Dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất kỳ nơi nào ở Việt Nam


2006.12.27
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Trong phiên họp ngày 26-12 tại Hà Nội, Bộ Trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cảnh báo rằng bất cứ nơi nào ở Việt Nam có nuôi gia cầm đều có thể bùng phát dịch cúm H5N1.

BirdfluFoodVendor200.jpg
Một quán bán cháo gà trên vỉa hè ở Hà Nội hôm 26-12-2006. AFP PHOTO

Ông Phát là trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, bản thân ông vừa đi thực tế vùng phát dịch ở Bạc Liêu và Cà Mau, nơi khoảng 12 ngàn con vịt và gà bị nhiễm vi rút H5N1 chết hoặc phải tiêu huỷ.

Không có nơi nào an toàn

Theo lời ông Bộ Trưởng, đến thời điểm này không chỗ nào là còn an tòan, đặc biệt những điểm có mật độ cao về chăn nuôi gia cầm. Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh sự kiện địa điểm vùng tái dịch là nơi hẻo lánh dân cư thưa, và cả dịch đã trở lại tại các huyện mà cách đây hai năm đã từng có dịch cúm H5N1.

Ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục Trưởng Cục Thú Y Việt Nam bày tỏ sự lo lắng với chúng tôi về khả năng dịch cúm gia cầm tái bùng phát

“Điều chúng tôi lo là mầm bệnh vẫn tiềm ẩn ở những tỉnh khác và vi rút lưu hành trong đàn thuỷ cầm, sau nữa là vấn đề chim di trú đưa mầm bệnh đến. Hơn nữa với sự kiện ở miền bắc trời lạnh, miền nam nhiệt độ gỉam ban ngày ban đêm lạnh , đây là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm nhân lên và phát tán. Chính vì vậy nguy cơ phát ra ở các tỉnh khác chúng tôi cho là rất cao.”

Theo nguồn tin Vietnam Net, Ông Cao Đức Phát nhìn nhận tình trạng người dân chủ quan lơ là với các biện pháp phòng chống tái dịch, trong khi hệ thống giám sát hoạt động không hiệu quả. Khi đã biết có bùng phát dịch thì chính quyền địa phương cũng chậm chạp trong xử lý.

Miền Bắc trước nguy cơ dịch bệnh

Trong phiên họp chiều 26/12 của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, có sự hiện diện của đại diện sở nông nghiệp phát triển nông thôn và chi cục thú y 10 tỉnh thành miền Bắc.

Các tỉnh phía Bắc báo cáo đã tiêm phòng khoảng 90%

Tổng đàn gà vịt, tăng cường giám sát dịch, chuẩn bị hoá chất tẩy độc khử trùng, trang bị quần áo phòng hộ. Tuy vậy không khí lo âu bao trùm phiên họp.

Điển hình tỉnh Bắc Giang cho biết thực tế không thể ngăn chặn gia cầm, trứng và phủ tạng gia cầm được nhập lậu từ Trung Quốc qua Lạng Sơn vào Bắc Giang. Mức độ kiểm soát của ngành chức năng Bắc Giang chỉ đạt 20%.

Tình trạng buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới phía bắc là một thực tế khó lòng chấm dứt. Như phát biểu của một ngừơi dân vùng biên:

“Biên giới rộng lớn đất liền đất sông liền sông làm sao ngăn chặn được, chặn chỗ này thì họ đi chỗ khác.Đi xe ô tô thì mỗi lồng gà cả tạ, còn không thì xé lẻ ra.Nói chung giá khá rẻ 10 ngàn một cân về dứơi bán ba bốn chục ngàn một cân. Dân ở đây không ăn vì gà Trung Quốc không chất lượng…con buôn mang về dưới lấy giả làm thật để bán có lời…”

Biện pháp phòng chống?

Trong phiên họp, đại diện sở NN &PTNT Bắc Giang còn cho biết tỉnh có đàn gia cầm 10 triệu con, phần lớn ngừơi dân nuôi nhỏ lẻ. Công tác giết mổ tập trung qua kiểm dịch chỉ thực hiện vào những khi cao điểm bùng phát dịch.

Bình thường các chợ và ngừơi tiêu dùng vẫn giết mổ theo kiểu thủ công truyền thống. Vì thế Bắc Giang cảnh báo nguy cơ tái phát dịch trong đàn gia cầm là rất cao. Được biết Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc bùng phát địch cúm H5N1 ở thời điểm 2005.

Theo các nguồn tin tại chỗ, không chỉ Bắc Giang mà Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định đều không có cơ sở giết mổ tập trung dạng công nghiệp vì thiếu vốn. Mỗi lò mổ như vậy cần được đầu tư 20 tỷ đồng, các tỉnh đều không ưu tiên cấp kinh phí, trong khi tư nhân không có ai muốn đầu tư vào lãnh vực này.

Một đại diện của Hà Nội là ông Đào Duy tâm, phó giám đốc sở NN &PTNT kiến nghị là chính quyền Hà Nội nên quan niệm các vùng xung quanh Hà Nội ảnh hưởng trực tiếp và phục vụ thủ đô, đặc biệt trong kiểm soát cúm gia cầm vì Hà Nội mua gia cầm các tỉnh chung quanh.

Trong khi Hà Nội mãi loay hoay tìm đất giải phóng mặt bằng để xây dựng lò mổ công nghiệp, thì theo ông Tâm thay vào đó nên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bạn thực hiện việc này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.