Cúm gia cầm: mối đe doạ của nhân loại

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Hôm thứ năm vừa qua, hội nghị tòan cầu về dịch cúm gia cầm đã khai mạc tại Washington với sự tham dự của đại diện 80 quốc gia trong đó có Việt Nam. Phát biểu trong buổi lễ khai mạc, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Hoa Kỳ ông Mike Johanns nhấn mạnh sự cần thiết phải có những biện pháp thích nghi để phòng chống dịch cúm gia cầm có thể giết hại hàng triệu người trên thế giới và hội nghị kỳ này chứng tỏ mối quan tâm chung của các quốc gia.

MikeJohanns150.jpg
Bộ Trưởng Nông Nghiệp Hoa Kỳ ông Mike Johanns. AFP PHOTO

Kể từ cuối năm 2003 cho đến nay, virút H5N1 đã khiến một số quốc gia phải tiêu hủy hàng chục triệu gia cầm, gây bệnh cho 100 người trong đó có ít nhất 63 người thiệt mạng. Thiệt hại do dịch bệnh này gây nên cho ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới ước tính vào khỏang 15 tỉ đô la trong đó Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Quốc gia chú ý đến dịch cúm gia cầm hàng đầu

Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu chú ý đến dịch cúm gia cầm. Trong năm 2004, Bộ Y tế Mỹ đã viện trợ hơn năm triệu rưỡi đô la về kỹ thuật và tài chánh cho các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như cho tổ chức Y Tế Thế Giới trong công tác chuẩn bị phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ngày 11 tháng 5 vừa qua, Tổng Thống Bush ký một quyết định khẩn cấp chi 25 triệu đô la cho chương trình phòng ngừa cũng như ngăn chận dịch cúm gia cầm lây lan. Số tiền này dùng viện trợ thêm cho các quốc gia Đông Nam Á.

Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush ngay trong phiên họp khoáng đại của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 14 tháng 9 vừa qua thông báo sự cần thiết trong việc phối hợp các quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm. Sự phối hợp này sẽ nối kết các quốc gia và các tổ chức quốc tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh càng ngày càng có nguy cơ phát triển này.

Tổng thống Bush nhấn mạnh đến việc các quốc gia cần phải thông báo ngay lập tức không che dấu việc dịch bệnh xuất hiện để quốc tế có thể dễ dàng và nhanh chóng đối phó với sự bột phát của dịch bệnh hiễm nghèo này.

Sự chuẩn bị của thế giới ngày hôm nay phản ánh bài học rút ra từ trận đại dịch hồi vào năm 1918 khi dịch cúm xuất phát từ Tây Ban Nha giết hại đến 50 triệu sinh mạng trên toàn thế giới ngay sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất chấm dứt.

Mối lo sợ có căn cứ

BirdFlu5_200.jpg
Hôm 28-2-2005, Anh Nguyễn Sĩ Tuấn (trái), nằm bên cạnh giường bệnh của em gái, Nguyễn Thị Ngoan tại bệnh viện Hà Nội. Cả hai đều có xét nghiệm dương tính virus H5N1. AFP PHOTO

Mối lo sợ này càng có căn cứ sau khi hai nhóm khoa học gia Hoa kỳ phát hiện trong chuỗi gen của virút H5N1 gây cúm gia cầm ở Châu Á mới đây có một số những biến đổi gen chủ yếu giống như loại virút gây ra dịch cúm Tây Ban Nha hồi trước.

Phát hiện này được công bố vào hôm thứ Tư vùa qua trong tạp chí Thiên nhiên và Khoa Học xuất bản tại Hoa Kỳ.

Hôm thứ Hai, trước khi hội nghi quốc tế phòng chống dịch cúm gia cầm khai mạc hai ngày, Tổng Thống Bush trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh ông rất quan tâm đến việc báo cáo khẩn cấp cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới một khi dịch cúm này phát hiện:

Ông cũng chú trọng đến việc khuyến khích các công ty dược phẩm sản xuất đại trà thuốc chủng ngừa có thể cung cấp cho tòan thế giới.

Bộ Trưởng Canh Nông Hoa Kỳ ông Mike Johanns, trong phiên họp khai mạc hội nghị quốc tế phòng chống dịch cúm gia cầm ngày hôm qua tại Washington nhắc lại lời tuyên bố của ông Bernard Vallat, Tổng giám đốc OIE về vấn đề kiềm chế dịch cúm gia cầm : “Nếu dịch cúm gia cầm được kiềm chế trên lòai vật, thì mối nguy dịch bệnh lây lan sang người giảm hàng ngàn lần và chi phí cũng giảm thiểu đáng kể.”

Hiện nay vaccine tiêm chủng cho người để chống cúm gia cầm chưa có. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo là có thể sử dụng thuốc Oseltamavir, tên thương mại là Tamilflu để ngừa và chữa trị bệnh cúm gia cầm.