Biến chuyển ở Miến Điện, quá nhanh và bất ngờ?

0:00 / 0:00

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Trước những biến chuyển đang xảy ra tại Miến Ðiện và được cả thế giới chú ý đến, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã liên hệ với Giáo Sư Tiến Sĩ Josef Silverstein.

BurmeseProtesters200.jpg
Hình ảnh lấy từ trang web Mizzima New cho thấy phóng viên người Nhật Kenji Nagai (bên phải, tóc bạc/mặc quần short) đang quay phim những người biểu tình, trước khi ông bị lực lượng an ninh Miến bắn chết trên đường phố Yangon hôm 27-9-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Ông là chuyên gia hàng đầu của Ðại Học Rutgers, bang New Jersey, về Châu Á, và là tác giả nhiều quyển sách về tình hình chính trị Miến Ðiện. Cuộc phỏng vấn chúng tôi gửi đến quý thính giả sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện. Phần chuyển ngữ cho Nguyễn An đọc.

Đã kéo dài trong 20 năm trời

Nguyễn Khanh: Một số nhà phân tích cho rằng biến chuyển chính trị đang xảy ra ở Miến Ðiện là một biến chuyển quá nhanh và bất ngờ. Giáo Sư có đồng ý với nhận định đó không?

Tiến Sĩ Josef Silverstein: Tôi không coi những gì đang xảy ra ở Miến Ðiện là biến chuyển nhanh hay bất ngờ. Biến động đang xảy ra đã âm thầm cháy trong suốt gần 2 thập kỷ qua và bây giờ chúng ta mới nhìn thấy ngọn lửa.

Ngay cả sự xuất hiện của các tu sĩ Phật Giáo dẫn đầu đoàn biểu tình cũng thế. Nếu theo dõi sát những biến chuyển xảy ra giữa Phật Giáo Miến Ðiện và các tướng lãnh ở Rangoon, người ta phải nhớ đến chuyện hồi năm 1990 chính quyền đã đưa quân đội vào các tu viện ở Mandalay, đánh đập các nhà sư và đã có sư tăng bị quân đội giết chết.

Ðến ngày hôm nay, nhà nước Miến Ðiện không hề lên tiếng giải thích tại sao họ lại điều đó, và nếu họ làm sai thì cũng chẳng đưa ra một lời xin lỗi. Nhưng tôi có thể nói là từ đó đến giờ, quan hệ giữa Phật Giáo và nhà nước Miến Ðiện luôn luôn ở trong tình trạng mà tôi gọi là căng thẳng.

Điều đó hoàn toàn đúng. Ðây là cuộc cách mạng do người dân chủ động. Dân chúng Miến Ðiện đã chán ngấy chế độ độc tài, không thể chấp nhận được các chính sách sai lầm mà những tướng lãnh đề ra, không thể chịu đựng được cảnh tiếp tục mất quyền làm người. Ðây đúng là cuộc cách mạng do người dân, người dân vùng dậy.

Nguyễn Khanh: Các nhà báo Châu Á mà tôi có dịp nói chuyện trong vài ngày gần đây đều coi biến chuyến Miến Ðiện là cuộc cách mạng của người dân…

Tiến Sĩ Josef Silverstein: Điều đó hoàn toàn đúng. Ðây là cuộc cách mạng do người dân chủ động. Dân chúng Miến Ðiện đã chán ngấy chế độ độc tài, không thể chấp nhận được các chính sách sai lầm mà những tướng lãnh đề ra, không thể chịu đựng được cảnh tiếp tục mất quyền làm người. Ðây đúng là cuộc cách mạng do người dân, người dân vùng dậy.

Nguyễn Khanh: Nhưng Giáo Sư đừng quên phải mất tới 20 năm trời chúng ta mới thấy người dân Miến Ðiện vùng lên. Tại sao phải mất một thời gian lâu như thế?

Tiến Sĩ Josef Silverstein: Nếu nhìn lại lịch sử, người ta sẽ phải nhớ đến biến cố 1988 khi người dân Miến Ðiện biểu tình ôn hòa, và các tướng lãnh ra lệnh cho quân đội nổ súng bắn những người tham gia biểu tình.

