Họp Thượng Đỉnh Bush- Hồ Cẩm Đào


2006.04.21

Trần Sơn Nam

Như đã được sửa soạn từ trước bởi cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuôc hội họp thượng đỉnh quan trọng giữa một bên là Tổng Thống George W. Bush và một bên là Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm đào đã diễn ra tại tòa Bạch ốc từ sáng cho đến trưa ngày 20 tháng 4, 2006.

BushHuJinTao200.jpg
Tổng Thống Bush và bà Laura Bush tiếp đón Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và phu nhân trước Tòa Bạch Ốc. AFP PHOTO

Tổng Thống Bush và bà Laura Bush đã tiếp đón Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và phu nhân qua một buổi lễ trang trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách tại vườn trước Tòa Bạch Ốc, rồi sau đó đã có cuộc hội đàm giữa hai vị nguyên thủ tại văn phòng (Oval Room) của Tổng Thống Bush. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về kết quả và ý nghĩa của cuộc họp thượng đỉnh quan trọng này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nguyễn An: Thưa ông Trần Sơn Nam, cuộc hội đàm giữa Tổng Thống George W. Bush và Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tại Tòa Bạch Ốc đã chấm dứt. Ông vui lòng cho biết bầu không khí của cuộc hội đàm ra sao và kết quả có tốt đẹp không ?

Trần Sơn Nam: Thưa, như mọi người đã biết, trên chính trường quốc tế mọi cuộc hội họp thượng đỉnh đều được sửa soạn từ trước. Riêng trong trường hợp cuộc họp thượng đỉnh này thì người ta được biết là về phía Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã sửa soạn rất kỹ lưỡng cuộc họp này vì Trung Quốc đặt mối quan hệ Mỹ-Trung vào một ưu tiên rất cao.

Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào đã gặp Tổng Thống Bush từ trước đến nay đã 5 lần nhưng nay mới là lần đầu ông đến viếng thăm nước Mỹ một cách chính thức với tư cách là Chủ Tịch Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc đặt nặng vấn đề uy tín nên không một chi tiết nhỏ nào được bỏ qua để nâng cao uy tín của Trung Quốc trên chính trường quốc tế ngang hàng với các cường quốc khác.

Do đó mà nếu những vấn đề được mang ra thảo luận có tầm quan trọng thì tính cách biểu tượng của cuộc hội họp cũng không kém phần quan trọng.

Nguyễn An: Nếu như vậy thì sự đón tiếp Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào có thể hiện được những sự chờ đợi của phía Trung Quốc không ?

Mối quan hệ Mỹ-Trung là một mối quan hệ hết sức phức tạp và hết sức đa dạng, gồm đủ các lãnh vực kinh tế, tài chính, quân sự, an ninh chiến lược, tự do. nhân quyền v,v…, ngoài ra mỗi bên lại có những quan điểm khác khi nhìn vào việc, nên không thể trông chờ vào sự thỏa thuận của cả hai bên trên mọi vấn đề.

Trần Sơn Nam: Riêng về phần này thì tuy Hoa Kỳ chỉ mới coi chuyến viếng thăm của phái đoàn Trung Quốc như một chuyến “viếng thăm chính thức” nhưng cách tiếp đón Chủ Tịch họ Hồ với đầy đủ lễ nghi quân cách tại Tòa Bạch Ốc với những lời lẽ đón chào hết sức thân thiện của ông Bush, tôi nghĩ rằng tính cách biểu tượng cũng được thể hiện đầy đủ.

Nguyễn An: Nhưng còn về những vấn đền thực chất thì hai bên có đi đến sự thỏa thuận nào không ?

Trần Sơn Nam: Theo giới quan sát quốc tế thì những vấn đề thực chất mà hai bên có lẽ sẽ mang ra thảo luận là vấn đề mậu dịch, vấn đề Đài Loan, vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng và sau hết là vấn đề Bắc Hàn và Iran.

Mối quan hệ Mỹ-Trung là một mối quan hệ hết sức phức tạp và hết sức đa dạng, gồm đủ các lãnh vực kinh tế, tài chính, quân sự, an ninh chiến lược, tự do. nhân quyền v,v…, ngoài ra mỗi bên lại có những quan điểm khác khi nhìn vào việc, nên không thể trông chờ vào sự thỏa thuận của cả hai bên trên mọi vấn đề.

Vì vậy mà ngay trong bài diễn văn chào mừng, ông Bush cũng có nói “ mối quan hệ giữa hai nước đã nẩy nở và đạt được mức trưởng thành nên chúng tôi có thể thẳng thắn nói đến những điều không đồng ý” (“as our relations grows and matures we can be candid about our disagreements”).

Thực ra, nói cho cùng thì nếu Trung Quốc cần phải có mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ thì ngược lại Hoa Kỳ cũng cần có mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, tuy rằng mỗi bên đều có những lý do riêng biệt. Hoàn cảnh đó buộc hai nước vào một thế hợp tác cục bộ. Hợp tác được thì hợp tác nếu chưa được thì không làm cho tình trạng ổn định bị suy sụp.

