Lệnh cấm bán hải sản nhập khẩu từ Việt Nam không liên quan đến việc an toàn sức khoẻ

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Alabama, Mississippi, và Louisiana, 3 tiểu bang có kỹ nghệ hải sản mạnh của Hoa Kỳ từng kiện Việt Nam bán phá giá hải sản, vừa ra lệnh cấm bán các mặt hàng hải sản nhập khẩu từ Việt Nam, với lý do nghi ngờ cá basa Việt Nam có chứa dư lượng chất kháng sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng Mỹ.

CatFishMarket200.jpg
Người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng cá basa của Việt Nam hơn là cá catfish nội địa. AFP PHOTO

Thực hư vấn đề này ra sao? Trà Mi đã trao đổi với ông John Sackton, Tổng biên tập của tờ báo điện tử Seafood.com, cơ quan thông tin báo chí về ngành công nghiệp hải sản, có trụ sở tại Massachusetts, Hoa Kỳ.

Không dựa trên các căn cứ về sức khoẻ

Trà Mi: Thưa ông, ông có nhận xét gì về lệnh cấm mà 3 tiểu bang Alabama, Mississippi, và Louisiana đã ban hành đối với hải sản nhập khẩu từ Việt Nam?

Ông John Sackton: Những lệnh cấm này không dựa trên các căn cứ về sức khoẻ. Thật ra các nhà nuôi trồng hải sản tại Mỹ không được phép dùng các loại thức ăn có pha chất kháng sinh để nuôi trồng tôm cá.

Trên tinh thần đó, khi phát hiện cá basa của Việt Nam có chứa dư lượng kháng sinh, Cơ quan Thực phẩm và Thuốc men Hoa Kỳ, FDA, đã đúng khi cho rằng các nhà xuất khẩu hải sản của Việt Nam vi phạm về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, chất kháng sinh hoàn toàn được cho phép sử dụng trong việc chăn nuôi gia cầm tại Mỹ và Anh Quốc.

Trong trường hợp này, 3 tiểu bang ra lệnh cấm hải sản nhập khẩu từ Việt Nam là Alabama, Mississippi, và Louisana, nếu họ không thử nghiệm cá basa Việt Nam, mà khảo nghiệm gia cầm nuôi tại Mỹ thì tất nhiên cũng sẽ tìm thấy chất kháng sinh.

Vâng, dĩ nhiên là các nông dân Việt Nam không nên dùng kháng sinh trong việc nuôi trồng hải sản, nhưng vấn đề được nêu lên ở đây có liên quan đến mục đích lôi kéo người tiêu dùng Mỹ trở lại với các loại cá nuôi trồng nội địa, hơn là hướng tới phạm trù bảo vệ sức khỏe khách hàng.

Xuất phát từ kết quả một cuộc khảo sát

Nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân giới chức Nông nghiệp Hoa Kỳ có hành động này xuất phát từ kết quả cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng cá basa của Việt Nam hơn là cá catfish nội địa.

Trà Mi: Thưa vụ việc này khởi sự từ khi nào, thưa ông?

Ông John Sackton: Nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân giới chức Nông nghiệp Hoa Kỳ có hành động này xuất phát từ kết quả cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng cá basa của Việt Nam hơn là cá catfish nội địa.

Trà Mi: Nhưng cụ thể thì chất kháng sinh mà họ nghi ngờ có trong hải sản xuất khẩu của Việt Nam có thật sự nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng không thưa ông?

Ông John Sackton: Không, nó không thật sự nguy hiểm. Theo nhiều người, sự việc chỉ bùng phát khi Đại học Mississippi công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy dân Mỹ thích ăn cá basa Việt Nam hơn cá nuôi trồng tại Mỹ.

Nội trong vài tuần sau đó, Cơ quan FDA thông báo cho, nếu tôi nhớ không lầm là, tiểu bang Louisiana rằng thử nghiệm mẫu cá nhập khẩu từ Việt Nam cho thấy có chứa chất kháng sinh. Thế là các quan chức Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã sử dụng yếu tố này làm phương tiện để tẩy chay hải sản Việt Nam.

