Ðại dịch cúm 1918 do Virus cúm gia cầm gây nên
2005.10.07
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Một cuộc nghiên cứu mới đây nhất do các khoa học gia Mỹ thực hiện đã phát hiện thủ phạm của trận đại dịch cúm giết mấy chục triệu người trên thế giới hồi năm 1918 chính là một chủng loại virus cúm gia cầm biến thái lây từ người sang người. Kết quả nghiên cứu nhằm tìm hiểu nguồn gốc trận dịch cúm tòan cầu hồi năm 1918 cho thấy đây là một loại virus cúm gia cầm biến thái có khả năng lây sang người, sau đó lan tràn thành dịch bệnh khiến 50 triệu người trên thế giới thiệt mạng lúc bấy giờ.
Đây là công trình nghiên cứu hỗn hợp của hai nhóm khoa học gia thuộc đại học y khoa Mount Sinai, Phòng Bệnh Lý Và Phòng Thí Nghiệm Thuộc Học Viện Quân Sự Hoa Kỳ, dựa căn bản trên sự tái tạo virus gây cúm năm 1918. Các chuyên gia đã phát hiện là trong chuỗi gene của virus H5N1 đang gây dịch cúm gia cầm ở Châu Á hiện nay có một số hiện tượng biến đổi gene chủ yếu giống như loại virus cúm chết người hồi năm 1918.
Bước tiến vô cùng quan trọng
Ngay sau khi kết quả được tung ra, hai cơ quan y tế hàng đầu của Mỹ là Trung Tâm Kiểm Soát Phòng Chống Dịch Tể bang Atlanta và Viện Y Tế Quốc Gia bang Maryland đã ra thông cáo báo chí để bày tỏ sự phấn khởi, nói rằng đây là bước tiến vô cùng quan trọng trong nổ lực phòng chống một trận đại dịch khác cho nhân loại.
Nói chuyện với đài Á Châu Tự Do qua điện thoại, bà Jennifer Morconi, phát ngôn nhân của Trung Tâm Kiểm Soát Phòng Chống Dịch Tể ở Atlanta, cho biết:
Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Chống Dịch Tể vừa loan báo về kết quả nghiên cứu thành công dựa trên sứ tái tạo virus để tìm ra thủ phạm chính của trận đại dịch hồi đầu thế kỹ này. Đây là thành quả quan trọng vì nó giúp các khoa học gia hiểu được những trạng thái biến thể của chủng loại virus gây dịch cúm hồi năm 1918 đã gây tử vong khủng khiếp cho con người lúc bấy giờ."
Vẫn theo lời người phát ngôn này, mục tiêu của cuộc nghiên cứu cũng là nhằm phat huy và thăng tiến khả năng đối phó cũng như có chuẩn bị những biện pháp tích cực để phòng chống sự lan tràn của H5N1 đang hòanh hành tại nhiều nước Châu Á hiện nay.
Đây là thành quả quan trọng vì nó giúp các khoa học gia hiểu được những trạng thái biến thể của chủng loại virus gây dịch cúm hồi năm 1918 đã gây tử vong khủng khiếp cho con người lúc bấy giờ.
Bà nói đây là lần đầu tiên các khoa học gia Mỹ có thể nghiên cứu trực tiếp loại virus gây dịch bệnh, để biết chủng loại virus nào nguy hiểm nhất, có khả năng gây tử vong nhiều nhất.
Dưới mắt tiến sĩ Anthony Fauci, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ, thì thành quả mới nhất này có tầm ảnh hưởng tức thì đến việc nghiên cứu của các chuyên gia y tế đang theo dõi sự biến thái của H5N1 để xem virus này có khả năng truyền sang người như từng được khuyến cáo không.
Hội nghị y khoa quốc tế tổ chức tại Washington
Hôm thứ Tư, một hội nghị y khoa qui tụ các chuyên gia dịch tể từ 65 quốc gia và tổ chức quốc tế đã diễn ra tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.
Đề tài thảo luận trong hai ngày hội nghị này là hợp tác tòan cầu để đối phó với dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan tràn thành đại dịch, nhấn mạnh đến nhu cầu chia sẻ thông tin, minh bạch và nhanh chóng đáp ứng giúp đỡ khi dịch bệnh bộc phát.
Hội nghị phản ảnh sự quan tâm của chính phủ Mỹ trước sự đe doạ của dịch cúm gia cầm. Lên tiếng trong cuộc họp báo trước đó một ngày, Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush phát biểu rằng nếu thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp cô lập để phòng chống sự truyền nhiễm của dịch cúm gia cầm thì quân đội sẽ đảm nhiệm công tác này.
Vẫn theo lời Tổng thống Bush, chuyện phải làm lúc này không chỉ là truy dấu H5N1 mà còn phải tìm hiểu xem virus độc hại này có thể lây sang người được không.
Trong trận đại dịch cúm tòan cầu 1918, Hoa Kỳ có 675.000 người chết trong tổng số 50 triệu thiệt mạng trên thế giới. Mức độ kinh hòang của đại dịch cúm 1918 không chỉ là tử vong cao mà vì phần lớn nạn nhân khi đó là thanh niên và trung niên còn khỏe mạnh trong độ tuổi 14 đến 34.
Sự phát hiện tác nhân gây dịch cúm gần 100 năm trước cũng là virus có biến thái chủ yếu như H5N1 hiện giờ đã làm tăng thêm nỗi lo âu trong giới y khoa, nhưng cũng mở đường cho công cuộc nghiên cứu phòng chống cúm gia cầm có thể bùng nổ chưa biết lúc nào.
Những bài liên quan
- Có sự liên quan giữa virus cúm gia cầm hiện nay và dịch cúm toàn cầu hồi 1918
- Đường truyền HIV từ mẹ sang con
- Phỏng vấn ông Samuel Jutzi, Giám đốc bộ phận Thú y của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc
- Dinh dưỡng và sức khoẻ
- Trả lời thính giả, Lá lách có nhiệm vụ gì?
- Nhận xét của WHO về kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam
- WHO cảnh báo về nguy cơ của một đại dịch cúm gia cầm tại Việt Nam
- Biện pháp tiếp theo trong công tác phòng chống cúm gia cầm
- Tỷ lệ người bị bệnh nan y ngày càng tăng tại Việt Nam
- Hoa Kỳ dự định triệu tập hội nghị cấp cao phòng chống cúm gia cầm
- Làm Sao Để Bỏ Thuốc Lá
- WHO: Virus cúm gia cầm sẽ biến thể và có thể lây từ người sang người
- Hoa Kỳ giúp Việt Nam nâng cấp mạng lưới kiểm tra và phòng chống cúm
- Việt Nam thông báo không còn bệnh nhân cúm gà
- Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm không suông sẻ như mong đợi
- Ảnh hưởng của thuốc lá trên sức khoẻ về mặt tâm thần và xã hội
- Phương pháp phối hợp sẽ có hiệu quả hơn trong việc điều trị cholesterol cao
- WHO cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể lan mạnh trên tòan thế giới
- Trả lời câu hỏi của thính giả về sức khoẻ
- Các bài học từ hai tỉnh được chọn tiêm phòng cúm gia cầm thử nghiệm