Tổng thống Bush nhìn nhận mối tương đồng giữa cuộc chiến Iraq và Việt Nam

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush lần đầu tiên lên tiếng nhìn nhận có thể có một trường hợp tương đồng giữa tình hình cuộc chiến ở Iraq trong tháng này với một giai đoạn trong chiến tranh tại Việt Nam trước đây. Trà Mi của Ban Việt Ngữ trình bày chi tiết hơn trong bài sau đây.

BushUnionState200.jpg
Tổng thống Bush đọc diễn văn thường niên trước Quốc Hội Hoa Kỳ tối thứ Ba 31-1-2006. AFP PHOTO

Trả lời cuộc phỏng vấn dành riêng cho hệ thống truyền hình ABC của Mỹ hồi tối thứ tư tại Washington, Tổng Thống Bush nói rằng ông đồng ý với nhận xét cho là tình hình chiến cuộc ở Iraq đang leo thang cũng tương tự như tình hình ở Việt Nam sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân đầu năm 1968 .

"Rõ ràng bạo động đang gia tăng.", Tổng Thống Mỹ nói tiếp: "Đừng quên là Al-queda vẫn tiếp tục hoạt động mạnh ở Iraq.

Ðây là bọn rất nguy hiểm. Không những muốn giết binh sĩ Mỹ, bọn chúng còn muốn tạo nên cuộc chiến tôn giáo giữa những người Iraq với nhau. Chúng tin rằng sẽ tạo được bất ổn ở Iraq để nhân dân Mỹ chán ngấy cuộc chiến và buộc Chính Phủ phải rút quân về nước.”

Trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân xảy ra hồi năm 1968, khi Cộng Sản Bắc Việt và quân Cộng sản miền Nam đồng loạt mở những cuộc tấn công vào các thành phố lớn.

Vấp phải sự kháng cự dũng mãnh không ngờ của quân đội Việt Nam Cộng Hoà mà trước đó họ vẫn chủ quan đánh giá thấp, lực lượng cộng sản thất bại với tổn thất lớn, như một số tướng lãnh của quân đội miền Bắc hơn ba mươi năm sau mới nhìn nhận. Nhưng trận tổng tấn công đã nổ ra giữa lúc giới quân sự Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đều tuyên bố đồng minh đang trên đà thắng lợi và sẽ giải quyết được chiến tranh.

Chiến trường và chính trường

Yếu tố này được phía Bắc Việt coi là một chiến thắng lớn về tinh thần, khiến người dân Hoa Kỳ mất niềm tin ở chính phủ và quân lực Mỹ, đòi đặt lại vấn đề tại sao binh sĩ Mỹ phải tham dự chiến cuộc Việt Nam. Cũng từ đó, dư luận chống đối chiến tranh bắt đầu bùng lên cao hơn.

Trước áp lực mạnh mẽ đó, chính phủ Hoa Kỳ lúc ấy đã phải tìm lối thoát bằng cách đàm phán với Hà Nội để rút quân về nước với một hiệp ước không công bằng và vô hiệu quả. Kết quả là cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc vào cuối tháng tư 1975 với kết quả miền Nam thua trận.

Cho đến bây giờ, mỗi khi nói đến cuộc chiến Việt Nam, nhiều sử gia và các tướng lãnh Mỹ tin rằng Hoa Kỳ không hề thua ở chiến trường, mà thất bại ở chính trường.

Cũng vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy trong cuộc phỏng vấn, Tổng Thống Mỹ nói rõ ông sẽ không rút hết quân ra khỏi Iraq trước ngày rời Nhà Trắng, ngụ ý nói rằng áp lực chính trị dù có đè nặng đi chăng nữa, ông cũng không bỏ lời cam kết sẽ xây dựng một quốc gia Iraq mới và một Trung Ðông mới, theo đúng với nguyên vọng tự do, dân chủ mà người dân vùng này mong ước thấy.

Phát biểu được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đưa ra vào đúng thời điểm những cuộc thăm dò công luận do giới truyền thông thực hiện cho thấy chỉ có 38% người dân Mỹ ủng hộ việc làm của ông, và 67% nói rằng họ không mấy lạc quan khi nghĩ đến cuộc chiến đang xảy ra ở Iraq.

Tin tức từ chiến trường đưa về cũng ngày một dồn dập hơn trước, con số binh sĩ Mỹ tử trận gia tăng, bạo động cũng bộc phát ở nhiều nơi giữa hai cộng đồng Hồi Giáo Sunni và Shiite, đồng thời dư luận còn chỉ trích Chính Phủ Iraq không thể làm tròn những trách nhiệm cơ bản.

Sau khi cuộc phỏng vấn được phổ biến, Nhà Trắng đưa ra bản thông cáo nói rõ hơn về lập trường của Hoa Kỳ. Thông cáo viết rằng dù thấy được khó khăn ở trước mặt, nhưng Tổng Thống Bush tin tưởng chính nhân dân Mỹ cũng thấy điểm quan trọng nhất là phải tiêu diệt kẻ thù, những kẻ sẵn sàng nổ súng giết nhưng người yêu chuộng và bảo vệ tự do.

Ông Tony Snow, người phát ngôn của toà Bạch Ốc, còn nói thêm là Washington ủng hộ chính phủ đương thời ở Baghdad. Và sẵn sàng trả giá cho một chiến thắng mà Tổng Thống Hoa Kỳ tin rằng rất cần thiết.