Hoa Kỳ phản đối việc bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí đối với Trung Quốc

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong chuyến thăm Châu Âu kéo dài 4 ngày với mục đích hàn gắn ngoại giao với các nước đồng minh, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush một lần nữa khẳng định quan điểm của Nhà Trắng phản đối việc Châu Âu định bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí cho Trung Quốc. Nguyên nhân vì sao?

0:00 / 0:00
Bush_NATO150.jpg
Tổng thống Bush phát biểu tại Hội nghị của khối NATO hôm 22-2-2005 ở Brussels. AFP PHOTO POOL-BENOIT DOPPAGNE

Dự định của Châu Âu chấm dứt 15 năm lệnh cấm vận võ khí đối với Hoa Lục sẽ ảnh hưởng đến cân bằng chiến lược giữa Trung Quốc và Đài Loan; và quốc hội Hoa Kỳ có thể sẽ trả đũa bằng chính sách hạn chế mua bán võ khí với châu lục anh em này.

Đó là lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ gửi đến các nhà lãnh đạo Châu Âu nhân chuyến công du các nước đồng minh, bắt đầu từ ngày 20 và kết thúc vào ngày 24 tháng này.

Nhân quyền chưa tiến bộ

Washington thường xuyên khẳng định rằng vấn đề nhân quyền của Trung Quốc kể từ khi lệnh cấm vận ban hành tới nay vẫn chưa có chuyển biến tiến bộ để xứng đáng được huỷ bỏ lệnh trừng phạt.

Nước Mỹ hết sức lo ngại việc mua bán võ khí sẽ trở thành hành động chuyển giao kỹ thuật quân sự cho Hoa Lục, và điều sẽ làm thay đổi thế cân bằng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan.

Ngoài ra, Hoa Kỳ từng hứa sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp đảo quốc bị Bắc Kinh tấn công. Vì thế, Washington quan ngại rằng bãi bỏ cấm vận cho Hoa Lục chính là cho phép xứ này có điều kiện thu thập những kỹ thuật quân sự nhạy cảm, là một điều bất lợi cho Đài Loan.

Mặt khác, Nhà Trắng cũng lo sợ tình trạng để cho võ khí và kỹ thuật quân sự lọt vào tay những kẻ cực đoan hay những chính quyền không ổn định.

Tại buổi họp báo với tổng thư ký khối NATO, ông Bush bày tỏ quan điểm: "Nước Mỹ hết sức lo ngại việc mua bán võ khí sẽ trở thành hành động chuyển giao kỹ thuật quân sự cho Hoa Lục, và điều sẽ làm thay đổi thế cân bằng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan."

“Chuyển giao kỹ thuật quân sự cho Bắc Kinh”

Cũng nhân buổi họp báo này, ông Bush nhấn mạnh Quốc hội Mỹ sẽ bàn bạc phương án phản ứng đối với điều được gọi là "chuyển giao kỹ thuật quân sự cho Bắc Kinh".

Tuy các nước Châu Âu cam kết phát triển 1 dự án mua bán chuyển giao võ khí mà không mang tính chất chuyển giao kỹ thuật quân sự, nhưng ông Bush vẫn tỏ ra nghi ngại về điều này. Tổng thống Mỹ nói rằng lời hứa này có đảm bảo hay không, chỉ có thời gian mới có lời giải đáp.

Mặc dù vậy, phía Châu Âu thì vẫn cho rằng cứ đánh đồng Hoa Lục với những nước bị cấm vận võ khí khác như Miến Điện, Sudan, và Zimbawe là một việc sai lầm.

Bàn về vấn đề này với ông Bush, Tổng thống Chirac của Pháp tái khẳng định dự tính chấm dứt cấm vận của Châu Âu dành cho Bắc Kinh, nhưng đồng thời cũng nói là các biện pháp bảo đảm an ninh sẽ được vạch ra rõ ràng để đáp lại mối lo ngại của Mỹ.

Theo lời ông Chirac, Châu Âu muốn tháo gỡ những rào cản cuối cùng trong quan hệ với Bắc Kinh, theo một đường lối có tinh thần trách nhiệm.

Trực tiếp đối nghịch

Quốc hội Hoa Kỳ trong tháng này đã thông qua một nghị quyết nói rằng việc bãi bỏ cấm vận võ khí đối với Hoa Lục sẽ là hành động trực tiếp đối nghịch với quyền lợi an ninh của Mỹ, và điều này cần phải có những chế tài và giới hạn.

Mục đích chuyến công du 4 ngày lần này của Tổng thống Bush là hàn gắn những sứt mẻ ngoại giao với đồng minh Châu Âu vì các bất đồng xung quanh cuộc chiến Iraq. Thế nhưng, mâu thuẫn về lệnh trừng phạt võ khí đối với Hoa Lục cũng như những bất đồng giữa hai bên về biện pháp đối phó với tham vọng hạt nhân của Iran cho thấy Mỹ và EU vẫn chưa đạt được tiếng nói chung trong một số vấn đề quốc tế chủ chốt.

Hai bên đồng ban hành lệnh cấm vận võ khí đối với Trung Quốc từ năm 1989, vài tuần sau khi nhà nước Hoa Lục đàn áp đẫm máu những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại quãng Trường Thiên An Môn.