Cách đối phó

Trà Mi: Trong trường hợp này, ông nghĩ phía các nhà xuất khẩu Việt Nam nên làm gì để đối phó với vấn đề?

Ông John Sackton: Quan trọng hơn là nên kiểm soát việc nuôi trồng thuỷ hải sản, không cho nông dân sử dụng hoá chất nông nghiệp bất hợp pháp tại Việt Nam. Tôi biết thường thì chính phủ cũng nỗ lực khuyến cáo dân chúng sử dụng những hoá chất cho phép, nhưng trong vài trường hợp, người dân không làm đúng theo các luật lệ quy định.

Trà Mi: Trước đây đã có trường hợp nào tương tự như thế này xảy ra cho các nước xuất khẩu hải sản khác, ngoài Việt Nam hay chưa, thưa ông?

Ông John Sackton: Dĩ nhiên đã có xảy ra với các quốc gia, như Trung Quốc, Indonesia, Ấn độ , Bangladesh...Nhiều nước khác nữa cũng gặp vấn đề tương tự, chứ không phải chỉ với hải sản Việt Nam không thôi đâu. Điều này phản ánh công tác kiểm soát hàng xuất khẩu tốt hay chưa tốt nhằm bảo đảm hải sản xuất cảng đáp ứng các quy định và yêu cầu của nước nhập khẩu, bất kể là Hoa Kỳ hay EU.

Đối với các nước khác

Trà Mi: Việc này đã xảy ra với các nước khác, vậy thì kết quả của họ ra sao?

Ông John Sackton: Đối với trường hợp của Trung Quốc thì hậu quả là Liên Hiệp Châu Âu đã tuyệt đối cấm nhập khẩu một vài mặt hàng hải sản trong suốt 18 tháng. Bất cứ vấn đề gì liên quan đến lĩnh vực sức khoẻ thì cũng trở thành trầm trọng cả.

Nhưng trường hợp cụ thể của Việt Nam mà chúng ta đang nói đến thì dường như liên quan nhiều đến cái gọi là "vi phạm kỹ thuật", chứ không phải là vấn đề về an toàn sức khoẻ.

Nhưng trường hợp cụ thể của Việt Nam mà chúng ta đang nói đến thì dường như liên quan nhiều đến cái gọi là "vi phạm kỹ thuật", chứ không phải là vấn đề về an toàn sức khoẻ.

Trà Mi: Và đây có phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Mỹ không thưa ông?

Ông John Sackton: Không phải là lần đầu. Chuyện này diễn ra khá thường xuyên, vì Hải quan và Cơ quan lương thực và thuốc men FDA của Hoa Kỳ luôn lấy mẫu các sản phẩm để kiểm nghiệm khi trước khi cho phép nhập khẩu. Và nếu phát hiện ra đơn vị xuất khẩu nào không đủ tiêu chuẩn, thì họ đưa ra cảnh báo hoặc giam hàng.

Tất cả các sản phẩm nhập khẩu qua Mỹ đều phải trải qua quá trình kiểm tra này, những sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị khước từ, không cho nhập cảng. Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang Mỹ, tôi không rõ hiện có bao nhiêu công ty đang bị cảnh báo. Có lẽ là 10 hay 20 gì đó.

Trà Mi: Ông có biết khi nào thì có quyết định cuối cùng không thưa ông?

Ông John Sackton: Ồ không có quyết định chung cuộc, việc này chỉ áp dụng cho từng doanh nghiệp mà thôi, chứ không áp dụng cho toàn bộ hệ thống xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Hiện các tiểu bang đang tiến hành kiểm nghiệm các sản phẩm mà họ nhập khẩu.

Nhưng nhìn từ khía cạnh của các nhà phân phối thực phẩm thì việc kiểm nghiệm theo từng tiểu bang như vậy quả là một vấn đề. Họ ủng hộ các cuộc kiểm nghiệm với quy mô và hiệu lực toàn quốc do FDA thực hiện hơn là các cuộc thử nghiệm riêng lẽ của từng tiểu bang. Hơn nữa, FDA có những luật lệ của họ.

Và những quy định trừng phạt sẽ được áp dụng đối với từng cá nhân doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm không đạt chất lượng, chứ không phải với toàn bộ quốc gia xuất khẩu.