi tôi "Vì sao anh ra chỗ đó anh biểu tình? Do ai tổ chức?”

Tôi nói là "Ông Nguyễn Thành Tài chủ nhật tuần trước ông ấy hứa là sẽ trao cho Thành Đoàn tổ chức cuộc biểu tình này, cho nên tôi ra đây để hưởng ứng"

Người đang hỏi tôi nói " Rõ ràng là các anh có mặc một cái áo in ấn đàng hoàng. Cái áo đó là do ai vẽ?

Tôi nói "Áo đó do tôi vẽ."

Trà Mi: Thế phản hồi của họ trước những câu trả lời của anh như thế nào?

Hoàng Hải: Họ nói "Thế anh có coi cái thông báo của Công An Thành Phố không?.

Tôi nói "Tôi không biết cái thông báo này."

Và họ đưa một bài mà báo Công An Thành Phố đăng. Tôi nói "Đây là một bài báo, nhưng nó không phải là một thông báo chính thức được gửi cho tôi, cho nên tôi không biết việc này." Bài báo đó nói là có tổ chức Việt Tân và Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ tổ chức biểu tình cho nên Công An Thành Phố yêu cầu học sinh, sinh viên, công chức không được tham gia.

Nhưng mà tôi nói "Trong toàn bộ cái vấn đề biểu tình của tụi tôi, các anh để máy ở trên nóc Nhà Văn Hoá Thanh Niên chỉa máy sang quay liên tục, cho nên chúng tôi biểu tình ôn hoà hay không, có phần tử nào vào xúi giục hay không, các anh cứ xem lại băng thì các anh biết."

Họ nói "Công nhận là các anh biểu tình ôn hoà rồi, không có gì."

Trà Mi: Anh có đặt ra vấn đề là vì sao chính quyền công nhận đây là những cuộc diễu hành, biểu tình ôn hoà mà lại có trường hợp rắc rối, gây khó dễ cho những người tham gia như vậy không?

Hoàng Hải: Họ cho rằng là chúng tôi làm khó cho ngoại giao của nhà nước. Còn tôi thì phản đối cái ý kiến đó là tại vì tôi nói "Kể cả Tổng Thống Bush đi sang thăm các nước khác cũng bị người dân ở nước đó biểu tình. Việc biểu tình của người dân không ảnh hưởng tới ngoại giao và chính phủ không phải chịu trách nhiệm về việc đó. Đây là cái quyền hiến định thì người dân được quyền biểu lộ chính kiến của người ta mà thôi."

Lo ngại trước các cuộc biểu tình của dân chúng?

Trà Mi: Nhưng mà phần nào đó nó cũng dấy động lên một sự gọi là "mất trật tự trong an ninh xã hội" chẳng hạn, là cái điều mà chính phủ Việt Nam luôn luôn muốn đề cao đó, thưa anh.

Hoàng Hải: Tôi nghĩ rằng có lẽ họ lo là lo cái việc người dân sẽ quá quen với biểu tình chứ không phải họ lo việc biểu tình chống Trung Quốc nó như thế nào. Người ta cũng nói với tôi là "Tại sao anh biểu tình mà anh không xin phép?"

Tôi nói là "Hiến pháp thì có mà luật không cấm thì công dân cứ làm. Xin phép thì bây giờ chưa có luật biểu tình thì xin phép ở đâu?"

VnYouthProtestChina200c.jpg
Những người biểu tình từ Hà Nội ngày 16-12-2007 do chị Lê Thị Kim Thu thực hiện>> Xem hình lớn hơn

Anh ta nói "Ra phường xin phép."

Thế tôi nói "Nếu mà anh biết được văn bản nào, số nó bao nhiêu, tên nó là gì, thì anh nói cho tôi biết để tôi chấp hành."

Họ cho rằng là do mình biểu tình ôn hoà mà lại thu hút được người khác thành ra là kích động. Tôi thấy luận điệu đó là không đúng.

Trà Mi: Ngoài anh ra thì anh còn biết những trường hợp nào tương tự như vậy, cũng bị bắt giữ và cũng bị gây rắc rối từ phía chính quyền không?

Hoàng Hải: Hôm ấy riêng nhóm tôi thì có tôi, Tạ Phong Tần, cô Quỳnh Điệp, anh Hà Vũ Trọng. Anh Hà Vũ Trọng là Việt kiều ảnh về chơi nên ảnh chỉ đi cùng thôi chứ không phải người trong nhóm. Ảnh cũng bị.

Trà Mi: Dạ. Và cái nội dung làm việc, điều tra thì cũng giống như nhau?

Hoàng Hải: Giống. Giống như nhau. Lúc mà bắt ở ngoài đường thì người nào cũng bị vu cho là vận chuyển ma tuý và buôn ma tuý.

Trà Mi: Và cho tới giờ phút này thì tất cả mọi người đều được thả về và không gặp rắc rối gì khác nữa, phải không ạ?

