Dịch rầy nâu đe dọa vùng đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Dịch rầy nâu hiện đang đe dọa vùng đồng bằng sông Cửu Long và theo gió Tây-Nam tràn vào khu vực TP Hồ Chí Minh, mang theo mầm bệnh của cây lúa. Thanh Quang tường trình về tình hình này như sau.

RayNau200.jpg
Con rầy nâu mang virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa. Hình của sonongnghiep.angiang.gov.vn

Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT VN vừa báo động rằng dịch rầy nâu đang tấn công khỏang 140 ngàn ha lúa hè thu và thu đông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều gấp đôi so với hồi đầu tháng 7 này.

Dịch bệnh cây lúa ấy đang hòanh hành nặng nhất ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, với mật độ rầy nâu thậm chí lên tới 20 ngàn con trên một mét vuông.

Cách đây vài ngày, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu báo động đợt rầy mới bùng phát tại địa phương này khiến ảnh hưởng tới 24 ngàn ha ruộng đồng tại 4 huyện trong tỉnh. Và tòan tỉnh vừa đồng loạt ra quân để diệt rầy nâu.

Báo Người Lao Động cho biết thêm là tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, có từ 20 tới 100% số rầy nâu bay vào bẫy đèn mang vi rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Trong khi đó Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi kỹ phần gốc lúa để phát hiện rầy cám nở rộ mà kịp thời đưa nước vào ruộng lúa, nhất là lúa đang trong giai đọan vẫn còn là mạ và đẻ nhánh. Vẫn theo Trung tâm này thì việc phun thuốc diệt rầy phải đúng cách, hạn chế việc phun thuốc nhiều lần, tránh làm cho rầy lây lan ra diện rộng.

Cục Bảo vệ Thực vật bày tỏ quan ngại là gió Tây-Nam đang xuất hiện trong mùa mưa này, tạo điều kiện cho rầy dễ phân tán trên diện rộng. Cơ quan này cũng cảnh báo rằng rầy nâu sẽ liên tục tấn công các trà lúa hè thu, thu đông ở khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long từ giờ cho tới cuối tháng 7 này.

Theo báo Saigòn Giải phóng số ra ngày thứ Sáu tuần này thì dịch rầy nâu từ đồng bằng sông Cửu Long đang tràn tới TPHCM, gây bất tiện đáng kể cho cư dân thành phố, khi số lượng rầy bám vào mỗi ngọn đèn có thể lên tới 150 ngàn con mỗi đêm, và còn số này còn tăng nhiều hơn nữa, cho tới cuối tháng.

Theo giải thích của Chi Cục Bảo vệ Thực vật TPHCM thì do vụ hè thu vừa thu họach xong tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên rầy nâu bị mất nguồn thực phẩm và theo gió mùa Tây-nam bay lên tấn công TPHCM, mang theo mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.