Dân chúng Iraq với khát vọng Dân chủ
2005.12.16
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Lòng khát khao dân chủ đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Đó là những gì người ta có thể mô tả về cuộc bầu cử quốc hội Iraq khai diễn hôm 15/12. Hàng triệu người dân Iraq can đảm đến các phòng phiếu thể hiện trách nhiệm công dân của mình, bất chấp bạo động võ trang vẫn rải rác khắp nơi, đe doạ cuộc bầu cử.

Theo tin Reuters, tại hàng ngàn trạm bỏ phiếu từ khu vực của người Kurd ở phía Bắc đến địa bàn của người Shiite tại miền Nam, những cử tri dũng cảm chia sẻ chung một thông điệp rằng đây là giây phút họ quyết định tương lai của chính đất nước họ, xoá bỏ thể chế độc tài cùng những giai đoạn khó khăn và đẫm máu .
Cuộc bầu cử lịch sử
Một cư dân tại thành phố Ramadi tên Jamal Mahmoud phát biểu rằng ông rất phấn khởi tham gia cuộc bầu cử lịch sử này, với hy vọng nó sẽ khiến cho quân đồng minh Hoa Kỳ sớm rút khỏi Iraq.
Số cử tri đi bầu đông đến nỗi các trạm bỏ phiếu ở một số nơi phải mở cửa thêm 1 giờ đồng hồ nữa để giải quyết hết những người xếp hàng đi bầu trong ngày.
Theo đánh giá của giới quan sát, cuộc bầu cử lần này diễn ra khá yên bình, khác hẳn với tình hình căng thẳng của cuộc bầu cử quốc hội lập hiến hồi tháng giêng vừa qua, với số thương vong lên tới 40 người.
Trưởng Hội đồng bầu cử Iraq cho biết tổng số phiếu trong ngày đạt ít nhất là 10 triệu, tức 67%, cao hơn kỳ bầu cử cuối tháng giêng gần 10%. Xung quanh khu vực Tikrit, quê nhà của cựu độc tài Saddam Hussein và cũng từng là địa bàn hoạt động chính của phe đối lập Sunni, số phiếu thu được là 83%.
Đặc sứ Liên hiệp quốc tại Iraq, ông Ashraf Qazi hài lòng đánh giá rằng nhìn chung ngày bầu cử diễn ra tốt đẹp và là một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ đối với người dân xứ này.
Bản tin của hãng AFP trích dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng, ông Scott McClellan, gọi đây không những là một ngày lịch sử đối với nhân dân Iraq, mà còn đối với khu vực Trung Đông và cả thế giới nói chung nữa, vì nó là ngày đánh dấu tự do lên ngôi. Tổng thống Mỹ George W.Bush phát biểu rằng công việc trước mắt đòi hỏi sự kiên trì và phối hợp của cả Iraq và Hoa kỳ, vì tự do và dân chủ cho Iraq chính là mối quan tâm chung.

Thủ tướng Iraq, Ibrahim al-Jaafari, nhận định các thùng phiếu là một minh chứng rõ ràng cho thấy chế độ độc tài đã bị dân chủ đánh bại. Trong khi đó, ông Adel Abdul Mehdi, phó tổng thống nước này khẳng định rằng những lá phiếu vì dân chủ chứng minh thái độ cứng rắn của người dân xứ ông đối với khủng bố và các thành phần nổi dậy.
Kết quả cuộc khảo sát không chính thức do hãng Reuters thực hiện tại nhiều nơi trên lãnh thổ Iraq cho thấy phe liên minh Hồi giáo Shiite và người Kurd vẫn duy trì được thế lực tại địa bàn chủ chốt của họ ở 2 khu vực phía Nam và phía Bắc.
Kết quả sơ khởi cũng cho thấy cựu thủ tướng Iyad Allawi xem chừng vẫn còn được đa số dân chúng ủng hộ mạnh mẽ.
