Lầm than Miến Điện


2007.10.02

Nguyễn Xuân Nghĩa – Việt Long, RFA

Nổi lên từ ngày 19 tháng Tám do một quyết định kinh tế, cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện đã đi tới hồi căng thẳng sau khi người dân và các nhà sư bị đàn áp nặng nề vào tuần qua. Trong khi chờ xem thế giới văn minh có thể làm được những gì cho xứ này, Diễn đàn Kinh tế muốn tìm hiểu về các vấn đề kinh tế ẩn sâu dưới bối cảnh chính trị và ngoại giao Miến Điện.

BurmaNuns200.jpg
Các cuộc biểu tình chống chính phủ do giới tu sĩ Phật giáo dẫn đầu vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên lãnh thổ Miến Điện. AFP PHOTO

Do Việt Long thực hiện sau đây, cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ trình bày một số yếu tố tiềm ẩn và những hệ quả lâu dài bên trong.

Việt Long: Thưa ông, khủng hoảng tại Miến Điện đã là đề tài được truyền thông thế giới theo dõi và loan tải liên tục suốt sáu tuần qua, nhất là sau khi quân đội nổ súng vào dân chúng và các tăng ni hôm 26, rồi biến nhà chùa thành nhà tù từ mấy ngày qua.

Trong tiết mục chuyên đề kỳ này, chúng tôi đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về kinh tế của Miến Điện như một bối cảnh của cuộc khủng hoảng, hầu dự đoán phần nào về những gì có thể xảy ra tại đây. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là vì sao khủng hoảng đã bùng nổ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa cái "nhân" của vấn đề là sự lầm than kinh tế dưới một chế độ độc tài mà bất lực đã kéo dài từ nhiều thập niên. Cái "duyên" khiến cho sự bất mãn của dân chúng về tình trạng lầm than và thiếu tự do đã bùng nổ là một quyết định kinh tế ban hành hôm 15 tháng Tám.

Hôm đó, chế độ quân phiệt bất ngờ chấm dứt trợ giá xăng dầu khiến giá xăng và dầu cặn lập tức tăng gấp đôi là 100%, giá khí lỏng phân phối theo tiêu chuẩn tăng 500%, là gấp sáu. Với lạm phát đã ở mức 40% một năm, quyết định thả nổi giá nhiên liệu thổi bùng vật giá tại một quốc gia thuộc loại nghèo nhất Đông Nam Á, làm giá cả nhu yếu phẩm tăng từ 10 đến 50% nội trong ngày, sau khi đã tăng từ 30 đến 60% kể từ tháng Tư năm ngoái.

Khi dân chúng biểu tình phản đối một cách ôn hoà ngày 19 tháng Tám, họ bị cảnh sát đàn áp và gây thương vong cho một số nhà sư. Khi tăng ni Miến Điện yêu cầu chính phủ chấm dứt đàn áp và xin lỗi về sự bạo hành, chậm nhất vào ngày 17 tháng Chín, lời đòi hỏi không có đáp ứng, nên chư tăng ni biểu tình cùng dân chúng và kể từ ngày 22, phong trào chống đối lan rộng từ Rangoon qua các thành phố khác. Cuối cùng thì chế độ quân phiệt xua quân đội ra đàn áp khiến nhiều người tử vong, kể cả các vị sư.

Thưa cái "nhân" của vấn đề là sự lầm than kinh tế dưới một chế độ độc tài mà bất lực đã kéo dài từ nhiều thập niên. Cái "duyên" khiến cho sự bất mãn của dân chúng về tình trạng lầm than và thiếu tự do đã bùng nổ là một quyết định kinh tế ban hành hôm 15 tháng Tám.

Chế độ quản lý kinh tế

Việt Long: Nhưng vì sao chính quyền Miến lại đột ngột thả nổi giá xăng dầu để gây điêu đứng cho dân chúng như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta trở lại cái nhân của vấn đề, là chế độ quản lý kinh tế Miến Điện đã khiến từ lâu xứ này tất yếu bị khủng hoảng kinh tế. Vài dư luận Á châu giải thích là vì Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới gây sức ép nên chính quyền xứ này phải có biện pháp thất nhân tâm ấy.

Có người còn so sánh áp lực ấy với biện pháp tương tự tại Indonesia vào 10 năm trước khiến chế độ Suharto bị lật đổ năm 1998. Thật ra, đây là đảo ngược tương quan nhân quả, và đổ lỗi cho ai khác về nhiều sai lầm chồng chất của chế độ.