Sự việc này xảy ra trong 3 ngày liên tiếp, và đến nay cũng chưa biết rõ có bao nhiêu người đã chết trước họng súng của quân đội Miến. Theo những nhân chứng kể lại thì số người bị giết thời đó có thể lên đến 3,000 người. Ba ngàn người không có một tấc võ khí trong tay đã bị quân đội giết chết. Ðây là một con số kinh hoàng.

Từ đó cho đến nay, phe quân sự cầm quyền ở Rangoon xiết chặt gọng kìm cai trị, không cho người dân cơ hội trình bày nguyện vọng của họ. Mãi đến bây giờ chúng ta mới thấy người dân tràn ra đường tham gia đoàn người tranh đấu. Theo tôi, đây là chuyện tức nước vỡ bờ.

Tái diễn sự kiện 1988

Nguyễn Khanh: Có khi nào Giáo Sư lo ngại chuyện từng xảy ra hồi 1988 sẽ tái diễn lại hay không?

Tiến Sĩ Josef Silverstein: Tôi đã từng nghĩ sẽ có lúc chuyện từng xảy ra hồi 1988 tái diễn trở lại.

BurmeseSoldiers200.jpg
Lực lượng an ninh Miến Điện chuẩn bị tấn công những người biểu tình ở Yangon hôm 27-9-2007. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Trong những năm qua, nhà cầm quyền quân sự Miến Ðiện bắt giữ tất cả những người mà họ nghi là tìm cách đánh phá chế độ, người đó có thể là một nhà tranh đấu, và cũng có thể chỉ là một người dân bình thường. Nhưng bây giờ giới tu sĩ Phật Giáo đã nhập cuộc, các nhà sư đã thật sự lãnh nhận vai trò lãnh đạo cuộc tranh đấu, và tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta đang đứng bên bờ vực của một vụ bắn giết thứ hai.

Ông đừng quên biến cố 1988 xảy ra ở Miến Ðiện thì một năm sau biến cố Thiên An Môn xảy ra ở Trung Quốc. Ðiều khác biệt là cách đây 20 năm, không có một tin nào lọt được ra khỏi lãnh thổ Miến cả, nhưng bây giờ tình thế đã hoàn toàn đổi khác, người dân sử dụng điện thoại cầm tay cung cấp tin tức cho thế giới biết các diễn biến đang xảy ra.

Giới trẻ Miến Ðiện sử dụng máy tính computer để liên hệ với bên ngoài, hình ảnh các đoàn biểu tình được tung ra cho thế giới xem từng giây, từng phút một.

Nếu bảo rằng người dân Miến Ðiện đã tập họp để trở thành một cơ quan truyền thông bán chính thức thì cũng không hẳn đúng, những rõ ràng, những người có can đảm đã làm hai điều mà tất cả mọi người khác đều mong đợi: một là tham gia biểu tình, hai là phổ biến các tin tức, hình ảnh liên quan đến đoàn biểu tình, bất kể rủi ro có thể xảy đến với họ.

Tình hình sẽ thay đổi?

Nguyễn Khanh: Các cuộc biểu tình tiếp tục xảy ra, và người dân Miến Ðiện đã cất tiếng nói. Muốn hỏi Giáo Sư là chính phủ đương thời Rangoon sẽ tiếp tục đứng vững được bao lâu nữa?

Tiến Sĩ Josef Silverstein: Tôi e rằng chính phủ quân sự Rangoon sẽ tiếp tục điều khiển đất nước Miến Ðiện trong một thời gian khá lâu. Lý do là phe tướng lãnh có võ khí, có nhà tù và có cả dã tâm đàn áp người dân, thành ra họ sẽ còn tiếp tục nắm quyền trong một thời gian khá dài, trước khi chúng ta nhìn thấy thay đổi.

Nguyễn Khanh: Thay đổi này liệu có thể đến nhanh hơn không?

Tiến Sĩ Josef Silverstein: Nhanh hay chậm tùy thuộc vào con số người dân bị chính quyền bắn chết, tùy thuộc vào con số người đi biểu tình bị bắt bỏ tù. Nhưng đừng quên là nếu nhà cầm quyền áp dụng chính sách thật cứng rắn, có thể lúc đó người dân Miến Ðiện sẽ sợ hãi, không dám tiếp tục biểu tình bày tỏ quan điểm nữa.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Silverstein.