Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm không suông sẻ như mong đợi


2005.09.11

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 ở Việt Nam không suông sẻ như trông đợi, người dân tiếp tục ấp vịt và gầy đàn mới bất chấp lệnh cấm của chính quyền, trong khi đó đợt tiêm vắc xin thử nghiệm cho gà vịt cũng gặp nhiều trở ngại.

birdflu_Duck200.jpg
Người nông dân đang đưa đàn vịt ra đồng. AFP PHOTO

Tin tức trong nước cho biết có tình trạng ấp trứng vịt giống và nuôi vịt tràn lan ở ở cả miền đông nam bộ lẫn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đợt dịch tháng 4/2004, chính phủ đã ra lệnh nghiêm ngặt cấm ấp trứng sản xuất vịt giống và chăn nuôi các đàn thuỷ cầm mới, lệnh cấm hiệu lực từ tháng 12/2004 đến tháng 06/2005 và sau đó đã được kéo dài hiệu lực tới hết tháng 2/2006.

Đây là một biện pháp nhằm triệt tiêu mầm bệnh H5N1 do các đàn vịt chạy đồng lây lan sang gia cầm ở các địa phương khác. Chủ đích này được phó cục trưởng thú y Nguyễn Văn Thông giải thích:

“Theo tính toán của Bộ NN &PTNT đàn thuỷ cầm ở Việt Nam khoảng 60 triệu, sau dịp tết nguyên đán vừa qua giảm được 20 triệu còn chừng 40 triệu. Các địa phương tiêu huỷ đúng ước tính thì đàn thuỷ cầm sẽ còn chừng 30 triệu con.

Và có dự liệu rằng tới 28/2/2006, đàn thuỷ cầm mang trùng cũng không còn. Sau đó chính phủ sẽ qui hoạch những nơi để chăn nuôi đàn thuỷ cầm sạch bệnh, hoặc nhập mới đàn thuỷ cầm sạch bệnh để chăn nuôi trở lại.”

Những dự liệu như thế khó lòng diễn ra trên thực tế, vì nông dân ở các nơi không tuân thủ lệnh cấm ấp nở và nuôi mới đàn thuỷ cầm. Báo Tuổi trẻ ngày 7/9/2005 cho biết đã có quyết định cho tiêu thụ 6 triệu con vịt mà tờ báo gọi là do nông dân lỡ nuôi.

Theo đó vào ngày 5/9 đại diện trung tâm thú y vùng và chi cục thú y TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Dương đã thống nhất ý kiến là cho xét nghiệm đàn thuỷ cầm lỡ nuôi, nếu âm tính với vi rút H5 thì sẽ vận chuyển về các cơ sở giết mổ tập trung tại TP.HCM.

Các giới chức thú y ước tính sẽ có khoảng 6 triệu con thuỷ cầm mà nhiều nhất là vịt được cho phép tiêu thụ. Theo tin này Chi Cục Thú Y các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào Bến Tre sẽ thông báo cho các hộ chăn nuôi, thực hiện đăng ký trước 15 ngày để lấy mẫu xét nghiệm.

Với kết quả âm tính, thú y sẽ cấp giấy kiểm dịch cho phép vận chuyển về TP.HCM. Giấy kiểm dịch chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày, thuỷ cầm đưa về giết mổ ở Saigon phải sử dụng phương tiện xe chuyên dùng, và phải đăng ký với chi cục thú y nơi xuất phát và nơi đến.

Mặt khác hãng tin quốc tế IPS trụ sở ở Rome Italia hôm 6/9 đưa tin rằng Việt Nam gặp trở ngại trong kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa cúm cho toàn bộ gia cầm thuỷ cầm trên toàn quốc. IPS trích lời ông Hoàng Văn Năm Cục Phó Thú Y Việt Nam nói rằng đợt tiêm chủng thử nghiệm kéo dài một tháng không mang lại kết quả mong muốn. Ông Năm thêm rằng Cục Thú Y sẽ xem xét rồi mới tiếp tục triển khai ở các nơi khác.

Hồi tháng 8, ngành thú y Việt Nam phát động đợt tiêm thử nghiệm ở Tiền Giang và Nam Định nhằm rút kinh nghiệm để thực hiện trên qui mô tòan quốc. Cục phó Nguyễn Văn Thông phát biểu:

“Tổ chức tiêm vắc xin ở hai địa phương nói trên để rút kinh nghiệm có thể tổ chức tiêm phòng cho tốt. Bởi vì tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm kèm theo với nó là việc tổ chức chu đáo, và việc giám sát đàn gia cầm được tiêm phải hết sức chu đáo.”

Theo hãng IPS, mưa lũ ở Tiền Giang làm chậm chương trình tiêm vắc xin cho gà vịt, trong vòng một tháng trong số 127 xã chỉ có 38 xã hoàn tất việc chủng ngừa. Tại Nam Định kết quả khả quan hơn tỉnh có tổng đàn gia cầm thuỷ cầm khoảng 4 triệu 300 ngàn con thì đã hoàn tất chủng ngừa cho hơn 3 triệu con.

Vẫn theo tin này có những khó khăn và ngành thú y ước tính không chính xác số lượng gà vịt, khi các chuyên viên dự tính tiêm ngừa cho 3 triệu con thuỷ cầm thì qua thực tế lại phát hiện là có tới 6 triệu con cần được tiêm. Bà Nguyễn Thị Việt Nga giới chức thú y Tiền Giang được hãng IPS trích lời rằng, không thể kiểm tra được tất cả số vịt được nông dân chăn thả theo kiểu chạy đồng.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nông dân nuôi vịt ngoài đồng và di chuyển cả ngàn con từ nơi này sang nơi khác để vịt tự tìm lương thực. Một nông dân ở miền tây giải thích với chúng tôi: “ Nuôi chạy đồng từ tỉnh này sang tỉnh khác, vịt tự kiếm ăn trên đồng ruộng mới đỡ tiền mua thức ăn thì mới có lời.”

Bộ Nông nghiệp Phát Triển Nông Thôn dự kiến tiêm vắc xin cho đàn gia cầm thuỷ cầm ở 12 tỉnh còn lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và 2 tỉnh phía bắc trước ngày 10 tháng 9. Các tỉnh còn lại có nguy cơ cao sẽ khởi sự tiêm vào tháng 10. Tuy vậy chính phủ mong muốn là việc tiêm phòng ngừa cúm H5 cho gia cầm thuỷ cầm toàn quốc phải được hoàn tất trước ngày 15/11, để gà vịt được bán trong dịp tết hội đủ điều kiện an toàn đối với người tiêu dùng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.