Bệnh vàng lùn và lùn xoắn do rầy nâu gây nên lại xuất hiện


2007.05.04

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Theo Ban Chỉ Đạo Phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá các tỉnh phía Nam, thì từ cuối tháng Tư này cho tới khoảng mùng 10 tháng sau, một đợt rầy nâu sẽ xuất hiện rộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguy cơ này có thể đe dọa các vụ lúa xuân hè và hè thu năm nay như thế nào ?

FarmerRice150.jpg
AFP PHOTO

Qua sự tìm hiểu của Thanh Quang, chuyên gia nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kỹ sư Phạm Văn Quỳnh, giải thích.

Kỹ sư Phạm Văn Quỳnh: Đó là diễn biến thường xuyên thôi, tức là trong thời gian qua, mỗi một tháng có một lứa rầy. Thì lứa này có khoảng từ bây giờ cho tới đầu tháng Năm. Nhưng chúng tôi đã có cách đối phó rồi.

Thanh Quang: Nhưng Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu cảnh báo là rầy sẽ xuất hiện “rộ”…

Kỹ sư Phạm Văn Quỳnh: Đúng rồi. Rộ, tức là từ tháng Hai, tháng Ba, rầy di chuyển theo kiểu lác đác thôi, không tới đỉnh cao. Nhưng đợt này nó lên tới đỉnh cao, lý do là một số nơi bắt đầu thu họach lúa đông xuân rộ, nên rầy không chỗ ở, nó phải di chuyển tới chỗ mới, khiến lượng rầy nó tập trung tới đỉnh, có mật số hơi cao hơn thời gian trước đó.

Thanh Quang: Như vậy những giai đọan nào của cây lúa có thể bị dịch rầy nâu này làm hại ?

Kỹ sư Phạm Văn Quỳnh: Bây giờ nếu trên ruộng có cây lúa mới được 20 ngày trở lại thì có thể bị rầy tấn công. Cái đó thì mình có thể dự đóan trước và phòng trị được. Tốt nhất là lúc này nông dân bắt đầu gieo sạ thì ruộng đó có thể tránh rầy được.

Thì họ thông báo rầy xuất hiện “rộ” để nông dân biết gieo sạ nhằm tránh sự tấn công của rầy. Tức là thời điểm này là thời điểm xuống giống tốt nhất. Nghĩa là khi mình gieo sạ thì không có lúa trên ruộng, rầy có đáp xuống thì vài bữa cũng chết thôi.

Thanh Quang: Giới chức địa phương và các nhà khoa học có chuẩn bị biện pháp nào để giúp nông dân ứng phó không ?

Kỹ sư Phạm Văn Quỳnh: Thì họ thông báo rầy xuất hiện “rộ” để nông dân biết gieo sạ nhằm tránh sự tấn công của rầy. Tức là thời điểm này là thời điểm xuống giống tốt nhất. Nghĩa là khi mình gieo sạ thì không có lúa trên ruộng, rầy có đáp xuống thì vài bữa cũng chết thôi.

Thanh Quang: Tức các nhà khoa học và giới hữu trách cung cấp cho nông dân lịch xuống giống đồng loạt…

Kỹ sư Phạm Văn Quỳnh: Vâng, cái thông báo của Ban chỉ đạo là nhằm mục đích đó.

Thanh Quang: Còn có phương cách nào khác để phòng rầy nâu, thí dụ như thuốc ?

Kỹ sư Phạm Văn Quỳnh: Thuốc là cổ điển rồi. Thời gian qua nông dân phòng trị bằng cách thứ nhất là né rầy, tức thời điểm rầy xuống rộ thì người ta bắt đầu gieo sạ, nghĩa là không sạ trước khi rầy rộ. Thứ hai, nếu lỡ sạ trước rồi, thì khi rầy rộ, người ta dùng nước dâng lên để không cho rầy đeo lúa. Cuối cùng, nếu hai biện pháp đó vẫn không tránh được rầy, thì người ta dùng thuốc.

Thanh Quang: Một cách cụ thể thì hiện giờ tình hình rầy nâu, và cả bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL như thế nào ?

Kỹ sư Phạm Văn Quỳnh: Các biện pháp chống chọi với rầy trong vụ đông xuân đã đem lại thắng lợi. Thì bây giờ người ta tiếp tục áp dụng các biện pháp đó nữa. Nói chung là rầy có xuất hiện nhưng không ảnh hưởng năng suất nhiều. Điều quan trọng là giới hữu trách chỉ đạo đồng loạt, tức không có tính chủ quan từng nơi khiến gây mầm bệnh rồi lây lan tòan khu vực.

Theo chỉ đạo thì nơi nào cũng phải giám sát dịch bệnh chặt chẽ. Nhất là nông dân được chỉ đạo là phải tách vụ xuân hè xa khỏi vụ đông xuân. Tức là sau khi gặt lúa đông xuân thì bà con nông dân phải ngưng từ 10 tới 15 ngày trở lên, rồi mới bắt đầu xuống giống cho vụ xuân hè, hay vụ hè thu sớm cũng được. Nông dân không nên làm kiểu nối vụ liên tiếp khiến tạo điều kiện thuận lợi cho rầy tiếp tục phá hại mùa màng.

Thanh Quang: Cảm ơn kỹ sư Phạm Văn Quỳnh rất nhiều.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.