Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh rầy nâu gây bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá


2006.11.27

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa chính của Việt Nam. Thế nhưng hiện nay dịch bệnh rầy nâu mang virút gây bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá hoành hành gây quan ngại là vụ lúa đông xuân sắp đến sẽ bị ảnh hưởng nặng.

ricefield200.jpg
Dịch rầy nâu mang virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa tại nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long. AFP PHOTO

Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và dịch bệnh tàn phá chừng 30% diện tích lúa đông xuân thì Việt Nam trong thời gian tới không còn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nữa, mà trái lại phải nhập khẩu gạo.

Trước tình hình có thể gọi là nguy hiểm đó thì các cơ quan chức năng và người nông dân đang có những biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh đối với cây lúa? Đó là đề tài của chương trình Sáng kiến & Đời sống kỳ này.

Cơ quan chức năng gần nhất, phụ trách việc bảo vệ cây trồng tại khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh rầy nâu mang virút gây bệnh vàng lùn- lùn xoắn, đó là Trung tâm Bảo vệ Thực Vật Phía Nam. Ông Hồ Văn Chiến, giám đốc trung tâm này cho biết các biện pháp đang được đề ra để giúp nông dân tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đối phó với dịch bệnh:

“Hiện nay một là thành lập hệ thống 'bẫy đèn' theo hệ sinh thái và hướng gió để dân xuống giống, và né rầy bay. Nếu không né được thì chúng tôi có sổ tay của Bộ Nông nghiệp ghi những lọai thuốc sử dụng để diệt rầy.

Chúng tôi chỉ đạo các tỉnh có lúa mùa phun xịt rầy nâu để không lây sang các ruộng khác, Chúng tôi cũng khuyến cáo phải cắt vụ cho rõ, nên trồng hai vụ, có thể trồng ba vụ nhưng phải gọn. Giống kháng cũng quan trọng.”

Hiện nay một là thành lập hệ thống 'bẫy đèn' theo hệ sinh thái và hướng gió để dân xuống giống, và né rầy bay. Nếu không né được thì chúng tôi có sổ tay của Bộ Nông nghiệp ghi những lọai thuốc sử dụng để diệt rầy.

Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tại Hà Nội cũng thực hiện vai trò của mình trong tình huống hiện nay. Một chuyên viên của Cục này thông tin về những biện pháp mà cục đang đề ra:

“Biện pháp dùng thuốc hóa học chưa hiệu quả nên phải sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Hiện trên đồng vẫn còn lúa thu đông, mà chuẩn bị gieo xạ lúc thu đông nên phải tăng cuờng kiểm tra phát hiện tổ chức phòng trừ; rồi biện pháp đốt đèn để theo dõi huớng đi của rầy.

Đông xuân thì phải vệ sinh đồng ruộng, về mùa vụ phải xuống lúa tập trung từ giữa tháng 11 và trong tháng 12. Chọn giống chống chịu, xác nhận. Mật độ xạ dưới 120 ký trên một héc ta.

Lúa đông xuân dưới 20 ngày tuổi phải kiểm tra, dùng thuốc chống lột xác ít độc cho môi trường và ký sinh thiên địch.”

Tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng cũng có biện pháp trong tình thế hiện thời. Như tại Sóc Trăng, Sở Nông Nghiệp & Phát triển Nông Thôn cho sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ rầy nâu.

Giám đốc của Trung tâm Bảo vệ Thực vật Phía Nam, Hồ Văn Chiến có ý kiến về biện pháp này: “Tôi có đi khảo sát một nơi tự làm về chế phẩm sinh học và phân hoa lá; tôi có nhận xét thì khi tác động phân vi sinh thì những cây không bệnh 'đền bù', những cây này mọc mạnh lên, và năng suất cũng có tăng hỗ trợ chút đỉnh. Thế nhưng đối với bệnh vàng lùn thì chưa có hóa chất nào diệt được.”

Viên chức tại Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nói về biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học: “Bệnh này là do virút nên chưa có thuốc chữa. Thuốc sinh học chỉ làm cho cây xanh lên nên nông dân nhầm. Đã bị là không chữa được đâu.”

Trong khi đó, vào những ngày qua nhiều báo trong nước đăng bài về chiếc máy diệt rầy do ông Lâm Văn Thắng tại xã Tiên Thuận, Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Bản thân ông Lâm Văn Thắng, một người từng tham gia vào chương trình bảo vệ thực vật tổng hợp IPM, cho biết về chiếc máy của ông cũng như một số hiệu quả đã đạt được:

Rầy nâu cánh ngắn nhờ vào đèn để biết đi từ đâu đến đâu thôi. Nay phải làm theo bốn đúng 'đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm'. Chúng tôi không khuyên nên dùng đèn để đốt rầy.

“Ruộng tôi khỏang 3 ngàn con, đó là nguỡng phải phun thuốc; tôi đưa máy ra thì sau ba ngày chỉ còn con non và trứng thôi, tôi bắt cả thúng. Trong vụ này thì tôi không dùng thuốc nữa. Áp dụng máy theo ba giai đọan thì có khả năng khỏi phải phun thuốc.”

Về chiếc máy diệt rầy này thì ông Hồ Văn Chiến có nhận xét: “Rầy nâu trưởng thành khi mang cánh dài thì rất thích ánh sáng đèn như đèn của ông nông dân Tây Ninh. Thế nhưng những đèn cao áp cũng diệt nhiều rầy nâu thế nhưng bệnh vẫn xảy ra. Vấn đề quan trọng là nếu làm đúng bẫy đèn thì chúng ta có thể dự báo về lứa rầy vào đèn chứ không nên nghĩ là dụ vào rồi giết.

Ví dụ vừa qua hướng rầy đi rất rõ, chứ không phải đạt bẫy ở đâu thì rầy tới vì rầy đi theo hứơng gió và do áp lực không khí mới hạ xuống thôi. Bóng đèn của ông Thắng chỉ hiệu quả trong diện hẹp chứ không thể hữu hiệu trên diện rộng.”

Riêng Cục Bảo vệ Thực Vật ở Hà Nội cũng cho biết: “Rầy nâu cánh ngắn nhờ vào đèn để biết đi từ đâu đến đâu thôi. Nay phải làm theo bốn đúng 'đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm'. Chúng tôi không khuyên nên dùng đèn để đốt rầy.”

Quí thính giả và các bạn vừa nghe một số biện pháp của các cơ quan chức năng và chính người dân đang áp dụng để trừ khử lọai rầy nâu mang vi rút gây dịch bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá nơi cây lúa tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây, Gia Minh hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trrình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do. Gia Minh chào tạm biệt.

Thông tin trên mạng:

- Dự báo tình hình sinh vật hại lúa vụ Hè Thu 2006

- Rice pest

- Rice Pest Management Guidelines--UC IPM

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.