Lê Dân, phóng viên đài RFA
Mấy ngày qua đã có một số diễn tiến tại Miến Điện liên quan đến giới tăng lữ Phật giáo, vốn rất được quý trọng. Dư luận quốc tế quan tâm vào khi chiến dịch báo chí bôi bẩn các tăng sĩ Việt Nam cũng vừa mới xảy ra. Lê Dân lược thuật những sự việc xảy ra tại thị trấn Pakokku miền Trung Miến Điện, nơi được xem là trung tâm Phật giáo của xứ này.

Hôm thứ Sáu, chương trình truyền hình nhà nước Miến Điện MRTV số 3 phát bài phóng sự về cuộc xung đột tại Pakokku hôm mùng 6 tháng Chín, quy lỗi cho các sư sãi địa phương.
Bài phóng sự dài không nhắc đến việc 22 viên chức nhà nước bị các sư sãi bắt giữ, mà chỉ nhấn mạnh về nỗ lực và thiện chí của quan chức đối với những kẻ mà họ gọi là "gây rối", tức các tăng sĩ Phật giáo tu tập tại những tu viện quanh vùng.
Sư sãi xuống đường
Người xướng ngôn nhắc lại sự việc xảy ra hôm trước đó, khi hàng trăm sư sãi đã kéo ra đường gia nhập đoàn biểu tình của dân chúng, phản đối giá nhiên liệu tăng cao, khiến hệ thống giao thông toàn quốc đình trệ, kéo theo giá cả những mặt hàng nhu yếu khác cũng tăng vọt.
Bài phóng sự truyền hình nói rằng hôm thứ Tư, các sư sãi tràn qua ông chủ tịch thị trấn, khiến ông này sợ hãi phải rút súng ngắn ra bắn 4 phát chỉ thiên để cảnh cáo. Các vị sư đã sợ hãi bỏ chạy cùng với đoàn thường dân và cuộc biểu tình được giải tán.
Thế nhưng cùng hôm đó, tin tức quốc tế cho biết nhiều tiếng súng nổ từ phía lực lượng an ninh đông đảo bao vây đoàn biểu tình gồm mấy trăm thường dân và gần 700 nhà sư.
Nhà cầm quyền không nên sử dụng công an mặc thường phục, hay thuê mướn xã hội đen, bọn anh chị côn đồ để hành hung thường dân và tăng sĩ. Họ muốn tạo cảnh thường dân xô xát với thường dân, thế nhưng bọn chúng đánh người dưới sự chứng kiến của lực lượng an ninh không can thiệp, thì có khác gì chính nhà cầm quyền hành hung người ta ?
Súng nổ, sư sãi hoảng loạn và đoàn xã hội đen mặc thường phục xông vào dùng gậy gộc hành hung những thường dân trong đoàn biểu tình, dưới sự chứng kiến của các viên chức nhà nước.
Trong cuộc phỏng vấn giành cho đài Á châu Tự do, một tăng sĩ cao cấp tại Mandalay, thành phố lớn thứ nhì và cũng là trung tâm Phật giáo Miến Điện, một tăng sĩ lãnh đạo một tu viện lớn không muốn nêu tên đã phát biểu:
“Nhà cầm quyền không nên sử dụng công an mặc thường phục, hay thuê mướn xã hội đen, bọn anh chị côn đồ để hành hung thường dân và tăng sĩ. Họ muốn tạo cảnh thường dân xô xát với thường dân, thế nhưng bọn chúng đánh người dưới sự chứng kiến của lực lượng an ninh không can thiệp, thì có khác gì chính nhà cầm quyền hành hung người ta ?”
Coi thường người dân
Sáng sớm thứ Năm, lãnh đạo Ban Tôn giáo Nhà nước cùng quan chức các cấp kéo đến Tu viện phía Đông và sau đó đến Tu viện Trung ương Pakokku để trao chỉ thị về trật tự xã hội. Nơi đây đoàn quan chức bị phía tăng lữ chất vấn và xô xát xảy ra.
Tin tức cho biết các tăng sĩ đã bao vây, tịch thu điện thoại di động của quan chức, bắt giữ 22 người trong đoàn Ban Tôn giáo Nhà nước và Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia Miến Điện. Sự giận dữ của đám đông càng tăng thêm khi có sự can dự của nhóm xã hội đen, hay nhân viên an ninh mặc thường phục hôm trước. Đoàn thường dân biểu tình kéo đến tu viện và khi bị ngăn chận, họ đã lật 4 chiếc xe của nhà cầm quyền rồi nổi lửa đốt.
Đoàn người còn kéo đi diễu hành khắp thị trấn Pakokku, ở ngoại vi thành phố Mandalay. Một cửa hàng điện tử lộng lẫy của quan chức đầu tỉnh bị đám đông đốt phá.
Đến chiều thì số 22 cán bộ viên chức nhà nước được trả tự do sau khi giới lãnh đạo Phật giáo Pakokku can thiệp. Vị đại diện tăng sĩ Mandalay cho biết :
“Nhà cầm quyền ngày càng xem thường dân chúng và các nguyện vọng chính đáng của họ. Các tướng lãnh cũng tỏ ra thiếu tôn trọng đối với các bậc tu hành. Phía Phật giáo đã hỷ xả như vậy, nay thì nhà cầm quyền cần tỏ thiện chí của mình để giải quyết xung đột, tránh gây bất ổn trên tòan quốc.”
Tin tức mới nhất cho biết nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện đã cho lệnh thả người tù Ye Thein Naing, vốn bị gãy chân mà không được chữa trị, đang là đối tượng mà dân chúng Miến Điện đòi hỏi. Ông này bị bắt trong cuộc biểu tình phản đối giá sinh hoạt tăng cao hôm 28 tháng Tám vừa qua, bị gãy chân mà không được đi bệnh viện hay chăm sóc y tế trong tù.
Hôm thứ Sáu ông đã được đưa tới bệnh viện điều trị và phát ngôn nhân chính phủ cho đó là hành động thiện chí của chính phủ đáp ứng cho việc 22 viên chức nhà nước không bị bắt làm con tin ở Pakokku.
Phản ứng của thế giới
Những diễn tiến xảy ra tại Miến Điện vang động tới tận Sydney, Australia, là nơi hội nghị thượng đỉnh 21 quốc gia trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương APEC đang diễn ra.
Tại đây, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush trong bài diễn văn dọc trước doanh gia Á châu-Thái Bình Dương đã khẳng định quốc tế cần thúc đẩy nhà cầm quyền Miến Điện chấm dứt việc bắt bớ, xách nhiễu và tấn công những người yêu chuộng dân chủ.
Trung Quốc vốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ và thường bênh vực chế độ quân nhân cầm quyền Miến Điện cũng lên tiếng bày tỏ sự quan tâm đối với những gì vừa xảy ra và kêu gọi các phía nên tự chế và hành xử trong tinh thần xây dựng.
Ngoại trưởng Malaysia cho biết khối ASEAN có cùng quan điểm với Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ về tình hình Miến Điện, yêu cầu nhà cầm quyền xứ này cởi mở hơn. Ông Hamid Syed Albar cũng mong muốn Liên Hiệp Quốc can dự vào việc này.