Hội nghị Bali và vấn đề biến đổi của khí hậu toàn cầu


2007.12.20

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Hội nghị quốc tế về khí hậu toàn cầu, diễn ra ở Bali thượng tuần tháng 12 năm nay, vừa kết thúc mấy ngày trước. Nhã Trân lược thuật những thành quả chính của hội nghị Bali và vấn đề khí hậu từ phúc trình mới đây của cơ quan IPCC, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

BaliClimateEnvironment150.jpg
Trang trí bên ngoài Hội nghị quốc tế về khí hậu toàn cầu 2007 tại Nusa Dua, đảo Bali, hôm 5-12-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Hôm thứ Bảy 15 tháng 12 hội nghị về vấn đề khí hậu kỳ này đạt thoả thuận sau cuộc đàm phán dài 13 ngày, trễ hơn lịch trình một ngày. Kết quả của hội nghị được đánh giá là thành công với sự đồng thuận của các nước, là sẽ hội đàm về một nghị định thư mới thay cho Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Theo dự tính, hiệp định mới để giải quyết vấn đề khí hậu biến đổi sẽ được thảo luận vào năm 2009. Một văn kiện tên gọi Lộ đồ Bali sẽ qui định các cuộc đàm phán về kế hoạch cắt giảm các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 25% đến 40% vào năm 2020 so với năm 1990.

Điều được quan tâm là Lộ đồ Bali không qui định rõ những mục tiêu giảm khí thải, vốn là điều hầu hết các nước mong muốn, vì Mỹ, với sự hậu thuẫn của Nga, Canada và Nhật Bản, đã kiên quyết giữ vững lập trường rằng điều này có thể thực hiện trong các cuộc hội đàm tương lai.

Trong hội nghị kỳ này, một trong các vấn đề được quan tâm hàng đầu là việc Mỹ có đồng ý với đề nghị các nước giàu sẽ gia tăng tài trợ để các nước nghèo phát triển những công nghệ sạch hay chăng. Vì vậy, hội nghị đã bế mạc trong sự phấn khởi của quốc gia, trước sự kiện Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không bài bác kế hoạch của nhóm các nước thứ ba.

Trong thời gian các đàm phán diễn ra ráo riết tại Bali, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki moon đã lên tiếng kêu gọi các nước hợp tác để đạt giải pháp cho sự biến đổi của khí hậu toàn cầu:

Chúng ta hành động để đạt thành công, không để gặp thất bại. Chúng ta phải thành công từ hội nghị Bali này. Chúng ta phải có khả năng tiến hành các thương lượng, đạt các thoả thuận quốc tế vào năm 2009, với một chương trình rõ rệt.

Từ hạ tuần tháng 11, không lâu trước khi Hội nghị Bali khởi sự, cơ quan IPCC, Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hiệp Quốc, đã công bố phúc trình thứ tư về vấn đề khí hậu trên toàn cầu nhằm giúp thế giới thẩm định chính xác về vấn đề trước khi khởi sự các thương thảo.

Chúng ta hành động để đạt thành công, không để gặp thất bại. Chúng ta phải thành công từ hội nghị Bali này. Chúng ta phải có khả năng tiến hành các thương lượng, đạt các thoả thuận quốc tế vào năm 2009, với một chương trình rõ rệt.

Trái đất ngày càng nóng hơn

Báo cáo xác nhận tình trạng trái đất ngày càng nóng hơn, con người là tác nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng đến 70% kể từ năm 1970 đến 2004.

Những cảnh báo được chú ý nhất là sự kiện nhiệt độ trên trái đất sẽ tăng dần khiến khí hậu khắc nghiệt hơn và các thiên tai như bão, hoả hoạn, hạn hán và dịch bệnh xảy ra nhiều; mực nước biển và nước sông hồ dâng dẫn đến lụt lội ở Châu Á; sản lượng lương thực nhiều nước bị giảm đáng kể.

Từ nhiều năm nay các nghiên cứu quốc tế đã xác nhận khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt tại nhiều khu vực thế giới, gây ra những hiện tượng quá mức. Nhiều xứ hàn đới trở nên ấm hơn xưa và nhiều xứ nóng bị bão, hạn hán và lũ lụt nặng nề, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á.

Nói đến lũ lụt, tình nghi là hậu quả của khí hậu biến đổi, tại Việt Nam trong thời gian gần đây xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường gây thương vong, thiệt hại nặng. Còn tại Sàigòn, nhiều năm trở về trước cảnh nước ngập chỉ xảy ra sau những cơn mưa rào liên tiếp, và thường chỉ ở những vùng thấp. Hiện nay mực nước dâng cao tới mức báo động, ảnh hưởng đến sinh hoạt của ngừơi dân.

Hội nghị Bali đã kết thúc và chưa đạt được cam kết cụ thể nào về việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng dần lên. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nhìn nhận cảnh báo của cơ quan IPCC và tỏ ra hy vọng một giải pháp cho vấn đề khí hậu biến đổi rồi đây sẽ thành hình:

“Thật là một điều phi thường khi 2 ngàn 5 trăm thành viên của IPCC, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, đã có cùng một lập trường, cùng một tiếng nói, và điều này cần được tôn trọng..….Tôi sẽ thúc giục các cường quốc thể hiện sự linh động và chứng tỏ khả năng lãnh đạo của họ.”

Trong khi chờ đợi hiệp định mới về vấn đề cắt giảm khí thải toàn cầu, dự định được thảo luận vào năm 2009, thế giới có lẽ vẫn tiếp tục sống trong tình trạng khí hậu biến đổi và chịu mọi tác động của sự kiện này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.