Bia tưởng niệm thuyền nhân tại nước Đức


2006.11.03

Minh Thùy, phóng viên đài RFA

Cuối tháng 4 năm 1982, một chiếc ghe vượt biên của thuyền nhân Việt Nam được tàu Cap Anamur kéo từ biển đông về đậu tại cảng Hamburg, nước Đức. Sau đó để bảo quản chiếc ghe an toàn hơn, Ủy ban Cap Anamur đã đưa chiếc ghe về tận thành phố Troisdorf, quê hương của ông bà Ruppert Neudeck, người đã thành lập con tàu Cap Anamur để cứu thuyền nhân Việt Nam.

VNMemorialGerman150.jpg
Đài tưởng niệm thuyền nhân ở thành phố Hamburg.PHOTO RFA/Minh Thuy.

Chiếc ghe đã đưa 46 người ra khơi, may mắn gặp tàu Cap Anamur cứu vớt. Tính đến nay chiếc ghe lịch sử đó đã có 24 “tuổi đời’’, bằng tuổi của những bạn trẻ thế hệ thứ hai sinh ra trên nưóc Đức.

Nhiều người Đức đến thăm chiếc ghe, rất khâm phục những thuyền nhân Việt Nam, chỉ với chiếc ghe nhỏ bé, mỏng manh, họ đã rời bỏ quê hương, đánh đổi mọi nguy nan, kể cả cái chết trên biển, tìm đến bến bờ tự do.

Chiếc ghe nhân chứng

Cộng đồng người Việt tại nước Đức rất tự hào có chiếc ghe là nhân chứng cho những chuyến vượt biển thập tử nhứt sinh. Trừ một số người may mắn được cứu vớt, có hàng trăm ngàn người khác bị mất tích, là nạn nhân của bọn hải tặc vùng biển đông, hay chết trên biển cả.

VNMemorialGermanBoat200.jpg

Từ lâu họ vẫn mong mỏi có được một tấm bia tưởng niệm những thuyền nhân xấu số, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn với chính phủ và nhân dân Đức đã cứu vớt, giúp đỡ người tị nạn Việt Nam xây dựng cuộc sống mới ở nước Đức. Một uỷ ban điều hợp xây dựng Bia tị nạn và bảo quản chiếc ghe vừa được hình thành để xúc tiến công trình này.

Ông Nguyễn văn Rị, một thuyền nhân, người từng được Tổng thống Đức trao tặng Bảo quốc huân chương năm 2005, cùng tham gia ban điều hợp xây dựng, nói:

“Tấm bia là biểu tượng để nhắc nhở chúng ta, những thuyền nhân sống sót hồi tưởng đến những đồng bào đã chết ngoài biển đông, đồng thời để bày tỏ lòng biết ơn của người Việt tị nạn đối với chính phủ, nhân dân Đức, đặc biệt là ông bà tiến sĩ Neudeck, người chủ xướng con tàu Cap Anamur đã cứu vớt hơn 10.000 thuyền nhân.

Tất cả hội đoàn cộng đồng người Việt đều thống nhất xây dựng tấm bia tị nạn. Nếu không có gì khó khăn dự trù sẽ khánh thành vào ngày 30-4-2007.“

Gặp nhiều gặp khó khăn

VietnamMemorialGerman200.jpg
Giữa: Ông bà Neudeck; góc trái: Ông Nguyễn thanh Văn; phải: Ông Nguyễn văn Rị (Ủy viên Ban xây dựng Bia tưởng niệm thuyền nhân tại Đức). PHOTO RFA/Minh Thuy.

Công trình xây dựng Bia Tị nạn được chính phủ Đức nhiệt tình hỗ trợ, nhất là ông thị trưởng và người Đức ở thành phố Troisdorf, nhưng không phải không gặp khó khăn.

Bia Tị nạn hiện nay còn trên bản dự thảo, nhưng chính quyền cộng sản đã tìm cách ngăn chặn. Khi vừa biết tin, một đại diện của Sứ quán Việt Nam tại Bonn đã tìm cách gặp mặt ông thị trưởng thành phố Troisdorf yêu cầu hủy bỏ dự án xây dựng Bia tưởng niệm thuyền nhân để không gây ảnh hưởng bang giao giữa nước Đức và Việt Nam. Nhưng chính phủ Đức không chấp nhận, viện lẽ đây là vấn đề lịch sử của thuyền nhân Việt Nam, công trình Bia tị nạn rất chính đáng và có ý nghĩa.

Anh Vương Trí Tín, một ủy viên trong ban điều hợp, cho biết cụ thể như sau: “Bước đầu đã gặp nhiều khó khăn, vì Sứ quán cộng sản Việt Nam tại Bonn đã tới thành phố Troisdorf yêu cầu không cho phép lập bia tưởng niệm thuyền nhân vì đó là sự bôi nhọ họ và làm mất bang giao giữa hai nước Việt Nam và Đức.

Nhưng ông thị trưởng thành phố Troisdorf, được sự thông qua của Hội đồng thành phố chấp nhận cho người Việt tị nạn được thành lập bia tưởng niệm và nhấn mạnh sự việc này không dính dáng đến vấn đề ngoại giao giữa hai nước.”

Vì đau lòng khi thấy hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ở Indonesia và Mã Lai bị phá hủy theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam, chúng tôi cố gắng xây dựng Đài tưỏng niệm ghi nhớ những thuyền nhân đã mất và cám ơn chính phủ với nhân dân Đức.

Dù biết nhà nước Việt Nam chưa từ bỏ ý đồ ngăn chặn, nhưng ủy ban điều hợp và cộng đồng người Việt vẫn quyết tâm xây dựng Bia tị nạn với sự ủng hộ của nhân dân Đức.

Dự trù kinh phí cho công trình là 25.000 Euro, sẽ quyên góp từ tấm lòng của cộng đồng người Việt. Thời hạn hoàn tất và khánh thành Bia tị nạn sẽ là ngày 30-4-2007, ghi dấu ngày bắt đầu thảm cảnh vượt biên của hơn một triệu người Việt Nam đi đến các nước trên thế giới, nhắc nhớ thế hệ trẻ hiểu rõ lý do ra đi tìm tự do của thế hệ cha ông; đến nay con số người Việt hải ngoại đã tăng hơn ba triệu người.

Cùng lúc đó vào ngày 14-10, một Đài tưởng niệm thuyền nhân và cám ơn chính phủ, nhân dân Đức được khánh thành tại thành phố Hamburg do cộng đồng người Việt ở Hamburg đóng góp xây dựng. Ông bà Ngũ thời Trọng, người nhận trách nhiệm chính trong việc xây dựng Đài tưởng niệm, cho biết:

“Vì đau lòng khi thấy hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ở Indonesia và Mã Lai bị phá hủy theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam, chúng tôi cố gắng xây dựng Đài tưỏng niệm ghi nhớ những thuyền nhân đã mất và cám ơn chính phủ với nhân dân Đức.’’

Người Việt ở nước Đức đang chờ đợi ngày khánh thành Bia tị nạn bên cạnh chiếc ghe vượt biên, biểu tượng ước vọng tìm tự do của cộng đồng người Việt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.