Hoàng Hải: Hiện nay chúng tôi được thả về và họ cũng đe chúng tôi là còn mời lên làm việc nhiều.

Trà Mi: Trong suốt diễn tiến của cuộc biểu tình đó, về phía lực lượng an ninh họ có hành động nào mạnh tay hoặc là có dùng bất cứ hành động vũ lực nào đối với những người tham gia biểu tình hay không ạ?

Hoàng Hải: Ở trong khu vực đó thì họ đối xử hoà nhã, tức là trong khu trung tâm. Nhưng mà họ cứng rắn ở bên ngoài. Vòng trong thì họ nghĩ rằng đó là khu vực nhạy cảm, nhiều ống kính chỉa vào. Cho nên hầu hết những vụ bắt bớ xảy ra đều ở phía vòng ngoài chứ không phải ở vòng trong. Toàn bộ phía trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc sau ngày 9 tháng 12 là đã đặt hàng rào sắt ngăn chận ở đó và cắm mấy cái biển là "Cấm tụ tập". Khu vực đó là hàng loạt lính bảo vệ đứng ở đấy để canh giữ.

Cần minh định lập trường đối với Trung Quốc

Trà Mi: Và nếu như anh có cơ hội đại diện cho những tiếng nói của những người tham gia biểu tình ngày hôm đó, thì anh sẽ nói gì với chính phủ Việt Nam. Muốn dập tắt được hoạt động biểu tình này thì phía nhà nước cần có những thiện chí như thế nào để người dân yên lòng và không có dấy lên những hoạt động biểu tình như vậy nữa?

Hoàng Hải: Cái phản ứng của chính phủ Việt Nam phải mạnh mẽ hơn nữa trong ngoại giao đối với hành động rất là trịch thượng của Trung Quốc. Thậm chí cái việc nhỏ nhất là triệu hồi đại sứ của họ lại để trao công hàm phản đối thì họ cũng chưa có làm.

Chính vì những động thái của họ chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân cho nên người dân mới bức xúc đi bày tỏ chính kiến của mình.

Đồng thời, nhà nước nên tổ chức những cuộc mít-tinh hay biểu tình có hướng dẫn thì những cuộc biểu tình đó sẽ biểu lộ cái ý chí của chính phủ cũng như là cái ý chí của toàn dân hoà hợp với nhau. Đồng thời cũng để giáo dục người dân cho người ta biết rằng lãnh thổ của mình bị xâm phạm như thế, thì là khi chính phủ cần có thể huy động được những lực lượng tối đa trong dân chúng, hơn là cái việc chính phủ cấm đoán người dân biểu tình.

Việc ngăn hàng rào chặn hẳn con đường ấy lại, không cho xe cộ chạy qua và không cho tiếp cận vào khu vực Lãnh Sự Quán Trung Quốc hoàn toàn đây là cái việc ngăn chặn biểu tình chứ không phải chỉ giữ gìn an ninh trật tự.

Ngay chúng tôi đầu tiên đến đứng trên vỉa hè thì bị hết lực lượng này đến lực lượng khác đuổi. Họ nói đây là khu vực nhạy cảm. Tôi yêu cầu giải thích là trong luật có khu vực nào gọi là khu vực nhạy cảm thì họ không giải thích được.

Vừa rồi đã có một tuyên cáo của một nhóm văn nghệ sĩ yêu cầu chính phủ phải minh bạch các thông tin về quan hệ giữa hai nước (Việt Nam và Trung Quốc). Việc ở đây là tự do thông tin, tự do ngôn luận và làm cho người dân hiểu được tất cả những vấn đề này thì báo chí Việt nam họ làm chưa đúng mức. Đây cũng là cái mà người dân ngưòi ta đặt một câu hỏi. Đây là một sự khó hiểu.

Những thông tin không được cập nhật đầy đủ thì cái này chính ra nó lại gây ra nhiều dư luận không tốt. Cho nên, theo tôi nghĩ, minh bạch thông tin là vấn đề rất tốt chứ không phải nó là một điều gì làm cho chính phủ phải khó xử cả.

Trà Mi: Vâng. Đó cũng là mong mỏi của người dân hiện nay. Và nếu như mà những mong mỏi đó không được đáp ứng thì anh dự đoán là diễn tiến sắp tới sẽ như thế nào, thưa anh?

Hoàng Hải: Tôi thấy những diễn đàn trên mạng họ vẫn cứ muốn tiếp tục tổ chức những tuần như thế nữa cho đến khi nào phản ứng của họ được trả lời thích ứng. Tôi nghĩ rằng mình bày tỏ lòng yêu nước thì chả có cái gì là xấu cả. Cho nên việc tham gia là đương nhiên rồi.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn anh Hoàng Hải đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Hoàng Hải: Vâng ạ.