Nguyễn An: Nếu căn cứ vào buổi họp báo của 2 vị nguyên thủ sau khi họ đã hội đàm với nhau thì xem ra bầu không khí rất thuận lợi. Ý kiến ông ra sao ?

Trần Sơn Nam: Tôi có theo dõi buổi họp báo này. Mới đầu thì ông Bush nói rất ngắn, nhưng tỏ ra có những nhận định rất tích cực. Ông nói: “Chúng tôi đã có những trao đổi ý kiến rất xây dựng, trong một tinh thần tương kính và đề cập đến nhiều vấn đề như Iran, Sudan, sự phổ biến những vũ khí nguy hiểm, Đài Loan v,v… Riêng về vấn đề này tôi có nói rõ là tôi ủng hộ chính sách “một nước Trung Hoa” và không ủng hộ Đài Loan độc lập.”

BushHuJinTao200b.jpg
Tổng Thống George W. Bush và Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Tòa Bạch Ốc. AFP PHOTO

Chúng tôi không thỏa thuận về mọi điều nhưng tinh thần thân hữu và hợp tác là một yếu tố quan trong trong mối quan hệ song phương . (“We have a constructive dialogue. We do so with respect. We talked about Iran, Sudan, proliferation of weapons of mass destruction, Taiwan. I this respect, we support the “One China policy” and do not support the “independance of Taiwan” . We do not agree on everything but the friendship and cooperation spirit is very important in our relationship” )

Rồi đến lượt ông Hồ Cẩm Đào thì đặc biệt hôm nay người ta thấy ông nói nhiều. Ông cám ơn ông Bush đã mời ông và dành cho ông và phái đoàn Trung Quốc sự tiếp đón niềm nở, rồi ông cũng nói đến những điều Trung Quốc đã thỏa thuận với Hoa Kỳ.

Riêng về vấn đề Đài Loan, sau khi khẳng định Đài Loan là một phần đất bất khả phân của lãnh thổ Trung Quốc, ông cám ơn ông Bush về thái độ của ông Bush trong vấn đề này. Rồi ông trả lời rất nhiều câu hỏi của các phóng viên ngoại quốc tại phòng họp kể cả những vấn đề dân chủ ở Trung Quốc và những vấn đề tế nhị về mậu dịch tỉ dụ như những đòi hỏi của phía Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc phải nâng cao thực giá của đồng nhân dân tệ.

Ông hứa là sẽ tiếp tục theo đường hướng này vì ông hiểu “mối quan tâm của chính giới Mỹ về vấn đề này. (“We understand the U.S. concerns and continue to take steps towards an amelioration of the situation… We can have different opnions, even frictions but we can imptove the situation through consultations”…) Ông cũng xác định là Trung Quốc muốn khuyến khích sự tiêu thụ trong nước chứ không phải chỉ có theo đuổi chủ trương xuất cảng hàng hóa ra ngoại quốc.

Ngoài ra về sự trông chờ của Mỹ muốn Trung Quốc có thái độ tích cực hơn để thúc đẩy Iran và Bắc Hàn chấp nhận đối thoại, ông cũng đưa ra lời hứa là sẽ cố gắng để tìm những giải pháp hòa bình cho hai vấn đề khó khăn ấy.

Nguyễn An: Nếu phải đánh giá cuộc hội họp thượng đỉnh Mỹ-Trung thì ông có kết luận nào không ?

Trần Sơn Nam: Tôi nghĩ là ngay từ lúc đầu giới quan sát quốc tế không chờ đợi những kết quả ngoạn mục từ cuộc họp thượng đỉnh này. Ngay cả về những vấn đề tế nhị như áp lực từ phía Quốc Hội Mỹ đòi chính phủ phải cứng dắn để bênh vực quyền lợi của Mỹ trong mậu dịch hay nhân quyền và tự do tôn giáo thì chắc chắn ông Hồ Cẩm Đào cũng biết trước là dưới một hình thức nào đó ông Bush cũng phải nêu lên một cách công khai, do đó dầu hai bên có chưa đi đến một sự thỏa thuận nào thì phần quan trọng của mối quan hệ song phương cũng phải nhường chỗ cho tính cách thân thiện, nhẹ nhàng của buổi họp.

Ông Bush lúc này gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chiến tranh Irak và một số vấn đề nội bộ khác, ngoài ra lại sắp có cuộc bầu cử bán phần cuối năm nay. Còn ông Hồ Cẩm Đào thì nhìn từ bên ngoài, mức tăng trưởng vẫn ở mức cao, nhưng nếu nhìn sâu vào tình hình hình nội bộ của Trung Quốc thì những vấn đề tham nhũng hay chênh lệch giàu nghèo, giữa thành thị và thôn quê, giữa miền duyên hải và nội địa tất cả là nhựng vấn đề khổng lồ không dễ giải quyết.

Do đó mà như trên đây tôi đã trình bầy, hoàn cảnh của hai bên không cho phép những chủ trương cứng dắn. Được một bầu không khí thân thiện giữa hai đối tác có thiện chí như trong cuộc họp vừa qua, như vậy cũng là một kết quả khá tốt rồi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.