Việt Long: Nếu như vậy, xin đề nghị là chúng ta trở lại cái nhân của vấn đề, như một phần bối cảnh của cuộc khủng hoảng đang xảy ra.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có diện tích rộng gấp đôi Việt Nam và tài nguyên thiên nhiên còn phong phú hơn nhiều, Miến Điện là thuộc địa cũ của Anh, thuộc loại giàu có nhất Đông Nam Á.

Họ đã từng đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, có trình độ dân trí khá cao và sau khi giành lại độc lập năm 1948 đã có triển vọng hơn hẳn Thái Lan hay Việt Nam. Tổng thư ký thứ ba của Liên hiệp quốc - và người đầu tiên không phải da trắng đã bước vào vị trí đó - là một nhân vật Miến Điện, ông U Thant.

Thế rồi, từ năm 1962, một số tướng lãnh lại cướp chính quyền để "tiến lên xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Miến Điện" làm xứ sở lụn bại dần. Họ gây ra khủng hoảng vì chế độ tập trung quản lý kinh tế cùng thời với Việt Nam, cách đây hai chục năm. Họ cũng nói tới đổi mới, là cho tư nhân, thực ra là tay chân thân tộc, tham gia sinh hoạt kinh tế có chọn lọc kể từ 1988, nhưng vẫn duy trì chế độ độc tài chính trị và tàn sát hơn ba ngàn dân lành.

Việt Long: Nếu vậy thì Miến Điện cũng có cải cách kinh tế gần như đồng thời với Việt Nam sao?

Nhằm thoát vòng cấm vận, chế độ quân phiệt kết giao với các nước châu Á. Họ gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN từ 1997 và chiêu dụ đầu tư Á châu, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Nam Hàn. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế xứ này không cải tiến mà còn tệ hơn và trở thành chế độ thực dân nội địa.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa không hẳn vậy. Trước nguy cơ khủng hoảng và để bày tỏ thực tâm đổi mới với thế giới, năm 1990, chế độ quân phiệt cho tổ chức bầu cử và bị đại bại khi Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện thắng lớn với 80% số ghế trong Quốc hội.

Họ bèn xoá bỏ kết quả bầu cử và bắt giam các nhân vật đối lập, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hoà bình năm 1991, cho nên bị Tây phương cấm vận về kinh tế kể từ năm 1991.

Nhằm thoát vòng cấm vận, chế độ quân phiệt kết giao với các nước châu Á. Họ gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN từ 1997 và chiêu dụ đầu tư Á châu, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Nam Hàn. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế xứ này không cải tiến mà còn tệ hơn và trở thành chế độ thực dân nội địa.

Đó là khi tập đoàn lãnh đạo cấu kết với giới đầu tư nước ngoài cùng khai thác tài nguyên quốc gia và sức lao động của dân chúng, khiến Miến Điện tuột dốc thành một xứ nghèo nhất - với 90% người dân không có nổi lợi tức bằng một đô la một ngày - mà lại có mức độ tham nhũng cao nhất thế giới, như báo cáo của một cơ quan Đức đã công bố hôm 26 vừa qua.

Hiệp hội ASEAN

Việt Long: Xin hỏi ông ngay một điều đáng chú ý ở trên. Theo sự trình bày của ông thì khi các nước Tây phương như Hoa Kỳ hay Liên hiệp Âu châu trừng phạt kinh tế Miến Điện vì tội độc tài của chế độ, nhiều nước Á châu lại vì quyền lợi riêng của họ trám vào khoảng trống kinh tế đó.

Vì sao họ không làm thay đổi được tình hình để giờ đây khủng hoảng bùng nổ, mà vì sao một hiệp hội quốc tế như ASEAN lại nhận Miến Điện làm hội viên?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi đó làm bật sáng một vấn đề là hiệu quả rất thấp của quyết định cấm vận khi lại không được mọi quốc gia tôn trọng vì tính toán ích kỷ của nhiều nước.

Đó là một thực tế quốc tế vừa được minh diễn khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không thể có nghị quyết trừng phạt Miến Điện về tội đàn áp vừa qua do lá phiếu phủ quyết của hai nước thường trực bên trong Hội đồng là Liên bang Nga và Trung Quốc.

Trở lại quyết định 10 năm trước của ASEAN khi cho Miến Điện gia nhập, ASEAN muốn dùng chiến lược gọi là "tích cực kết hợp", là hợp tác về kinh tế để làm chuyển hoá chế độ. Họ cũng mong giàng Miến Điện vào vùng khu vực Đông Nam Á hầu xứ này khỏi bị rơi vào quỹ đạo của hai nước Á châu khác là Trung Quốc và Ấn Độ.

