Nội dung bản thông điệp liên bang 2007 của Tổng thống Bush?
2007.01.23
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Giờ này ngày mai, Tổng Thống George W. Bush sửa soạn rời Nhà Trắng để đến Quốc Hội Liên Bang đọc bản thông điệp hàng năm.
Bản thông điệp được đọc trước lưỡng viện Quốc Hội -theo đúng quy định của hiến pháp- để người đang lãnh đạo quốc gia báo cáo về tình trạng liên bang, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Tổng Thống Hoa Kỳ trình bày những sách lược ông muốn thực hiện, cũng như giúp ông thu hút được sự ủng hộ của dân chúng và các vị dân cử. Từ Washington, Thy Nga của Ðài chúng tôi có tường trình chi tiết sau đây.
Trong bản thông điệp được dự đoán kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush sẽ dành phần lớn thời gian để trình bày cho dân chúng và Quốc Hội Liên Bang biết về tình hình cuộc chiến Iraq.
Cũng theo dự đoán, ông Bush sẽ nhắc lại những chiến lược mới mà ông đang cho áp dụng, từ việc đưa thêm 21,500 binh sĩ vào chiến trường, cho đến những thúc đẩy buộc chính phủ Baghdad phải dần dần nhận lãnh trách nhiệm, để giảm bớt gánh nặng mà các binh sĩ Hoa Kỳ đang phải đảm nhận khi bảo vệ an ninh cho Iraq.
Cơ hội cuối cùng
Các nhà phân tích chính trị đều tin rằng bài diễn văn quan trọng Tổng Thống Bush sẽ đọc vào tối thứ Ba ở Washington, tức sáng thứ Tư giờ Việt Nam, là cơ hội cuối cùng để ông Bush có thể thu phục được sự ủng hộ của dân chúng cũng như các vị dân cử thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.
Trước khi ông đọc bản thông điệp, các cuộc thăm dò công luận cho thấy uy tín chính trị của ông vẫn tiếp tục giảm, và hiện chỉ có chừng 30% tin tưởng kế hoạch ông đang thực hiện sẽ đem lại kết quả.
Tổng Thống tin rằng có cách để hành pháp và lập pháp làm việc chung với nhau, chẳng hạn như hai bên có nhiều điểm tương đồng trong kế hoạch cải tổ năng lượng, hay trong chương trình cải tổ giáo dục.
Một trong những người đặt nghi vấn về chiến lược đang được áp dụng ở Iraq là Thống Ðốc Brian Schweitzer của bang Montana. Trong một bài phát biểu đọc hồi cuối tuần rồi, ông Thống Ðốc Schweitzer nói rằng không phải chỉ có cá nhân ông, mà ngay chính đa số nhân dân Mỹ cũng đặt câu hỏi liệu có thể thành công ở Iraq hay không. Ông Thống Ðốc bang Montana nói:
“Mối thâm thù giữa hai tập thể Hồi Giáo Shiite và Sunni kéo dài đã nhiều thế kỷ. Người bên ngoài không thể nào giải quyết được việc này, ngoại trừ chính những người dân Iraq cũng muốn ổn định và tự do y như chúng ta mong đợi họ.”
Bản thông điệp mà Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush sắp đọc trước Quốc Hội còn tạo cơ hội để trả lời cho câu hỏi “liệu ông có còn nắm được vị thế của nhà lãnh đạo khi đọc bản thông điệp hàng năm trước một Quốc Hội đang do đảng Dân Chủ điều khiển hay không?”.
Vẫn có thể hợp tác
Bà Dana Perino, phụ tá người phát ngôn Nhà Trắng, một mặt nhìn nhận đang có những khác biệt giữa hành pháp và lập pháp, nhưng mặt khác cho biết Tổng Thống Bush tin rằng hai bên vẫn có thể hợp tác làm việc chung với nhau cho đến khi ông Bush mãn nhiệm kỳ hai, tức vào đầu năm 2009.
“Tổng Thống tin rằng có cách để hành pháp và lập pháp làm việc chung với nhau, chẳng hạn như hai bên có nhiều điểm tương đồng trong kế hoạch cải tổ năng lượng, hay trong chương trình cải tổ giáo dục."
Ðây là lần thứ 7 ông Bush ra trước Quốc Hội Liên Bang để đọc bản thông điệp hàng năm. Kể từ ngày lập quốc đến giờ, bản thông điệp báo cáo tình trạng liên bang của vị Tổng Thống Mỹ luôn luôn được coi trọng, cho dù hình thức thực hiện thay đổi theo thời gian.
Bản thông điệp thứ nhất được vị Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ là ông George Washington đọc trước Quốc Hội hôm mùng 8 tháng Giêng năm 1790 tại New York, là thủ đô của Hoa Kỳ vào lúc đó.
Năm 1801, vị Tổng Thống thứ ba của nước Mỹ là ông Thomas Jefferson không đồng ý ra trước Quốc Hội, cho rằng lối làm việc như vậy có thể tạo cảm tưởng cho mọi người là vị Tổng Thống có quá nhiều quyền uy. Giải pháp ông Jefferson đưa ra là Tổng Thống viết bản báo cáo gửi cho các vị dân cử, và ông chính là người đi tiên phong.
Hình thức Tổng Thống Thomas Jefferson chọn được áp dụng cho mãi đến năm 1913, khi Tổng Thống Woodrow Wilson ra trước Quốc Hội để đọc bản thông điệp hàng năm, và hình thức này được áp dụng cho đến ngày nay. Cũng phải nói thêm là kể từ những năm giữa thế kỷ 20, truyền thanh và truyền hình đã giúp cho người lãnh đạo nước Mỹ không chỉ chia sẻ quan điểm của mình với Quốc Hội, mà còn với dân chúng nữa.
Các tin, bài liên quan
- Tổng thống Bush bảo vệ quyết định gây tranh cãi về cuộc chiến Iraq
- Hoa Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự nhắm vào Iran
- Tổng thống Iraq viếng thăm Syria
- Ý nghĩa bài diễn văn của Tổng thống Bush mới đây về cuộc chiến Iraq
- Tổng thống Bush loan báo đưa thêm 21.500 binh sĩ đến Iraq
- Tổng thống Bush sắp loan báo các kế hoạch mới về Iraq
- Hoa Kỳ đề xướng chiến dịch cô lập Iran về mặt tài chính
- Bạo động nổ ra tại Baghdad sau bản án tử hình Saddam Hussein
- Al-Qaeda: Mỹ đang thương thuyết không đúng đối tượng tại Iraq