Tăng cường an ninh
Nhằm tăng cường an ninh cho cuộc bầu cử, chính quyền Iraq đã ra lệnh cấm xe cộ lưu thông trong 3 ngày. Đồng thời, với sự hậu thuẫn của quân đồng minh Hoa Kỳ, một lực lượng hùng hậu gồm 200 ngàn binh sĩ Iraq được bố trí, điều động đến canh gác, bảo vệ cho 6 ngàn điểm bỏ phiếu.
Tuy nhìn chung cuộc bầu cử khởi đầu tốt đẹp, nhưng cũng không tránh khỏi cảnh đổ máu vì các lực lượng dân quân nổi dậy vẫn cố tâm phá hoại sự kiện này. Trong ngày, có vài vụ nổ xảy ra, nhất là vào đúng thời điểm các phòng phiếu bắt đầu mở cửa. Ít nhất 2 người bị sát hại tại Mosul và Tal Alfar. Vài người khác bị thương khi súng cối pháo kích vào ngay khu Vành đai xanh ở Baghdad.
Vẫn chưa rõ khi nào kết quả chung cuộc sẽ chính thức được công bố nhưng theo quy định, chậm nhất là sau 2 tuần, tân chính phủ sẽ được hình thành. Sau đó, quốc hội Iraq sẽ tiến hành chọn ra tổng thống, là người sẽ đề cử ứng viên cho vị trí thủ tướng để thành lập chính phủ.
Tính luôn cả những người đang sinh sống ở hải ngoại, tổng cộng có khoảng 15 triệu cử tri Iraq đủ điều kiện bỏ phiếu bầu chọn 275 đại biểu quốc hội, với nhiệm kỳ 4 năm.
Đây là cuộc bầu cử thứ ba diễn ra trong năm nay, sau cuộc bầu cử quốc hội lập hiến được tổ chức hồi tháng giêng và cuộc trưng cầu dân ý về bản tân hiến pháp vừa được tổ chức hồi giữa tháng 10 vừa rồi.
Người ta hy vọng rằng thành công hơn dự tính ban đầu của cuộc bầu cử sẽ là một động lực tiếp sức cho tân chính quyền trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo nổi dậy và các thành phần khủng bố, đồng thời mở màn cho một sự phục hồi kinh tế mong đợi bấy lâu.
Những bài liên quan
- Cuộc bầu cử tại Iraq thu hút sự chú ý của dư luận thế giới
- Iraq tăng cường an ninh trước ngày bầu cử quốc hội
- An ninh tại Iraq vẫn bất ổn trước ngày bầu cử quốc hội
- Bạo động tiếp diễn ở Iraq khiến hàng chục người chết và bị thương
- Phiên tòa xử Saddam Hussein tiếp nối trong cảnh xáo trộn
- Sĩ quan Mỹ: phần đông các chiến binh nổi dậy ở Iraq là người bản xứ
- Luật sư Clack: chưa có đủ thời giờ để thảo luận với Saddam về vấn đề pháp lý
- Tổng thống Iraq hội kiến lãnh tụ tối cao Ali Khamenei của Iran
- 6 người chết trong 2 vụ đánh bom cảm tử gần trụ sở bộ nội vụ Iraq
- Đụng độ giữa liên quân Mỹ-Iraq với phe nổi dậy gần biên giới Syria
- Lực lượng Hoa Kỳ hạ sát 37 quân nổi dậy Iraq gần biên giới Syria
- Tổng thứ ký LHQ Kofi Annan bất nhờ ghé thăm Iraq
- Quân đội Iraq sẽ mở thêm các cuộc hành quân truy lùng khủng bố
- Bản tân hiến pháp của Iraq đã đựơc nhân dân phê chuẩn
- Iraq: 3 vụ đánh bom xe liên tiếp làm nhiều người thiệt mạng
- Dự thảo Hiến pháp mới của Iraq nhiều hy vọng sẽ được thông qua
- Cử trị Iraq bỏ phiếu trưng cầu dân ý về bản dự thảo tân Hiến pháp
- Quân đội Mỹ kết thúc chiến dịch càn quét ở mạn Tây Iraq
- Thêm 2 lính Mỹ bị thiệt mạng ở Iraq
- Bầu cử Quốc Hội ở Ba Lan: phe Cộng Sản cũ thất cử, phe trung hữu thắng lớn