Việt Long: Thế thì vì sao chiến lược đó lại không thành công?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng có hai lý do giải thích.

Về phiá ASEAN, đây chỉ là một câu lạc bộ làm ăn mà không có khả năng cưỡng hành, lại dựng ra nguyên tắc "không xen lấn vào nội bộ của các nước hội viên" - thực tế là nhắm mắt hay bất lực trước nạn độc tài của chế độ quân phiệt Miến - nên chẳng chuyển hoá gì được mà uy tín thêm sa sút.

Giờ đây, ASEAN phải đối diện với hậu quả của chính sách đó và có lẽ vấn đề đã được nêu ra tại Thượng đỉnh của Diễn đàn APEC ở Sydney vào đầu tháng Chín vừa qua, là điều ta có đề cập tới trong chương trình ngày 11 tháng Chín.

Lý do thứ hai, về phía Miến Điện, các tướng lãnh của chế độ quân phiệt khéo nương theo lối tính toán của quốc tế và cả lòng tham hay ý đồ của nhiều quốc gia để vừa là hội viên ASEAN mà khỏi cải cách gì, vừa chiêu dụ cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ vào khai thác tài nguyên hầu vì quyền lợi kinh tế mà bênh vực họ.

Bây giờ họ còn tính đến việc chiêu dụ cả Liên bang Nga nữa. Kết cuộc thì cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều chi phối xứ này trước sự bất lực của ASEAN, mà đời sống người dân địa phương vẫn không được cải thiện.

Hoặc như lãnh tụ hiện nay là Tướng Than Shwe đã dời thủ đô vào cố đô Naypyidaw giữa chốn hoang vu từ đầu năm kia để mơ ngày sẽ lại làm vua. Ông này tin vào sự nhiệm màu của số sáu nên chưa xây xong thủ đô mới thì đã dời sáu bộ tới đó vào lúc sáu giờ 24 phút vì thầy bói hay thầy mo đoán quẻ như vậy.

Mê tín dị đoan?

Việt Long: Nếu quả như vậy thì tập đoàn quân phiệt Miến Điện cũng khéo vận dụng ngần ấy quốc gia nhảy vào khai thác xứ sở cho quyền lợi của họ mà chẳng xứ nào có thể thay đổi được tình hình? Như thế thì đâu có vẻ gì là lạc hậu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu nhìn trong ngắn hạn thì đúng như vậy. Xét từ bên ngoài, các tướng lãnh có thể mê tín dị đoan đến nực cười. Như Tướng Ne Win, người tiến hành đảo chánh năm 1962, đã phát hành đơn vị tiền tệ loại 45 hay 90 đồng kyat vì tin vào sức nhiệm màu của số chín, giúp ông ta muôn năm trường trị.

Hoặc như lãnh tụ hiện nay là Tướng Than Shwe đã dời thủ đô vào cố đô Naypyidaw giữa chốn hoang vu từ đầu năm kia để mơ ngày sẽ lại làm vua. Ông này tin vào sự nhiệm màu của số sáu nên chưa xây xong thủ đô mới thì đã dời sáu bộ tới đó vào lúc sáu giờ 24 phút vì thầy bói hay thầy mo đoán quẻ như vậy.

Họ cũng tin vào hai sự thật khác, rằng quân đội có giá trị ưu việt hơn hẳn mọi thành phần xã hội khác, và quân đội có sứ mạng cứu nguy dân tộc. Nên tất nhiên là phải nắm quyền, dù khỏi đếm xỉa gì tới quy luật kinh tế.

Việt Long: Vậy mà họ lại tự xưng là xã hội chủ nghĩa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thực tế, họ bị ảnh hưởng của hai dòng văn hoá tưởng như đối nghịch. Thứ nhất là tinh thần phát xít thừa hưởng được từ Phát xít Nhật thời hợp tác với Nhật để giành độc lập từ tay người Anh vào Đệ nhị Thế chiến.

Thứ hai là tinh thần cộng sản chủ nghĩa nên cứ tưởng là với quyền lực tuyệt đối trong tay, họ đã có thể làm thay đổi được xã hội. Vì vậy mà từ 1974 đến 1988, họ đổi tên nước là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Miến Điện, như Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay vậy!

Còn về khả năng lợi dụng thiên hạ thì đấy chỉ là sự khôn ngoan nửa mùa vì thực chất là xứ này mất độc lập trong ý nghĩa là không thể quyết định về quyền lợi tối thượng của người dân, và để cho ngần ấy nước sâu xé về việc khai thác tài nguyên nên mới bị khủng hoảng. Ép mãi sức dân thì sẽ gây sức bật, mà tình trạng này không kéo dài được.

Về phía chính quyền, tôi cho rằng không thể cấm đoán báo chí loan tin về những chuyện động trời như đang xảy ra tại Miến Điện từ sáu bảy tuần nay. Thứ hai, nếu mai này Việt Nam được là hội viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì sẽ bỏ phiếu ra sao khi hồ sơ Miến Điện được đưa ra quốc tế? Bỏ phiếu theo ý kiến của Trung Quốc và Liên bang Nga hay theo quan điểm quyền lợi của Việt Nam?

Chế độ quân phiệt

Việt Long: Vì sao ông cho rằng tình trạng ấy không thể kéo dài được?Liệu ông có lạc quan quá chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong kế hoạch vận dụng ngần ấy nước bước vào khai thác tài nguyên xứ sở, nào dầu khí, nào quặng mỏ, nào gỗ quý hay cả ngọc quý lẫn ma túy, chế độ quân phiệt Miến Điện làm đảo lộn tình hình an ninh tại khu vực từ Nam Á chạy qua Đông Nam Á.

Với doanh gia gốc Hoa - chiếm phân nửa tư doanh Miến - và cả các nhóm cộng sản võ trang do Bắc Kinh huấn luyện thời xưa, nay vẫn còn quyền tự trị như các lãnh chúa địa phương, với các dự án dầu khí hay xây dựng hạ tầng có thể biến Miến Điện thành cửa ngõ cho Trung Quốc thông thương ra Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương mà khỏi vòng qua eo biển Malacca, Miến Điện trở thành một mối quan tâm về an ninh cho Ấn Độ.

Do đó, việc phát triển bang giao song hành với cả Trung Quốc và Ấn Độ không đạt mục tiêu mơ ước ban đầu là chẵn lẻ gì thì các tướng lãnh cũng thắng, khi đu dây ở giữa.

Thứ hai, Miến Điện là xứ đa chủng với chính thức là 135 sắc tộc khác nhau, thực tế là ngoài dân Miến chiếm gần 70% dân số còn có ba sắc tộc lớn khác. Vì đặc tính đa chủng ấy, họ mới lập ra Liên hiệp Miến Điện từ khi giành lại độc lập năm 1948. Chế độ quân phiệt lại đàn áp các sắc dân thiểu số hay mặc nhiên hạ phóng một số lãnh tụ sắc tộc trong từng vùng sinh sống riêng.

Nạn buôn lậu ma túy, võ khí, sự lây lan bệnh tật và làn sóng tỵ nạn đã gây bất ổn cho một xứ lân bang là Thái Lan. Nếu chế độ tập quyền hiện nay tan rã, các nước có thể lại gặp một thảm họa tương tự như sau khi Liên bang Nam Tư sụp đổ. Các xứ Á châu sẽ không thể nhắm mắt được như trước vì Miến Điện sẽ là vấn đề của họ, nhất là khi mà xứ này có trữ lượng khí đốt được đánh giá là một trong 10 nơi nhiều nhất.

Vì mấy lý do đó, Trung Quốc khó bao che cho chế độ như trong quá khứ, nhất là khi Bắc Kinh đang có nhiều vấn đề nội bộ và muốn xuất hiện như một xứ văn minh nhân dịp tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Họ phải chú ý hơn đến dư luận quốc tế, trước tiên là tại Á châu, và nếu khéo xử thì vẫn không mất phần với chính thể lâm thời sẽ ra đời sau này.

Bài học cho Việt Nam

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, tất nhiên phải liên hệ đến Việt Nam. Trước tình cảnh đó của Miến Điện, người Việt Nam nên nghĩ sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về phía chính quyền, tôi cho rằng không thể cấm đoán báo chí loan tin về những chuyện động trời như đang xảy ra tại Miến Điện từ sáu bảy tuần nay. Thứ hai, nếu mai này Việt Nam được là hội viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì sẽ bỏ phiếu ra sao khi hồ sơ Miến Điện được đưa ra quốc tế? Bỏ phiếu theo ý kiến của Trung Quốc và Liên bang Nga hay theo quan điểm quyền lợi của Việt Nam?

Về phía dân chúng, tôi cho rằng người Việt Nam cần biết về Miến Điện vì xứ này cũng có các chứng tật bất toàn như Việt Nam khi xét đến quyền lợi của người dân, dù là ở một mức độ khác. Và những người muốn cho Việt Nam được tự do và dân chủ hơn cũng cần chú ý tới sức cản của Trung Quốc, như đã thấy tại Miến Điện. Nó làm cho quốc gia khó xoay trở để chọn lựa giải pháp tốt đẹp nhất cho mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.